| Hotline: 0983.970.780

Ngày mới ở những làng Việt kiều

Thứ Năm 20/06/2019 , 08:53 (GMT+7)

Từ Campuchia trở về, họ chẳng có mảnh giấy tuỳ thân, phải sống “vất vưởng” đâu đó dưới gầm cầu, lòng hồ thuỷ điện hay trong những túp lều xiêu vẹo ven rừng, thu nhập bấp bênh, bữa đói bữa no, tương lai mù mịt… Nhưng hôm nay, cuộc sống của họ đã bước sang một trang mới, tươi đẹp hơn.

Qua rồi những ngày đói khổ

Một ngày đầu hè, trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm khu nhà “Đại đoàn kết” ở ấp 1, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Đây là khu “tổ ấm” trong mơ của những hộ kiều bào Campuchia.

14-00-29_nh_1
Xóm Việt kiều chênh vênh trên bờ sông cách đây vài năm, nhìn từ cầu Sài Gòn.

Niềm vui vẫn còn nguyên trong mắt người lớn, họ tươi cười, hân hoan chào đón khách. Đám trẻ nhỏ dường như cũng vui hơn, chúng không ngớt nô đùa, tiếng cười giòn tan.

Tôi từng đến xóm Việt kiều này cách đây vài năm, khi đó, đứng trên cầu Sài Gòn, thấy những căn chòi lá rách nát, tạm bợ, dựng bằng những thân cây chênh vênh trên triền sông. Cảm giác chỉ cần một cơn gió hay một trận mưa lớn cũng có thể cuốn trôi tất cả. Khi gặp chủ nhân của những căn chòi ấy, lại càng xót xa hơn. Từ Campuchia trở về, họ không ai có mảnh giấy tuỳ thân, thứ họ nhiều nhất chính là đàn con đông như đàn gà.

Những gia đình có từ 5 - 12 đứa con chiếm số đông, như gia đình anh Minh có đến 12 người. Hay như gia đình chị Quỳnh, lúc tôi gặp mới 31 tuổi nhưng đã có đến 6 đứa con, đứa lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi. Chưa có đứa nào được đến trường dù chỉ một ngày. Khi đó, tôi hỏi chị rằng sao nghèo mà đẻ nhiều vậy, chị cười buồn, bảo, không biết cách… “phanh”.

14-00-29_nh_3
Những gia đình với đàn con như… bầy gà con.

Ấy là chuyện cách đây vài năm. Còn hôm nay, mọi chuyện đã thay đổi. Những hộ dân này đã có nhà mới, cuộc sống mới. Mỗi hộ được chính quyền xây cho căn nhà trị giá 65 triệu đồng, trên diện tích đất 400m2 với mái tôn, cửa sắt, nền xi măng, đường giao thông kết nối với chợ, trường, trạm, với điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước…Thế nên, tôi cảm nhận rõ niềm vui trong mắt họ hôm nay.

Trong căn nhà mới xây, chị Nguyễn Thị Tám (37 tuổi) kể, hai vợ chồng có với nhau 6 người con và sống chen chúc trong một chiếc ghe chật hẹp lênh đênh trên sóng nước Biển Hồ bằng nghề giăng câu.

Cũng như các hộ Việt kiều khác, gia đình ông Lê Văn Lũy sống lênh đênh trên các sông hồ kiếm ăn bằng nghề chài lưới, năm 2002 trở về sống tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Cuộc sống không thể thoát nghèo vì thu nhập chỉ dựa vào việc đánh bắt cá, tôm và tiền công làm thuê bấp bênh theo mùa vụ.
“Được cấp nhà và đất sản xuất, đi khám bệnh lại có bảo hiểm nên ai cũng phấn khởi”, ông Lũy chia sẻ. Ngồi kế bên, bà Nguyễn Thị Lệ, vợ ông Lũy, nhớ lại: “Khi bước chân vào căn nhà mới này, nhiều lúc đang ngủ, nghe trời mưa, tôi lồm cồm ngồi dậy, cuống cuồng kêu chồng con chạy che mưa, chống cột lều. Định thần lại thấy đang nằm trên giường. Lúc đó tôi vẫn cứ nghĩ mình đang mơ, tự véo vài cái thấy đau mới tin là thật”.

Năm 1999, vợ chồng chị cùng hàng chục gia đình khác hồi hương, về khu vực chân cầu Sài Gòn (Hớn Quản, Bình Phước) dựng chòi lá che mưa nắng, kiếm sống bằng nghề chài lưới trên đầu nguồn sông Sài Gòn.

“Hồi mới về, cuộc sống khó khăn, nghèo đói bủa vây chưa đủ, mỗi khi mùa mưa đến, còn khổ gấp trăm lần. Năm nào cũng vây, mùa mưa đến là có vài căn chòi bị cuốn trôi xuống sông. Mấy đứa trẻ con rớt xuống sông thường xuyên, may là tụi nó sống ghe thuyền từ trong bụng mẹ, nên biết đi cùng lúc với biết bơi”, chị Tám xúc động nói.

Nhớ lại những ngày mới từ Biển Hồ về, sống chui rúc dưới chân cầu Sài Gòn, ông Lê Văn Minh, 54 tuổi, một cư dân trong khu nhà mới, trầm ngâm: “Hơn chục năm nay, 13 con người trong gia đình tôi chen chúc trong căn chòi cất tạm, mái tôn, vách bạt, viên đất chọi chim không có, một mảnh giấy tùy thân cũng không... 2/3 cuộc đời lênh đênh trên sông nước, có nằm mơ cũng không dám nghĩ có ngày mình được nằm ngủ một đêm yên giấc mà không phải giật mình thon thót, sợ gió mạnh giật sập nhà như bây giờ”.
 

Tương lai đang dần sáng

Rời khu nhà “Đại đoàn kết”, tôi tìm đến làng chài ở thôn Bình Đức 1, dưới lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, nơi sinh sống của khoảng 250 kiều bào Campuchia, để cảm nhận sự “thay da đổi thịt” ở đây.

Mấy năm nay, kiều bào Campuchia hồi hương ngày một nhiều. Thôn Bình Đức 1 hiện có 87 hộ Việt kiều sinh sống. Những năm đầu, các hộ còn mặc cảm do không có giấy tờ tùy thân, nay chuyện ấy không còn là trở ngại.

Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với hơn 10 hộ theo nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ.

Ở đây mỗi hộ nuôi từ 3 - 4 ngàn con, chủ yếu cá lăng và lóc. Ngoài hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật nuôi cá lồng bè, tổ còn đề ra quy chế hoạt động riêng nhằm bảo vệ nguồn thủy sản lòng hồ.

Ông Nguyễn Văn Thông, chủ bè cá chúng tôi gặp, tươi cười kể: “Năm 2004, cuộc sống bên Biển Hồ Campuchia khó khan quá nên tôi quyết định đưa vợ con về.

Không đất sản xuất nên phải chọn lòng hồ thủy điện Thác Mơ sinh sống từ ngày hồ mới tích nước. Trước đây, thủy sản ở hồ nhiều, một đêm buông lưới, sáng hôm ra chợ là bỏ túi tiền triệu. Giờ nguồn lợi này ngày một cạn kiệt do đánh bắt theo lối tận diệt nên tôi nuôi cá lồng bè để có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống”. 

14-00-29_nh_5
Cuộc sống hôm nay ở những xóm Việt kiều.

Hiện bè cá của gia đình ông Thông có hơn 3.000 cá lăng nha. “Riêng cá lóc 2 năm tuổi rồi mà chưa xuất bán do cá chưa đủ trọng lượng”. Tôi hỏi: “2 năm mà chưa bán vậy sao có lời?”.

Ông giải thích: “Vì tôi không nuôi cám, chỉ cho ăn thức ăn tự nhiên. Nếu cho ăn cám, chừng nửa năm là có thể xuất, nhưng thịt không ngon. Còn nuôi tự nhiên, thịt cá thơm, dai, ngọt, giá cao gấp rưỡi cá nuôi cám. Đâu cũng vào đó thôi”.

Sang bè cá cách đó không xa của gia đình ông Nguyễn Văn Phong, ông kể: “Gia đình tôi cũng lên bờ định cư rồi. Hồi trước, cả nhà 8 người chen chúc trong chiếc ghe chật chội, mấy đứa nhỏ chỉ ngồi một chỗ trên ghe, không được đi học. Giờ lên bờ, 2 đứa cháu ngoại đều được đi học.

Đã được miễn học phí rồi, còn được hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập đầu năm học. Dịp hè, các cháu còn được đoàn viên thanh niên của xã tổ chức lớp học tình thương phổ cập xóa mù chữ nên nhiều cháu lớn tuổi không được đi học, giờ đã biết viết và làm tính cơ bản, điều mà hồi trước chúng tôi chưa bao giờ dám mơ”.

14-00-29_nh_8
Ông Lê Văn Minh, Việt kiều hồi hương sống ở khu vực cầu Sài Gòn, Hớn Quản, Bình Phước, đang hồi tưởng lại những năm tháng khổ cực trong quá khứ.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.