| Hotline: 0983.970.780

Ngày Thơ Việt Nam trong khoảng lặng Covid-19

Thứ Năm 25/02/2021 , 14:00 (GMT+7)

Ngày Thơ Việt Nam vào rằm tháng giêng năm nay không được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ngày Thơ Việt Nam tiếp tục lỗi hẹn Nguyên Tiêu năm nay.

Ngày Thơ Việt Nam tiếp tục lỗi hẹn Nguyên Tiêu năm nay.

Tết Canh Tý 2020, khi virus corona bắt đầu bước vào câu chuyện âu lo của người Việt, thì Ngày Thơ Việt Nam đã bị hủy bỏ. Trừ một vài tỉnh thực hiện Ngày Thơ Việt Nam gói gọn trong khán phòng nho nhỏ, thì hầu hết các địa phương có sự đầu tư tương đối cho Ngày Thơ Việt Nam đều tạm ngưng hoạt động dịp Nguyên Tiêu năm ngoái. Tết Tân Sửu 2021, là năm thứ hai Ngày Thơ Việt Nam không được tổ chức.

Không ai phủ nhận giá trị của Ngày Thơ Việt Nam trong đời sống tinh thần thời hội nhập của người Việt. Tuy nhiên, nội dung và hình thức lặp đi lặp lại một cách nhàm chán của Ngày Thơ Việt Nam là yếu tố mà những người đăng cai nên đắn đo. Ngày Thơ Việt Nam không chỉ là nơi xuất đầu lộ diện của những nhà thơ, mà còn là điểm đến thú vị của người yêu thơ. Làm sao để lôi cuốn công chúng đến với Ngày Thơ Việt Nam, mới là vấn đề đáng suy tư.

Hàng năm, cứ đến Ngày Thơ Việt Nam thì mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Văn Miếu. Đó là lẽ thường, vì hoạt động cốt lõi của Hội Nhà Văn Việt Nam dành cho Ngày Thơ Việt Nam diễn ra ở đây. Hơn nữa, thủ đô luôn hội tụ nhiều tao nhân mặc khách.

Tuy nhiên, Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu có đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng hay chưa? Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ những chiêu trò cũ kỹ. Poster khổ lớn giới thiệu các nhà thơ, là một ý tưởng thú vị được nhà văn Phan Thị Vàng Anh thực hiện cho các cây bút trẻ cách đây 15 năm, vẫn liên tục được dùng cho những nhà thơ lão thành hoặc nhà thơ quá cố, như một cuộc triển lãm bất di bất dịch. Kế đến là màn thả bong bóng mang theo những câu thơ lên trời. Còn gì nữa, một sân khấu chính cho các nhà thơ nối nhau lên đọc thơ.

Nói dở thì e rằng hơi cay nghiệt, nhưng nói hay thì e rằng hơi dễ dãi. Tính sáng tạo hầu như không tìm thấy ở mỗi Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu. Cho nên, nhà thơ và người yêu thơ đến đây chủ yếu để gặp gỡ nhau, để chụp hình lưu niệm tung lên Facebook, còn giá trị thi ca bỗng dưng đóng vai phụ bẽ bàng.

Ngày Thơ Việt Nam đang bớt dần sức quyến rũ. Đúng vậy, món ngon nào ăn lâu cũng ngán. Thế nhưng, một lực lượng sáng tạo thi ca hùng hậu mà không chung tay làm được Ngày Thơ Việt Nam đa thanh đa sắc mỗi năm, thì cũng đáng buồn. Bây giờ, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm Tân Sửu, thì cũng là khoảng lặng để cùng nhau cải thiện chất lượng Ngày Thơ Việt Nam.

Trước hết, cần xác định lại một lần nữa, Ngày Thơ Việt Nam phải mang tầm vóc một lễ hội văn hóa. Nghĩa là Ngày Thơ Việt Nam không nhằm để các nhà thơ khoe tài khoe cán, mà là dịp gắn kết công chúng với thi ca. Do đó, đừng bao giờ có ý nghĩ gom góp dăm bài thơ hay rồi ngâm vịnh mà thành Ngày Thơ Việt Nam. Công chúng đến Ngày Thơ Việt Nam không có mục đích tìm kiếm thiên lý mã, mà họ muốn ngắm con ngựa vằn. Nghĩa là Ngày Thơ Việt Nam phải cộng hưởng giá trị thi ca và giá trị trình diễn, hội đủ cả nét vằn và dáng ngựa.  

Một khi đã là lễ hội văn hóa thì phải có tổng đạo diễn, phải có một người vừa yêu thơ vừa am tường về sân khấu. Đừng nghĩ rằng, cứ đưa ra chủ đề chung chung như “Mùa xuân đất nước” hoặc “Sông núi trên vai” mà có được nét riêng cho mỗi Ngày Thơ Việt Nam. Vị tổng đạo diễn sẽ đưa ra ý tưởng xuyên suốt, từ chất liệu của các nhà thơ mà cung ứng và điều phối hoạt động cho cả không gian Ngày Thơ Việt Nam một cách khoa học và nghệ thuật. Tính độc đáo của từng Ngày Thơ Việt Nam sẽ thu hút đám đông và trực tiếp tôn vinh thi ca, không thể dựa vào sự tùy hứng của các nhà thơ và sự ồn ào của các câu lạc bộ thơ.

Thả thơ là một trong những hoạt động gây dư luận trái chiều.

Thả thơ là một trong những hoạt động gây dư luận trái chiều.

Nói đi phải nói lại, muốn có lễ hội văn hóa thì câu hỏi đầu tiên vẫn là… tiền đâu? Kinh phí vài chục triệu đồng không thể kiến thiết một Ngày Thơ Việt Nam cho ra hồn ra vía. Tại sao có những lễ hội tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, mà ngân sách không thể chi vài tỷ đồng cho Ngày Thơ Việt Nam. Tiền nào của nấy, không thể ép Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thật hoành tráng với khoản đầu tư rất khiêm tốn. Bối cảnh dàn dựng cũng cần tiền, mà thù lao cho người trình diễn cũng cần tiền.

Nếu đã xem Ngày Thơ Việt Nam là một lễ hội văn hóa thì bài toán tài chính phải được giải quyết căn cơ và thấu đáo. Những cơ quan quản lý Nhà nước đã đến lúc phải có sự quan tâm đúng mức cho Ngày Thơ Việt Nam. Hãy dành một khoản ngân sách thỏa đáng cho Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu cũng như Ngày Thơ Việt Nam ở các tỉnh, như là một dự án bồi đắp tinh thần nhân văn cho người Việt Nam.

Góc độ khác, nếu không thể dùng ngân sách thì có thể kêu gọi xã hội hóa cho Ngày Thơ Việt Nam không? Hoàn toàn có thể. Nếu có ý tưởng và chiến lược bài bản cho Ngày Thơ Việt Nam, thì chắc chắn nhiều Mạnh Thường Quân sẽ không ngần ngại rút ví tài trợ. Công chúng có quyền hy vọng sau thời Covid-19 sẽ chứng kiến Ngày Thơ Việt Nam mới mẻ hơn, trẻ trung hơn, bay bổng hơn.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất