| Hotline: 0983.970.780

Ngày vui trên đất Chín Rồng

Thứ Sáu 23/04/2010 , 11:06 (GMT+7)

Ngày 24/4 này, với người dân trên đất Chín Rồng là một ngày trọng đại bởi cầu Cần Thơ - cầu dây văng hiện đại và dài nhất Đông Nam Á được khánh thành, giúp QL 1A thông suốt từ Bắc vào Nam…

Ngày 24/4 này, với người dân trên đất Chín Rồng là một ngày trọng đại bởi cầu Cần Thơ - cầu dây văng hiện đại và dài nhất Đông Nam Á được khánh thành, giúp QL 1A thông suốt từ Bắc vào Nam…

>> Tạm biệt Bắc Cần Thơ

1. Còn nhớ cách đây đúng 10 năm, giữa tháng 5/2000, hàng triệu người dân ĐBSCL từng chào đón một ngày vui tưng bừng khánh thành cầu Mỹ Thuận. Cầu dây văng hiện đại nhất cả nước vào thời điểm đó bắt qua sông Tiền mênh mông tựa như câu chuyện thần kỳ.

Hôm đó, khắp các nẻo đường miền Tây người dân đổ về như đi hội. Người và xe chật kín như nêm, đường dẫn hai bên chân cầu tắt nghẽn suốt cả ngày. Một ngày vui nhớ đời. Bởi từ đây đánh dấu chấm dứt ngày tháng gian nan mỗi khi sang sông chờ phà Mỹ Thuận. Từ đây hơn 17 triệu dân miền Tây xích lại gần hơn với TP. HCM. Hàng hóa vận chuyển thuận tiện dễ dàng. Cũng từ hôm đó, dân miền Tây lại khát khao trông đợi cây cầu thứ hai vượt qua sông Hậu, bước tiếp cuộc hành trình trăm năm mở cỏi.

Cách đây 8000 năm đã minh chứng sự lớn nhanh mãnh liệt của miền đất mới hình thành trên triền phù sa cổ. Từng hạt phù sa sinh sôi không ngừng làm nên những cánh rừng xanh ngút ngàn, lúa bén rễ oằn bông, hoa thơm trái ngọt trĩu cành, cá tôm sinh sôi, bất tận.

Buổi đầu dân đổ về sinh cư lập ấp và về sau cuộc chờ đợi hơn một thế kỷ với vài chiếc phà thô sơ ban đầu âm thầm qua lại hai bến sông. Bẵng qua 35 năm sau ngày miền Nam giải phóng, khoảng thời gian tuy ngắn, song rút ngắn lại bằng cả trăm năm. Khi cầu Mỹ Thuận khởi công tháng 7/1997 thì dự án cầu Cần Thơ đã được nghiên cứu từ năm 1996, đến năm 2001 được Chính phủ phê duyệt. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải phát lệnh khởi công.

Trên công trường hàng trăm kỹ sư, công nhân ở địa phương và khắp mọi miền về sát cánh cùng các chuyên gia Nhật tham gia xây cầu. Dự tính đến năm 2008 cầu sẽ xây xong, nhưng rồi sự cố sập nhịp dẫn phía bờ Bắc cầu Cần Thơ ngày 26/9/2007 (53 người tử nạn, một người mất tích và 80 người bị thương). Công trình phải tạm hoãn đến 9 tháng sau thi công trở lại. Vượt qua niềm đau, sau cùng cầu Cần Thơ vẫn lao dầm tiến tới về đích an toàn, chất lượng, đúng như sự kỳ vọng của hàng triệu con tim.

2. Là những người chứng kiến sự kiện, cánh nhà báo chúng tôi từng dõi theo mỗi dấu mốc thời gian khó quên trên suốt chiều dài công trình đã không khỏi bồi hồi xúc động.

Ngày đầu, khi Thủ tướng phát lệnh khởi công, trên bãi công trường vừa mới san lấp cát, đông đảo nam phụ lão ấu đã có mặt đông nghịt từ sáng sớm. Họ là những bà con nông dân tay lấm chân bùn sinh cư bao đời với ruộng vườn quanh đây. Nhưng từ đây bà con chấp nhận một cuộc sống mới cho tương lai. Tan lễ khởi công, chưa thấy ai vội về, còn mấy cụ già móm mém cười: “Cánh già tụi này ráng chờ để được bước chân lên cầu mới mới mãn nguyện !”

Thời gian trôi mau, chợt bất ngờ trước sự cố đau thương sập nhịp cầu dẫn làm bàng hoàng bao người. Nước mắt lại lăn dài trên má những bà mẹ, người vợ và những đứa con thơ. Giờ đây, khép lại chuyện buồn đã qua; chúng tôi trở lại xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) nằm phía bờ Bắc sông Hậu, nơi nổi tiếng vườn bưởi Năm Roi ngọt ngào và cũng là xã có số nạn nhân thương vong nặng nề nhất (34 người chết, 41 người bị thương).

Ghé thăm những gia đình có người thân gặp nạn, nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai. Chị Nguyễn Ngọc Sang (46 tuổi), vợ của anh Nguyễn Văn Tiếp - một trong những công nhân gặp nạn. Nhớ chuyện cũ, chị Sang nước mắt lưng tròng: “Mỗi khi có dịp đi chợ Cái Vồn, ngoái nhìn sang cầu Cần Thơ, tôi như được gặp lại anh. Cầu mới xây lên thật cao và đẹp. Tôi thấy vui trong lòng vì nghĩ rằng trong đó có phần đóng góp của chồng tôi”…

Vào cuối năm 2009, khi cầu Cần Thơ thả những sợi dây văng treo những đốt dầm thép cuối cùng nối nhịp, lúc đó những chuyến phà sang sông Hậu cuối năm như gồng gánh quá tải, người xe ngồm ngộp. Trên phà ai cũng dõi mắt ngóng trông về phía cầu Cần Thơ.

Rồi thời khắc đã đến, đúng 8 giờ 30 phút ngày 03/10/2009 cầu Cần Thơ hợp long. Hôm lễ hợp long, đứng trên giữa nhịp cầu cao lộng gió, cánh nhà báo không ngớt bấm máy ghi lại những hình ảnh trong những giây phút khó quên nhất của hàng chục chuyên gia, kỹ sư Việt - Nhật ôm nhau tay bắt mặt mừng. Họ đã ghi dấu công trình mang nhiều ý nghĩa của tình hữu nghị hai nước Việt - Nhật trên vùng đất ĐBSCL.

Toàn tuyến dự án cầu Cần Thơ dài 15,85 km (điểm khởi đầu Km 2061 thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3,2 km, nối trở lại QL 1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Trong đó chiều dài cầu chính 2,75km, phần nhịp giữa thông thuyền dài 350m; khoảng không thông thuyền 37,5m; khổ cầu rộng 23,1m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 lề cho người đi bộ. Tốc độ thiết kế 80 km/giờ, qua các khu dân cư 60km/g.

Tổng vốn đầu tư 4.832 tỉ tương đương khoảng 342,6 triệu USD, từ nguồn vốn ODA (Nhật Bản) và vốn đối ứng của Việt Nam (khoảng 15%).

3. Tôi dong xe trên suốt tuyến đường dẫn hai phía đầu cầu dài mười mấy cây số. Con đường phẳng lì, êm ru, lên xuống dốc qua mấy cây cầu vượt các con sông nhỏ trước khi lao dốc thẳng lên nhịp cầu chính. Tôi có cảm giác như bay trên đường cao tốc như đang cưỡi trên lưng một con rồng uốn lượn trên sông.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, ĐBSCL với hơn 17 triệu dân, tiềm lực kinh tế hàng hóa nông - thủy sản dồi dào bậc nhất so với những vùng khác trong cả nước. Tuy nhiên, chính vì giao thông cách trở trên một vùng sông nước kênh rạch chằng chịt, giao thông đường bộ và nhiều công trình hạ tầng chậm phát triển đã níu sức vươn lên hóa rồng. Nhưng nay đã khác...

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ niềm vui: “Cầu Cần Thơ thông xe đã mở ra diện mạo mới cho vùng ĐBSCL. Từ công trình này sẽ mở ra nhiều tuyến đường tỏa ra khắp vùng Nam sông Hậu với gần 10 triệu dân. Ở TP Cần Thơ, công trình cầu Hưng Lợi, thêm cây cầu thứ 3 bắt sang sông Cần Thơ sẽ thông tuyến qua đường Nam sông Hậu nối vào vòng xoay cầu Cần Thơ thông xe trong dịp này. Dự kiến đến cuối năm 2010 hàng loạt công trình xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thành như: đường quốc lộ (QL) 91B, đường Mậu Thân sân bay Cần Thơ, một số tuyến đường nội ô, đường tỉnh lộ vành đai… sẽ làm đổi thay bộ mặt thành phố trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế…”.

Ngày vui trên cầu Cần Thơ, chợt ai đó nhắc lại câu chuyện hôm nào. Còn đó những chuyến phà sang sông Hậu sóng nước mênh mang, bến cũ đã hơn 130 năm rồi. Quá khứ một thời rồi đây lùi về miền ký ức. Trang mới đã mở ra...

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất