| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Khó mở rộng diện tích cây chịu hạn?

Thứ Tư 19/08/2020 , 09:08 (GMT+7)

Tại Nghệ An không hiếm cây trồng chống chịu hạn hán tốt và đem lại hiệu quả thu nhập khá trong điều kiện thời tiết nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng như năm nay.

Nhưng giống cây trồng có khả năng chống chịu nắng nóng và chịu hạn có những đặc điểm cơ bản là lá nhỏ; thân và lá có nhiều lông tơ hoặc gai nhỏ; thân, lá, hạt, củ, quả… có chứa chất dầu, tinh dầu hoặc mủ, nhựa, rễ cây có nốt sần… Riêng trong sản xuất nông nghiệp có các cây: lạc, vừng, đậu đỗ, dứa quả… là những giống cây trồng có khả năng chống chịu nắng nóng và hạn hán rất tốt.

Phàm những giống cây lá nhỏ, lá kim, thân và lá có gai nhỏ hoặc có nhiều lông tơ là những cây trồng giữ nước tốt, ít thoát hơi nước qua thân, lá, nên ít bị ảnh hưởng khi gặp hạn nặng. Còn những cây trồng trong thân, lá, hạt, củ, quả có chứa chất dầu thì càng chống chịu nắng nóng và hạn hán tốt, bởi lẽ: những cây trồng này khi gặp lạnh, giá rét thì chất dầu cô đặc lại làm tăng khả năng phòng chống giá rét; khi gặp nắng nóng, nhiệt độ không khí cao thì chất dầu loãng ra để hạn chế giảm phát thải nước từ trong thân, lá cây ra ngoài không khí.

Nhờ những đặc điểm nói trên, nên cây lạc, cây vừng, cây đậu, cây dứa quả… rất ít bị chết khi gặp nắng nóng và hạn hán kéo dài.

Cây vừng chịu hạn tốt trên đất Nghệ An.

Cây vừng chịu hạn tốt trên đất Nghệ An.

Để tránh né nắng nóng và hạn hán gây ra trong các vụ sản xuất, nhất là trong vụ hè thu - vụ mùa, cần đưa 3 cây: lạc, vừng, đậu vào cơ cấu sản xuất trên quy mô lớn để có hàng hóa nhiều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cả 3 cây trồng này là những cây trồng vừa ngắn ngày (từ gieo trồng đến thu hoạch: vừng 55-60 ngày, đậu xanh 76 - 80 ngày, lạc 85 - 90 ngày), vừa đem lại giá trị kinh tế cao và rất phù hợp với đất đai, khí hậu Nghệ An.

Về đất đai, cả 3 cây trồng nói trên rất thích hợp trên đất cát pha, thịt nhẹ. Loại đất cát pha ven biển Nghệ An có khoảng 12.000 - 13.000 ha kéo từ thành phố Vinh xuống thị xã Cửa Lò, lên Nghi Lộc, ra Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Loại đất cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa ven sông Lam, sông Hiếu, sông Con có từ 6.000 - 7.000 ha và hàng ngàn ha đất thịt nhẹ ở các vùng đồng bằng hiện đang gieo cấy lúa.

Về hiệu quả kinh tế, anh Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Ngay trong vụ hè thu này toàn huyện gieo trồng hơn 2.000 ha vừng, hiện đang thu hoạch và năng suất dự kiến đạt bình quân khoảng 12 - 13 tạ/ha, giá bán tại nhà 45.000 đ/kg, cao gấp 6 lần giá bán 1 kg thóc và tính ra thu nhập trên 1 ha vừng khoảng 50 - 55 triệu đồng.

Đối với cây đậu xanh, theo anh Đặng Đình Luận - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Anh Sơn cho biết: Vụ hè thu năm nay UBND huyện chủ trương phát triển mạnh cây đậu xanh và đã có nhiều xã như: Hội Sơn, Tường Sơn, Đức Sơn… mỗi xã gieo trồng từ 20 - 30 ha và đã cho thu hoạch với năng suất bình quân từ 12 - 13 tạ/ha, giá bán tại thời điểm này 42.000 - 45.000 đ/kg, thu nhập bình quân từ 50 - 53 triệu đồng/ha.

Riêng cây lạc, vụ hè thu năm nay do nắng nóng và hạn hán đến sớm quá, nên diện tích gieo trồng có bị hạn chế. Tuy vậy, vẫn có nhiều HTXNN tranh thủ gieo trồng khi đất còn đủ ẩm vẫn cho kết quả khá. Điển hình như ở HTXNN Tây Phú, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, vụ hè thu này vẫn gieo trồng được gần 30 ha trên đát lúa không chủ động nước chuyển sang gieo trồng lạc. Hiện đã bắt đầu cho thu hoạch.

Cây đậu xanh chống chịu nắng nóng tốt.

Cây đậu xanh chống chịu nắng nóng tốt.

Ông Nguyễn Bá Tâm - Giám đốc HTXNN Tây Phú cho biết: Mọi năm vụ lạc này cho năng suất bình quân từ 1,2 - 1,3 tạ/sào. Vụ hè thu này nắng nóng quá, đất quá khô hạn, cây lạc vẫn không chết. Nhưng năng suất chỉ đạt được 80 - 90 kg/sào. Tuy năng suất không cao, nhưng lại được giá. Giá lạc khô khén hiện tại ở đây bà con bán với giá 38.000 - 40.000 đồng/kg. Tính ra trên mỗi ha cũng cho thu nhập từ 32 - 34 triệu đồng, vẫn cao gấp 3 lần trồng lúa trong vụ này. Phần lớn lạc vụ thu hoạch về chủ yếu để làm giống gieo trồng cho vụ lạc thu đông và đông xuân tới.

Biết rằng trong vụ sản xuất hè thu hay vụ mùa, nếu trên đất không chủ động nước chuyển sang gieo trồng lạc, vừng, đậu đỗ chắc chắn sẽ cho thu nhập cao. Nhưng vì sao bà con nông dân không muốn mở rộng sản xuất cả 3 cây trồng nói trên mà cứ bám vào cây lúa? Theo ông Nguyễn Bá Tâm, sở dĩ bà con nông dân cứ bám vào cây lúa mà không muốn chuyển từ đất lúa thiếu nước sang trồng lạc, vừng đậu, là do: Thứ nhất, sản xuất lúa bây giờ khác lắm, từ cày bừa đến thu hoạch, trục đập toàn bằng máy, người nông dân chỉ mất công gieo sạ hay cấy và phơi phóng. Thứ hai, lao động trong nông nghiệp không thiếu, nhưng lao động trẻ khỏe đi làm xa, còn lại toàn người già và phụ nữ, nên lao động thừa mà thiếu. Thứ ba, gieo cấy lúa thu hoạch có một lần là xong. Còn trồng đậu phải thu hoạch nhiều lứa, trồng lạc thu hoạch về phải mất nhiều công róc củ, rồi còn phơi phóng… trong khi lao động thừa mà thiếu như nói ở trên.

Anh Đặng Đình Luận - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Anh Sơn cho hay: Những năm trước đây trên đất bãi ven sông Lam và trên đất gieo trồng lúa trong vụ hè thu thiếu nước bà con nông dân chuyển sang gieo trồng đậu xanh mỗi vụ từ 800 - 1.000 ha. Đậu xanh Anh Sơn vừa nhiều, vừa thơm ngon có tiếng. Nhưng bây giờ phần lớn bà con nông dân chuyển sang trồng ngô sinh khối để thu hoạch một lần, bán lấy tiền là xong. Nếu trồng đậu xanh thì phải mất công thu hoạch nhiều lần, trong khi lao động trẻ đi làm ăn xa, lao động già và phụ nữ không thể đủ sức để làm.

Từ những ý kiến trên, đó là một thực trạng. Vì vậy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã và trước hết là ngành NN-PTNT cần có kế hoạch tuyên truyền, giải thích rõ cho người nông dân biết được trồng lúa, trồng ngô sinh khối tuy ít đầu tư ngày công hơn gieo trồng lạc, vừng, đậu xanh. Nhưng gặp nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng như năm nay thì lúa, ngô cũng chết, nếu không chết thì thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó nơi nào gieo trồng lạc, vừng, đậu xanh thì cho thu nhập khá, bán được giá, hiệu quả kinh tế cao thực sự.

Vì vậy không những trước mắt mà cả về lâu dài ngành NN-PTNT cùng với các huyện, thành, thị cần có biện pháp cụ thể để chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất trồng trọt trong điều kiến biến đổi khí hậu đang diễn ra và sẽ còn gay gắt hơn trong những năm tới.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.