| Hotline: 0983.970.780

Ngày hội việc làm nông nghiệp: Đam mê, nhiệt huyết

Thứ Hai 26/05/2014 , 08:05 (GMT+7)

Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức "Ngày hội việc làm 2014".

Hàng nghìn sinh viên (SV) năm cuối của trường háo hức ghi danh phỏng vấn mong tìm được việc làm như ý sau khi ra trường.

Theo đánh giá chung của các đơn vị tuyển dụng, SV ĐH Nông nghiệp Hà Nội rất đam mê, nhiệt huyết với nghề. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tiễn, nhiều em tỏ ra thiếu kỹ năng. Việc nhà tuyển dụng phải đào tạo lại gần như là bắt buộc.

5.000 cử nhân sắp ra “lò”

Trong cái nóng như thiêu đốt, giảng đường Nguyễn Đăng của ĐHNN Hà Nội đông nghẹt người. Trong số đó, chủ yếu là SV năm cuối của trường - những người sắp cầm trong tay tấm bằng cử nhân đỏ chói.

Tham dự buổi khai mạc "Ngày hội việc làm 2014" có đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ LĐ-TB&XH cùng 53 đơn vị tuyển dụng trong nhiều lĩnh vực. PGS.TS Vũ Văn Liết, Phó Hiệu trưởng ĐHNN Hà Nội, Trưởng BTC cho biết, trải qua 58 năm, ngôi trường này đã đào tạo cho đất nước trên 70.000 cử nhân ĐH, 4.398 thạc sĩ và 432 tiến sĩ.

10-02-16_1
PGS.TS Vũ Văn Liết, Phó Hiệu trưởng, Trưởng BTC “Ngày hội việc làm 2014”

“Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, trường còn có những đóng góp quan trọng trong KH- CN với hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi và TBKT mới đưa vào SX góp phần phát triển kinh tế đất nước”, PGS.TS Vũ Văn Liết nói.

Theo ông Liết, những năm gần đây, ĐHNN Hà Nội đã không ngừng đổi mới chương trình, nội dung đào tạo các bậc học, các hệ đào tạo. Chương trình đào tạo phát triển theo hai hướng là định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp. Và bước đầu dần chuyển sang định hướng nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các DN tuyển dụng.

Đặc biệt, nhà trường đã phối hợp hiệu quả trong công tác đào tạo, thực tập kĩ năng nghề nghiệp, tài trợ học bổng và hỗ trợ nghiên cứu khoa học.

Năm 2014, ĐHNN Hà Nội sẽ cho ra “lò” gần 5.000 cử nhân hệ đại học chính quy từ 27 ngành và nhiều chuyên ngành đào tạo. Đội ngũ SV của trường được đào tạo có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. 

ĐHNN Hà Nội cam kết không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Ngày hội việc làm 2014 đã thu hút sự tham gia của 53 đơn vị tuyển dụng. Dự kiến, sẽ có hơn 2.000 vị trí được tuyển dụng. Trong đó, 6 đơn vị sẽ tuyển dụng với số lượng không hạn chế.

10-02-16_2
Hàng nghìn sinh viên đã đăng kí phỏng vấn để tìm việc làm

Tuyển nhiều, “trụ” chẳng bao nhiêu

Mặt trời đứng bóng, khu vực tầng 2 và 3 của giảng đường Nguyễn Đăng, hàng nghìn SV vẫn chen chúc nhau đăng ký phỏng vấn. Cứ hai đơn vị tuyển dụng lại được bố trí vào một phòng, thực hiện công tác phỏng vấn. Mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt của những cử nhân tương lai hiện rõ sự lo lắng, hồi hộp. 

Em Đào Mạnh Tùng, K55 Khoa Chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản, ĐHNN Hà Nội cho biết, em vừa kết thúc đợt thực tập tại một trại nuôi lợn giống vào ngày hôm qua. Tùng nhận xét, đợt thực tập vừa qua chính là khoảng thời gian học việc của em. Thực hành rất nhiều và trên thực tế, việc vênh với lí thuyết được học là không tránh khỏi.

SV này ví dụ, kĩ thuật mổ và khâu cho lợn theo giáo trình của nhà trường thì rất khó. Tuy nhiên, khi thực hành, kĩ thuật này rất đơn giản, làm một loáng là xong. Tùng đã đăng ký tham gia phỏng vấn, ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật trang trại của Cty CP Kinh doanh thuốc Thú y Amavet (Cty Amavet). “Em là người đăng ký đầu tiên và đã phỏng vấn xong. Các anh bên Cty bảo tuần sau sẽ điện lại thông báo kết quả”.

