| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Bước chuyển thu hút đầu tư

Thứ Hai 18/02/2019 , 13:50 (GMT+7)

Phấn đấu thu hút đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng, đến năm 2020 chỉ số năng lực cạnh tranh đứng trong top 15 cả nước. Để hoàn thành mục tiêu nói trên bắt buộc tỉnh Nghệ An phải có bước chuyển toàn diện mang tính căn cơ…

Nâng tầm môi trường đầu tư

Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước cùng dân số gần 3,2 triệu người. Sở hữu rừng vàng biển bạc cùng nguồn tài nguyên trù phú, từ lâu mảnh đất này được nhận định là địa điểm thu hút đầu tư đầy tiềm năng.

12-52-13_1
Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư

Ý thức được lợi thế đó, những năm qua Nghệ An không ngừng đổi thay toàn diện và từng bước khẳng định vị thế “trái tim” của vùng Bắc Trung bộ. Điều này có được nhờ sự chủ động trong việc lập kế hoạch, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông (cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ thông qua các cửa khẩu quốc tế...) phục vụ cho các dự án trọng điểm, đây chính là yếu tố tiên quyết để gầy dựng niềm tin nơi các đối tác.

Tín hiệu khả quan là điều không thể phủ nhận, dù vậy nhìn tổng thể công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế, điển hình như: sản xuất CN, chế biến, chế tạo, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ và du lịch quy mô lớn chưa nhiều; thu hút đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng lớn nhưng tiến độ thực hiện còn chậm; chưa thu hút được nhiều dự án lớn mang tính đột phá; thu hút vào KKT, KCN chiếm tỷ trọng thấp; giải quyết thủ tục hành chính ở một số sở ngành và UBND còn bất cập; công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và mong muốn của nhà đầu tư…

Các chuyên gia hàng đầu chung nhận định, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An cần phải có bước chuyển lớn về tư duy, phải chủ động tiếp cận, vận động các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn hùng mạnh. Cùng với đó, phải tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ lớn (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á hay tổ chức JICA...), đồng thời từng bước giản đơn, minh bạch hóa quy trình, thủ tục tiếp cận đất đai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế bình đẳng, gợi mở, thông thoáng hơn.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, thời gian gần đây tỉnh Nghệ An đã chú trọng đến các giải pháp về quy hoạch, phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng, nhất là trong KKT và các KCN. Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các phương án tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo tay nghề, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi trong xu thế mới. Đặc biệt nhất là sự thay đổi căn bản về hình thức tiếp cận, luôn luôn lắng nghe, tạo môi trường thuận lợi nhất có thể nhằm tạo dựng niềm tin vững chắc với các đối tác đầu tư.

Từ những kết quả ấn tượng ban đầu, tỉnh Nghệ An phấn đấu thu hút đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng, trong đó FDI chiếm phân nửa. Đến năm 2020 chỉ số năng lực cạnh tranh đứng trong top 15 cả nước…
 

Đúng hướng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Ngọc Hoa khẳng định: “Thu hút thành công các nhà đầu tư tầm cỡ, các tập đoàn kinh tế lớn mạnh trong và ngoài nước là điểm sáng lớn nhất. Hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên hằng năm mang lại kết quả hết sức thiết thực, nhiều dự án đến nay đã cho hoa thơm, trái ngọt. Hàng loạt dự án lớn hiện diện như VSIP, Hemaraj, TH True Milk, Hoa Sen, Vincom, Vingroup, FLC, T&T, BRG, Masan, Mavin, Vissai, Sabeco, Hoàng Thịnh Đạt, Mường Thanh... cho thấy mọi việc đang đi đúng hướng”.

