| Hotline: 0983.970.780

Ngày mới ở Mường Vang

Chủ Nhật 31/08/2008 , 08:30 (GMT+7)

Giờ đây trên đất Mường Vang, nhiều hộ gia đình năng động trong suy nghĩ, đổi mới cách làm ăn đã có nhà lầu, xe hơi…

Người Mường Vang vẫn tự hào quê mình là một trong những vựa thóc lớn của tỉnh Hoà Bình. Nơi đây có hang Đá Trại, các nhà khảo cổ học đã tìm ra hạt thóc hoá thạch to bằng quả gắm, dân trong vùng vẫn gọi là hạt thóc nhà Giời. Giờ đây trên đất Mường Vang, nhiều hộ gia đình năng động trong suy nghĩ, đổi mới cách làm ăn đã có nhà lầu, xe hơi…

Mường Vang vốn nổi tiếng với những giống lúa thơm ngon

Trong những ngày chớm thu, chúng tôi có dịp đến với đất vựa lúa lớn thứ 2 của xứ Mường Vang (huyện Lạc Sơn) mừng công trình nước sạch nông thôn đầu tiên trong xã. Chị Bùi Thị Nga - Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về xứ Mường nổi tiếng.

Xa xưa vùng này có tên là Tức Chanh, sau này chia làm 7 xã. Tân Lập là tên xã mới, nằm trên chính đất Mường Vang trung tâm của xứ Mường; có chợ Chiềng nổi tiếng, tuần họp 2 phiên; có hang Đá Trại, nơi khảo cổ học đã tìm ra hạt thóc hoá thạch to bằng quả gắm, dân Mường vẫn gọi là hạt thóc nhà Giời. Cũng trong hang Đá Trại cùng với hạt thóc hoá thạch, các nhà khảo cổ còn tìm thấy bộ xương người hoá thạch, được xác định đó là bộ xương người Việt cổ. Từ đó đất Mường Vang được lưu danh, xa gần biết đến là nơi sinh sống của người Việt cổ.

Năm 2007, hang Đá Trại được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử. Tại đây, cũng nổi tiếng với các nhà Lang giàu có, trong đó quan Lang Quách Vĩ xứ Mường Vang là nổi tiếng hơn cả. Xa xưa Lang Vĩ cai quản cả vùng Tức Tranh. Cánh đồng nhà Lang nối nhau rộng dài, đi ngựa cả tuần không hết đất. Lúa gạo nhà Lang nhiều không kể hết, đất rừng từ bản tới núi cao, còn trâu, bò, ngựa, dê thả đàn đàn trên rừng, trên núi. Lang Vĩ nổi tiếng hơn các Lang trong vùng không chỉ có nhà to đẹp, còn vì nhà Lang có nhiều chiêng nhiều ché, có bàn đèn thuốc phiện phả khói tối ngày, tấp nập người hầu hạ.

Di tích về khu nhà ở của quan Lang Vĩ chỉ còn lại những viên đá chân cột nhà

Chuyện của gia đình Lang Vĩ đó là thời xa xưa. Bây giờ trụ sở UBND xã, hội trường xã Tân Lập đều nằm trên khu đất nhà Lang Vĩ xưa. Chị Nga kể, thời Pháp thuộc thấy mảnh đất nhà Lang thế đẹp, gần đường giao thông, gần chợ lớn, nên quan Tây buộc nhà Lang phải nhường vị trí này choTây đóng bốt. Sau hoà bình, chính quyền địa phương tiếp quản vị trí này cùng hạ tầng cơ sở cũ. Năm 2007, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 641 triệu mới xây được UBND xã mới to đẹp như hôm nay. Dấu tích về khu nhà ở của quan Lang Vĩ trên đất này chỉ còn lại những viên đá chân cột nhà còn xếp ở góc vườn.

Ngoài 40 tuổi, học xong ĐH Kinh tế quốc dân, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập Bùi Thị Nga là người nhanh nhẹn, hiểu biết rộng. Chị nói với chúng tôi về cuộc sống của xứ Mường hôm nay mà không cần đến sổ sách. Tân Lập cách trung tâm phố huyện 15 km, chưa có đường nhựa qua địa phương. Tháng 9 này dự án làm đường mới từ xã Nhân Nghĩa đi xã Miền Đồi sẽ ngang qua Tân Lập và cuối năm nay, khi đón mùa xuân mới, chắc chắc con đường nhựa chạy qua địa phận xã Tân Lập, sẽ giúp vùng quê này khởi sắc hơn.

Xã Tân Lập, ba năm nay không có người sinh con thứ ba. Chị Bùi Thị Nga cũng là một tấm gương sinh đẻ có kế hoạch. Ở tuổi chị, sinh con một bề hai gái nhưng chị đã dừng lại để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con tốt hơn. Nhờ thế, chị đã học xong trung cấp kinh tế rồi học xong tại chức đại học kinh tế.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Bùi Thị Liệu, ngôi nhà xây 3 tầng cao to cạnh trụ sở UBND xã. Đó là một trong những gia đình làm kinh tế giỏi của xã. Đầu năm 1990, vợ chồng chị bỏ nghề giáo viên để chuyển sang kinh doanh thịt lợn. Cơ chế thị trường bung ra, năng động trong cách làm ăn mới, vợ chồng chị Liệu tích cóp mua được đất, rời nhà cũ từ xóm Chiềng Cát giáp chân núi để xây nhà to gần chợ. Trò chuyện với chúng tôi, chị không dấu diếm báo tin vui, cuối năm nay vợ chồng chị sẽ mua xe ô tô du lịch 4 chỗ để cả gia đình có thể đi thăm thú du lịch các miền quê. Chị Liệu nói: “Nhà tôi neo người quá, cháu lớn đang học cao đẳng, cháu nhỏ năm nay vào lớp 12, chỉ có 2 vợ chồng vừa kinh doanh thịt lợn vừa cấy lúa và chăn nuôi gia đình. Có vốn muốn phát tiển đàn bò nhưng không có người chăn. Tôi đã cho bà con không có vốn nuôi rẽ bây giờ tổng đàn bò của gia đình tôi là 13 con, không kể số con đã chia cho các hộ nuôi rẽ”

Nông dân ở đây, giờ làm ăn cũng theo cung cách mới. Đa số đã cấy giống lúa có năng suất cao, một số hộ đã chuyển đất lúa sang trồng màu như trồng bí xanh, dưa chuột có giá trị cao hơn trồng lúa, một số hộ chăn nuôi lớn. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Xuân Diệu ở xóm Đồng Anh, một trong những hộ chăn nuôi lớn của xứ Mường. Ông Diệu cho hay, cách đây chưa lâu gia đình còn khó khăn, con lớn học xong trung cấp chăn nuôi không xin được việc làm, cả nhà có 6 khẩu chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng. Không xin được việc thì ở nhà tổ chức chăn nuôi gia đình, bố con ông Diệu bàn nhau và quyết tâm vay vốn xây 300m2 chuồng trại vào năm 2004.

Trong chăn nuôi gia đình ông Diệu chọn phương thức nuôi vỗ lợn thương phẩm, gia đình mua lợn choai về vỗ cứ hai tháng xuất chuồng một lứa. Mỗi năm xuất từ 200-250 con lợn trừ chi phí lãi trên dưới 60 triệu đồng, ngoài nuôi lợn gia đình ông Diệu còn nuôi thêm gà thịt và gà đẻ trứng. Hiện gia đình ông Diệu vẫn vay tiền ngân hàng để mua dự trữ thức ăn cho chăn nuôi. Những năm qua dịch bệnh cúm gà rồi lợn tai xanh bùng phát khắp nơi, nhưng chuồng trại chăn nuôi nhà ông Diệu vẫn an toàn bởi làm tốt chăm sóc tiêm phòng dịch bệnh, giữ vệ sinh chuồng trại cho chăn nuôi. Hỏi về cách thức tiêu thụ sản phẩm ông Diệu cho hay, nuôi nhiều xuất chuồng theo lứa đủ chuyến ô tô dễ bán lắm, các nơi họ gọi điện về cứ theo đúng lịch là cho cả chuyến xe về bắt lợn. Ngoài nuôi lợn gia đình ông Diệu còn nuôi mỗi lứa 200-300 gà thịt và gà để trứng. Kinh tế 4 năm nay phát triển khá…

Ngày mới trên đất Mường Vang là bài ca lao động của bà con xứ Mường. Bà con đang phấn đấu để cuối năm nay 16/18 thôn trong xã đạt danh hiệu hôn văn hoá. Dù đi đâu ở đâu, người dân Mường Vang vẫn tự hào là quê hương của cây lúa nhà giời, cây lúa mãi sinh sôi trên đất Mường Vang cho đủ đầy no ấm.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.