SV Vũ Tất Chung, Khoa Chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản cũng tham gia phỏng vấn vào Cty Amavet nhưng với vị trí kinh doanh. Chung bảo, 5 tháng thực tập ở Trại nghiên cứu gia cầm Cẩm Bình (Hải Dương) là thời gian vô cùng quý báu.

“Em được học hỏi ở các anh chị nhiều hơn. Thực tiễn khác quá nhiều so với lí thuyết nhưng dần rồi cũng quen. Bọn em đa số học từ thực tế. Ví dụ, trường không dạy tiêm vịt, nhưng đi thực tập các anh chị chỉ cho thì tiêm được hết”. SV này tự đánh giá, với những gì học được từ giảng đường, sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

10-02-16_4
Kĩ năng giao tiếp là điểm yếu của hầu hết các cử nhân tương lai

PV NNVN ghi nhận được rất nhiều ý kiến tương tự trong số 53 đơn vị tham gia Ngày hội việc làm 2014 của ĐHNN Hà Nội. Các đơn vị tuyển dụng cho biết, mong rằng thời gian tới, khi nhà trường chính thức trở thành Học viện Nông nghiệp VN, công tác đào tạo sẽ được nâng cao, sát với thực tiễn hơn. Mong rằng, nơi đây sẽ luôn là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho trong ngành nông nghiệp.

Chia sẻ với PV, ông Lê Hải Đồng, Trưởng phòng Kinh doanh Cty Amavet cho biết, câu hỏi phỏng vấn sẽ không nằm ngoài kiến thức chuyên môn SV được học. Điểm mạnh của SV ĐHNN Hà Nội là sự nhiệt huyết, đam mê với nghề nghiệp. Tuy nhiên, kiến thức đào tạo cho sinh viên quá nhiều, quá rộng trong khi các Cty lại đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu.

Vị trưởng phòng này ví dụ: "Cty tôi chỉ cần người giỏi về bệnh hoặc dinh dưỡng, SV lại không đáp ứng được. Kiến thức đào tạo bị dàn trải, vênh với thực tiễn nhiều quá. Sau mỗi đợt tuyển dụng, Cty dành ra ít nhất 2 tuần, đưa nhân viên mới đi thực tế, thực hành mổ, khám, tiếp xúc với khách hàng. Chi phí đào tạo đơn vị tuyển dụng phải tự chịu".

Bên cạnh kiến thức, theo ông Đồng, yếu điểm của SV hiện nay chính là những kĩ năng giao tiếp. “Không chỉ giỏi chuyên môn, anh phải biết giải quyết các mối quan hệ. Ứng xử với khách hàng, đồng nghiệp một cách tinh tế, khéo léo”. Mỗi năm, Cty Amavet tuyển từ 30 - 40 nhân viên. “Tuyển thì nhiều, nhưng sau một thời gian tự đào thải, số SV còn làm việc ở Cty còn rất ít”, ông Đồng cho biết.

GĐ Kinh doanh Cty Thuốc Thú y Agrovet. H, ông Phan Trọng Minh thì cho biết, các lĩnh vực trong chăn nuôi, đơn vị này chỉ tuyển dụng SV của Trường ĐHNN Hà Nội. Ông Minh nhận định, tuy SV được học gần 5 năm nhưng thời gian được va chạm với thực tiễn là chưa đủ.

Cũng như nhiều đơn vị tuyển dụng khác, Cty Agrovet.H phải tổ chức đào tạo, bổ sung kiến thức thực tiễn cho SV. Dẫu vậy, số SV trụ lại làm việc ở Cty không nhiều. Có một thực trạng là SV được tuyển dụng vào làm, chỉ một thời gian ngắn thì “nhảy” việc.

“Nếu họ muốn phát triển ở một môi trường tốt hơn, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng đa phần SV xin vào làm chỉ để lấy kinh nghiệm rồi nhảy sang chỗ khác, ở đó họ phải làm lại từ đầu, đây là một sai lầm. Trong khi Cty bị thiệt hại về kinh phí đào tạo và thời gian”, ông Minh chia sẻ.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất