| Hotline: 0983.970.780

Ngày xuân nói chuyện làm giàu: Thu 800 triệu đồng/ha/năm từ trồng rau công nghệ cao

Chủ Nhật 14/02/2016 , 08:35 (GMT+7)

Có một nông dân ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trồng rau công nghệ cao "không nhà lưới" XK được sang Nhật...

Do giá mủ cao su xuống thấp, chỉ còn khoảng 26 triệu đồng/tấn mủ nên không ít nhà vườn đốn bỏ để trồng cây, nuôi con khác có hiệu quả hơn.

Trong đó, có việc trồng rau công nghệ cao “không nhà lưới” trên đất cao su của một nông dân ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mang lại hiệu quả cao.

Lãi 600 triệu đồng/ha, năm

Men theo con đường nhỏ nằm sát bìa QL1 đi huyện Trảng Bàng, theo số điện thoại 0988545295 chúng tôi tìm đến trang trại 3 ha của nông dân Huỳnh Đoàn Thông (55 tuổi) ở ấp Lộc Thuận, xã Lộc Hưng.

Gần hai năm trước, diện tích này được phủ kín bởi cây cao su đang khai thác, tuy nhiên do giá mủ thấp chưa đến 3.000đ/kg mủ khô, tức 30 triệu đồng/tấn/ha. Tổng cộng 3 ha thu nhập 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 30%, còn lại 63 triệu đồng/năm tính ra không có hiệu quả.

Thế là, vào tháng 1/2014, ông Thông quyết định cưa cây bán gỗ được gần 200 triệu đồng. Với số vốn này ông dốc hết đầu tư vào việc trồng rau theo công nghệ cao với thu nhập bất ngờ lên đến 800 triệu đồng/ha/năm.

Ông Thông là một trường hợp cá biệt ở địa phương, bởi theo ông Hà Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng, hầu hết người nông dân trong xã sau khi phá bỏ cây cao su thì đa số trồng giống bắp lai F1 cho một số Cty giống hoặc đầu tư trang trại nuôi bò.

Nếu trồng 1 ha giống bắp lai hợp đồng với Cty CP (Thái Lan) hoặc Cty Bioseed (Ấn Độ), chỉ trong vòng 4-5 tháng đạt năng suất 8 tấn/ha sẽ có thu nhập 30-40 triệu đồng/ha; còn nuôi bò thịt với số lượng lớn 30 con thì mỗi lứa bò vỗ béo 2-3 tháng, mỗi tháng bò tăng trọng 40-50 kg/con. Sau thời gian được vỗ béo, mỗi con xuất chuồng đạt từ 4-6 tạ, lời ít nhất 3 triệu đồng/con trở lên.

Theo GS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội BVTV Việt Nam, trong điều kiện nông nghiệp nước ta hiện nay thì công nghệ cao cần hội tụ đủ ba yếu tố.

Thứ nhất, công nghệ đó phải có hàm lượng chất xám cao hơn so với mặt bằng sản xuất hiện tại; thứ hai, công nghệ đó phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ kỹ thuật của địa phương nơi áp dụng; thứ ba, sản phẩm của công nghệ đó phải có chất lượng tốt, an toàn, có giá trị hàng hóa, thị trường và hiệu quả kinh tế.

Như vậy, tuỳ theo đối tượng SX không nhất thiết lúc nào cũng phải SX bằng công nghệ sinh học hiện đại, trồng cây trong nhà kính, nhà lưới đắt tiền mới gọi là công nghệ cao.

“Tuy nhiên, từ trước đến nay, các Cty giống hạn chế hợp đồng với nông dân do đầu ra sản phẩm F1 không ổn định, còn nuôi bò muốn hiệu quả phải có diện tích trồng cỏ, mà vấn đề này không hẳn ai cũng giải quyết được.

Vì vậy, vẫn biết rằng trồng cây cao su không có hiệu quả bằng cây, con khác, nhưng việc lựa chọn để thay nó bằng một mô hình khác thật sự có hiệu quả hơn là không dễ”, ông Thuận nhấn mạnh.

Mới gặp ông Thông lần đầu, ít ai nghĩ rằng ông là một nông dân chính gốc do tác phong nhanh nhẹn và kiến thức khoa học nông nghiệp khá rộng. Ông bảo trước khi phá bỏ 3 ha cao su, ông đã phải bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu về kỹ thuật trồng rau công nghệ cao, đặc biệt tìm đối tác giải quyết đầu ra sản phẩm.

Ông dẫn chúng tôi đi tham quan 2 ha cà tím XK đang phát triển xanh tốt được trồng bằng phương pháp “giá thể”, tức trồng trong bầu đất, xơ dừa, tro trấu và phân chuồng ủ hoai. Đây là giống cà tím được phía Nhật bao tiêu sản phẩm, đổi lại người trồng phải đảm bảo tuyệt đối tiêu chuẩn kỹ thuật do đối tác đưa ra, trong đó phun thuốc trừ sâu luôn dưới ngưỡng “cấp độ” cho phép.

Giống cà tím này có tên Senryo do phía Nhật cung cấp với giá 100 triệu đồng/kg, trồng được 20 ha. Sau 1 tháng trồng là thu hoạch và kéo dài 4-5 tháng, năng suất bình quân đạt 40 tấn/vụ/ha. Làm một phép tính, 1 kg cà tím bán qua Nhật Bản giá 10.500đ, vị chi có trên 400 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí công lao động, vật tư khoảng 30%, vẫn còn lãi gần 300 triệu đồng. Một năm sản xuất hai vụ cà tím, tính ra lãi ròng lên đến 600 triệu đồng/ha.

Ngỡ rằng tôi không tin, ông đưa cho tôi xem hợp đồng mua bán cà tím với một Cty của Nhật Bản có trụ sở tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM với các điều khoản ràng buộc khắt khe như: Tất cả các loại thuốc trừ sâu và hóa chất khác dùng trong canh tác phải là những loại được bên B (phía Nhật) chấp nhận; ngoài ra bên B sẽ không mua cà tím nếu phát hiện trên trái có những biểu hiệu của lỗ sâu hoặc có sâu bên trong; trái hư, sẹo, chai cứng, đặc biệt là có mùi thuốc sâu..

Bí quyết là gì?

Ngoài việc trồng 2 ha cà tím, ông dành ra 1 ha trồng khổ qua và bầu bí. Riêng khổ qua, với năng suất 30 tấn/ha/vụ 5 tháng, bán vào chợ rau và siêu thị với giá 5.000đ/kg, ông Thông đã có thu nhập thêm gần trăm triệu đồng/năm.

Trước đây lúc trồng cao su, mỗi năm ông sử dụng lao động đếm trên đầu ngón tay để bón phân và cạo mủ, còn nay tổng số lao động thường xuyên ăn ở làm việc trong trại đã là 10 người với mức lương 5 triệu đồng/tháng với các công việc chính như làm cỏ, phun thuốc, thu hoạch và phân loại sản phẩm.

21-31-10_h3
Diện tích trồng khổ qua theo công nghệ cao tiêu thụ nội địa, chủ yếu bán cho các siêu thị

Do cà tím chủ yếu là XK non, do người Nhật có nhu cầu ăn trái non nên trong phân loại cũng phải chọn trái đảm bảo không được chín (già) quá, trái nhỏ, đẹp, cân nặng từ 85-110 gr/trái, chiều dài trái khoảng 12-14 cm.

Vẫn theo ông Thông, bí quyết trồng rau công nghệ cao đạt kết quả như mong muốn, ngoài việc “dám nghĩ dám làm, kiên trì học hỏi, xúc tiến thị trường”, điều tiên quyết là người nông dân phải đầu tư hệ thống tưới nước và bón phân tự động được lập trình phần mềm sẵn nhằm đạt chế độ chăm sóc cây trồng tối ưu. Giá của mỗi hệ thống thiết bị này NK từ Israel là 180 triệu đồng và tất nhiên trong quá trình sử dụng sẽ giảm được rất nhiều chi phí công lao động và vật tư.

Ngoài ra, trồng cây trong bầu (tức “giá thể”) trên cùng một diện tích có ưu điểm là ít bị bệnh, rút ngắn thời gian giữa hai vụ, lao động có việc làm thường xuyên hơn. Đặc biệt, vụ sau trồng không bị ảnh hưởng, vừa hủy xong vụ trước là có bầu trồng ngay nên khoảng cách giữa hai vụ rất ngắn, chỉ có 5-10 ngày.

21-31-10_h2
Sau khi thu hoạch cà tím, các lao động phân loại để phục vụ cho việc xuất khẩu

Trong khi đó, nếu trồng theo cách thông thường, trước khi chuẩn bị cho vụ sau thì đất phải cày bỏ ải, tức không sản xuất nên lao động thất nghiệp có khi cả tháng.

“Từ đầu năm 2015, tôi áp dụng công nghệ mới nên tăng được 2 vụ/năm, từ việc chọn lọc các loại giống rau năng suất vượt trội cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống cung cấp phân bón tự động nên thu nhập đạt cao. Năm 2014 thu nhập từ cà tím chỉ khoảng 400 triệu đồng do trồng 1 vụ, năm 2015 tăng lên 2 vụ nên thu nhập tăng gấp 2 lần.

Quan trọng nhất là trồng cây trong bầu, không cần cày đất, giảm được chi phí. Một lao động có thể vô 300 bầu/ngày mà tỷ lệ hao hụt rất thấp, trong khi gieo trồng ngoài đất vừa có tỷ lệ hao hụt cao mà trong quá trình sinh trưởng cây trồng cũng thiếu tính bền vững hơn”, ông Thông nói.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.