12-52-13_4
Đã có những doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư tại KCN VSIP

Các hình thức đầu tư được Nghệ An lựa chọn và nhà đầu tư đề xuất như BT, BOT, PPP, vốn vay ODA... đang tạo ra sự phong phú về nguồn lực được huy động, đồng thời bước đầu giảm gánh nặng về đầu tư ngân sách. Thực tế cho thấy, nhiều dự án quy mô, ƯDCNC đang hoạt động rất hiệu quả, đảm bảo lợi ích kinh tế cũng như giải quyết đáng kể nhu cầu việc làm tại địa phương. Đi đầu trong phong trào này cần kể đến Tập đoàn TH (được cấp chứng nhận đầu tư 10 dự án với tổng mức đăng ký 12.068 tỷ đồng), Tập đoàn Vissai (đã đầu tư 12.166 tỷ đồng) hay Tập đoàn Hoa Sen với 2 dự án, tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ…

Qua theo dõi, từ Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư năm 2014 đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 150 dự án lớn có kinh phí trên 100 tỷ đồng/dự án (tổng 89.141 tỷ đồng), trong số này dự án đã hoàn thành cũng như đang triển khai chiếm phần nhiều (129 dự án, tổng vốn chiếm 87%).

Riêng năm 2018 tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp GCNĐKĐT cho 114 dự án với tổng vốn đăng ký lên đến 9.119,7 tỷ đồng. Điều chỉnh 8 lượt dự án với tổng kinh phí tăng 1.279 tỷ. Các dự án lớn được cấp mới gồm: Nhà máy bia, nước giải khát Massan tại Khu B-KCN Nam Cấm (1.661 tỷ đồng); Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (1.025 tỷ đồng); Nhà máy bánh kẹo Hải Châu II (360 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP (20 triệu USD); Nhà máy Em Tech Vinh tại KCN VSIP (11,82 triệu USD); Nhà máy dược phẩm Nghệ An (315 tỷ đồng)…

Hiểu rõ tầm quan trọng của quá trình xúc tiến đầu tư mang lại, nhưng như thế không có nghĩa Nghệ An chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá. Bất kỳ dự án nào, dù quy mô ra sao đều được đánh giá chi tiết, kỹ lưỡng về tính hiệu quả cũng như mức độ rủi ro, ảnh hưởng có thể xảy đến. Quá trình thực hiện nếu nhận thấy có vấn đề thì việc điều chỉnh hoặc thậm chí đưa ra khỏi danh sách hoàn toàn có thể được áp dụng. Nói có sách mách có chứng, giai đoạn 2014 - 2018 UBND tỉnh đã thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để theo dõi, đánh giá các dự án chậm tiến độ kéo dài, kết quả hàng chục dự án đã bị thu hồi. 

Tránh tình trạng “trên thảm dưới đinh”, sau 5 năm nỗ lực không ngừng nhằm hướng đến một môi trường đầu tư trong sạch và bình đẳng, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Lúc này cơ cấu nguồn vốn đang có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vào công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch nhằm tạo động lực căn bản cho công cuộc phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 31/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Ngày 23/2/2019, hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi 2019 được tỉnh Nghệ An và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Vinpearl Cửa Hội.

Sẽ có khoảng 500 đại biểu đến từ các tổ chức, Tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự hội nghị. Nhân dịp này, dự kiến UBND tỉnh sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án dệt may có tổng mức đầu tư lên đến 4.649 tỷ đồng (hơn 200 triệu USD) triển khai tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An của Công ty Royal Pagoda Private Limited (Singapore). Ngoài ra 15 dự án khác sẽ được ký thỏa thuận đầu tư với tổng số vốn 11.848 tỷ đồng, điển hình là khách sạn 5 sao tại thị xã Cửa Lò, Vùng nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao 15.000ha và kho đóng gói, bảo quản sản phẩm tại huyện biên giới Kỳ Sơn…

Bên cạnh đó còn những hoạt động bên lề đáng chú ý như: Khánh thành Nhà máy nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên của Tập đoàn TH (tổng mức đầu tư 1.177 tỷ); khánh thành Tổng kho xăng dầu DKC (598 tỷ) và công bố Cảng xăng dầu DKC (trọng tải 49.000 DWT, tổng mức đầu tư 570 tỷ đồng) của Tập đoàn Thiên Minh Đức; khai trương đường bay Vinh - Bangkok, đưa nhà ga Quốc tế Cảng hàng không Vinh vào khai thác; triển khai Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo định hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 - 2025” và xúc tiến đầu tư vào huyện Nam Đàn do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An…

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.