| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An gấp rút ứng phó bão Podul

Thứ Sáu 30/08/2019 , 09:25 (GMT+7)

Bão số 4 (Podul) nhiều khả năng đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó trọng tâm là Nghệ An. Hiện địa phương này đang gấp rút triển khai công tác phòng chống, ứng phó.

Lo sốt vó

Dự kiến chiều tối 30/8 bão Podul mới áp sát địa bàn Nghệ An, nhưng lúc này mọi phương án ứng phó đã được triển khai. Dù cho có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng nhưng tâm trạng âu lo nhìn chung đang bao trùm khắp các vùng nuôi thủy sản, trải dài khắp các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.

17-22-25_3
Hàng loạt hộ dân sinh sống gần hồ chứa Vực Mấu rất bất an.

Với tổng quy mô 55ha, xã Diễn Trung được xem là vựa tôm của huyện Diễn Châu. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi tôm nơi đây ngày càng phát triển lớn mạnh, đến nay đã thu hút được trên 120 hộ tham gia. Con tôm là cứu cánh của nhà nông, từng bước mang lại cho họ cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Nhưng đó là lúc mưa thuận gió hòa, còn gặp khi tiết trời bất thuận chính con tôm lại góp phần đẩy nhiều hộ vào tình cảnh khốn cùng.

Nói đến khó khăn của nghề nuôi, trăm hộ như một đều chung quan điểm: “Thứ nhất là dịch bệnh, thứ hai là thiên tai”. Chẳng nói đâu xa, cơn bão xảy đến vào giữa năm 2017 đã nhấn chìm 50% diện tích ao đầm. Cả một vùng ngập trắng xóa, nước tràn đến đâu nước mắt người nuôi trôi theo đến đó.

Không giấu nổi âu lo, Chủ tịch UBND xã Diễn Trung, ông Trần Văn Dung cho biết: “Nghề nuôi tôm mang lại giá trị kinh tế lớn nhưng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, nếu chủ quan, lơ là hậu quả sẽ rất khó lường. Mới đây các hộ đã thu hoạch xong vụ 1, hiện đang triển khai tôm vụ 2 được khoảng 30% diện tích. Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của tỉnh, của huyện, địa phương đã thông tin, phổ biến sâu rộng đến toàn thể nhân dân để mọi người chủ động phương án đối phó khi bão lũ đổ bộ”.

Công tác ứng phó đang được các hộ ưu tiên hàng đầu. “Vua tôm” Ngô Xuân Đại, người sở hữu đến 14 ao, đầm lớn bé chia sẻ kinh nghiệm: Tôi là người đi tiên phong trong việc gây dựng mô hình, đồng thời triển khai quy mô lớn nhất đến thời điểm hiện tại. Biến cố năm 2017 khiến gia đình mất trắng khoảng 1ha, thiệt hại lên đến 800 triệu đồng, sau vụ đó tôi đúc rút ra nhiều bài học quý giá.

17-22-25_1
“Vua tôm” Ngô Xuân Đại âu lo khi mưa bão đang đến gần.

Thay vì bỏ không như trước, giờ đây nhất thiết phải bơm nước vào các ao trống (chưa thả giống) nhằm tránh tình trạng vỡ bờ do gánh chịu tác động quá lớn từ sức nước. Với các ao đã thả giống, nhất thiết phải theo dõi, túc trực ngày đêm để duy trì lượng nước phù hợp. Thiếu phải bơm, tràn phải xả, có như thế mới hạn chế được mức độ rủi ro.

Nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, nhiều hộ lựa chọn phương án ăn chắc thông qua việc đẩy nhanh quá trình thu hoạch. Điển hình như hộ anh Đậu Ngọc Mỹ, trú ở xóm 4, xã Diễn Trung. Mặc dù phải đến 20 ngày nữa con tôm mới đạt trọng lượng như mong muốn, nhưng anh Mỹ vẫn quyết định gom cả 2 ao đầm, bán hết cho thương lái với mức giá khoảng 120.000 đồng/kg nhằm gỡ gạc đồng nào hay đồng đó. Động thái trên cho thấy, người dân không hề chủ quan trước bão Podul.
 

Bất an hệ thống hồ đập

Nghệ An có trên 625 hồ đập lớn nhỏ, điều đáng nói là nhiều công trình đã xuống cấp trầm trọng do không được sửa chữa, nâng cấp đến nơi đến chốn. Nguồn kinh phí duy tu ít ỏi hàng năm không đủ để khỏa lấp hết mối lo khi mùa mưa bão đến. Nói không quá, các cấp ban ngành, chính quyền địa phương và hàng loạt hộ dân trong diện bị ảnh hưởng cao đang lo ngay ngáy với diễn biến hiện tại.

Đến đầu giờ chiều 29/8, cơ bản mới chỉ 2 hồ tích đầy nước (hồ Lò Than, huyện Nghĩa Đàn, dung tích 0,45 triệu m3; hồ Kẻm Ải, huyện Quế Phong, dung tích 0,68 triệu m3), các hồ khác mới đạt từ 30% đến 70% dung tích thiết kế (WTK). Trước mắt mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên cơn bão 4 đang chuyển biến rất khó lường, với tình hình như thế này bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.

17-22-25_4
Công trình điểm đang trong quá trình nâng cấp, tu bổ.

Hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) là 1 trong 2 hồ chứa thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An. Riết mãi thành quen, cứ nghe đến 2 từ bão lụt là người dân sinh sống gần kề công trình “điểm” lại lo ngay ngáy. Còn nhớ như in, năm 2013 cơn bão lịch sử đã càn quét tan hoang thị xã Hoàng Mai, trong số này nhiều nhà dân thuộc các xã địa hình thấp trũng như Quỳnh Dị, Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh... bị cô lập hoàn toàn. Nhiều nơi nước dâng đến tận nóc nhà, đồ đạc, vật dụng, gia súc, gia cầm trôi tứ phía.

Ông Đậu Minh Công, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang nói trắng: “Toàn xã có 9/13 xóm thường xuyên đối mặt với nguy cơ ngập lụt, trong đó các xóm 3, 4, 5 và 10, nằm kề sông Hoàng Mai bị nặng nhất. Thiên tai không ai lường trước được, trước nguy cơ bão số 4 có thể đổ bộ chúng tôi đã thông báo cụ thể đến các hộ để chủ động chằng, chống nhà cửa. Trường hợp đập Vực Mấu xả lũ phải khẩn trương di dời người, gia súc gia cầm và vật dụng đến nơi an toàn”.

Ông Công khẳng định, dù là đập chứa quy mô lớn nhưng đến nay hồ Vực Mấu chưa có kịch bản xả lũ. Điều này khiến công tác ứng phó gặp nhiều ảnh hưởng, kéo theo nguy cơ gia tăng mức độ thiệt hại.

Vẻ mặt lộ rõ nét âu lo, ông Trương Văn Trung, sống tại xóm 3, xã Quỳnh Trang cho hay: “Thực tế năm nào người dân cũng phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt, chúng tôi thực sự mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Bản thân tôi gắn bó với nghề sông nước nên càng thấm thía hơn ai hết sự cơ cực, ngày cũng như đêm thần kinh luôn căng như dây đàn”.

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện cấm biển kể từ 6h ngày 29/8/2019, yêu cầu các tàu thuyền về bến neo đậu trước 15h cùng ngày. Phần đa phương tiện đã vào nơi tránh, trú an toàn, tuy nhiên vẫn có những trường hợp gặp sự cố ngoài ý muốn. Điển hình như tàu cá mang số hiệu NA 95688 TS, công suất 756 CV do ông Bùi Ngọc Kiên, trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng.

Được biết, trên tàu có 16 thuyền viên, tàu bị hỏng máy làm mát tại tọa độ 18031’N, 106049’E, vị trí cách Cửa Hội - Nghệ An khoảng 75 hải lý về phía Đông Nam. Hiện phương tiện chỉ di chuyển được tối đa 3,5 hải lý/giờ, với tốc độ này tàu NA 95688 TS sẽ không kịp vào đất liền trước khi bão đổ bộ. Trước tình hình trên thuyền trưởng đề nghị được cứu hộ khẩn cấp...

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất