| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Lo lúa trổ sớm

Thứ Sáu 15/02/2019 , 09:50 (GMT+7)

Trong lịch sử ngành nông nghiệp các tỉnh thuộc khu vực Bắc miền Trung trở ra nói chung và Nghệ An nói riêng, rất hiếm khi có một mùa đông ấm và khởi đầu một mùa xuân nắng nóng, nhiệt độ không khí cao lên đến 28 - 30 độ C như những ngày vừa qua và cả hiện nay.

Trong lịch sử ngành nông nghiệp các tỉnh thuộc khu vực Bắc miền Trung trở ra nói chung và Nghệ An nói riêng, rất hiếm khi có một mùa đông ấm và khởi đầu một mùa xuân nắng nóng, nhiệt độ không khí cao lên đến 28 - 30 độ C như những ngày vừa qua và cả hiện nay.

bn-quynh-luu-cy-som-nh-phu-huong6583407-1912019100145771
Nhiều địa phương ở Nghệ An hoàn thành gieo cấy trước tết

Ngay từ đầu vụ các nhà khoa học về khí tượng đã có cảnh báo, đó là một vụ đông xuân ấm, nhiệt độ không khí cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C, trời ít mưa. Riêng ngành nông nghiệp Nghệ An cũng khuyến cáo nông dân tuyệt đối không gieo mạ, gieo sạ và cấy trước lịch thời vụ quy định cho từng giống lúa để đề phòng trổ sớm làm thiệt hại mùa màng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thì từ nay trở đi khả năng xảy ra các đợt rét đậm, rét hại không nhiều. Vậy lúa xuân ở Nghệ An chắn chắn sẽ trổ sớm hơn các năm trước là điều khó tránh khỏi.

Thời vụ gieo cấy lúa xuân ở Nghệ An sớm hơn các tỉnh đồng bằng sông Hồng từ 7 - 10 ngày để cho lúa trổ vào khoảng thời gian từ ngày 25/4 - 5/5 (từ tiết cốc vũ đến lập hạ). Đây là thời gian lúa trổ an toàn nhất. Nếu trổ trước 20/4 rất dễ gặp không khí lạnh của tiết thanh minh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, thậm chí mất trắng. Nếu trổ chậm lại sau tiết lập hạ thì ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy vụ hè thu. Từ đó ngành nông nghiệp Nghệ An bố trí 3 khung thời vụ gieo cấy lúa xuân:

- Nhóm các giống có lúa có TGST từ 140 - 145 ngày, gieo mạ từ ngày 5 - 10/1, cấy từ ngày 26 - 31/1 (21 - 26/12 âm lịch).

- Nhóm các giống lúa có TGST từ 130 - 135 ngày, gieo mạ từ 10 - 15/1 và cấy từ 30/1 - 2/2 (25 - 28/12 âm lịch).

- Nhóm các giống lúa có TGST trên dưới 125 ngày, gieo mạ từ 16 - 21/1, cấy từ 8 - 12/2 (4 - 8/1 âm lịch).

Nếu gieo sạ thì phải gieo chậm lại so với gieo mạ từ 5 - 7 ngày.

Trong cả 3 nhóm giống lúa nói trên, vụ xuân 2019 gieo cấy chủ yếu nhóm các giống có TGST từ 130 - 135 ngày và nhóm các giống có TGST trên dưới 125 ngày, chiếm tỉ lệ từ 85 - 90% tổng diện tích lúa gieo cấy cả vụ.

Nhìn lại việc xuống đồng gieo cấy vụ xuân năm nay thật sự đáng lo.

Theo báo cáo nhanh của các huyện, thành, thị đến trước tết Nguyên đán toàn tỉnh đã gieo cấy xong 90.000 ha lúa xuân; trong số này có 2/3 tổng diện tích cấy xong trước tết âm lịch ít nhất 10 ngày. Đáng lo ngại là các giống lúa có TGST từ 125 - 130 ngày trong vụ xuân như Thiên ưu 8, NA2, NA6, TBR 225, Khang dân đột biến, Kim cương 111, Bắc Hương 9, RVT… lẽ ra phải gieo cấy sau tết. Nhưng tất cả đều gieo cấy xong trước tết từ 5 - 10 ngày. Không những lúa cấy, cả lúa gieo sạ cũng gieo xong trước tết từ 5 - 7 ngày.

Hiện tại trên đồng ruộng ở hầu hết các huyện, thành, thị lúa đã vươn tốt, xanh mướt kín mặt ruộng, do cả 2 nguyên nhân: Thứ nhất gieo cấy quá sớm, thứ hai do trời nắng và nóng làm cho cây lúa phát triển mạnh.

Lúa trổ sớm sẽ xảy ra 2 khả năng:

Một, trổ sớm trước tiết cốc vũ (trước 20/4) rất dễ gặp gió mùa đông bắc của tiết thanh minh đem không khí lạnh về gây ra rét đậm sẽ làm năng suất giảm nghiêm trọng, nặng hơn là mất trắng do hạt phấn bị chết, hạt lúa đen (gọi là lúa bầm ruồi).

Hai, nếu lúa trổ sớm, nhưng tiết thanh minh có thể rét và lạnh không đáng kể, nhiệt độ không khí trên 23 độ C trở lên thì hạt lúa ít bị lép, ít bị bầm ruồi hơn. Nhưng năng suất sẽ không cao, do TGST dinh dưỡng (từ khi gieo mạ đến khi lúa làm đòng) bị rút ngắn lại, đồng nghĩa với quá trình tích lũy vật chất dinh dưỡng sẽ ít đi, năng suất lúa giảm là tất yếu.

Vì vậy vụ xuân nào gặp năm trời ấm, nắng nhiều, năng suất lúa chắc chắn sẽ thấp hơn năm bình thường. Còn thời gian từ khi lúa có đòng đến trổ và chín được gọi là giai đoạn sinh trưởng sinh thực dao động trong phạm vi từ 56 - 60 ngày. Thời gian này gần như cố định không thay đổi cho dù thời tiết nóng hay lạnh và mùa vụ gieo cấy khác nhau…

Do lo sợ vụ lúa xuân năm nay trổ sớm có thể làm mất mùa hoặc năng suất sẽ rất thấp. Vì vậy nhiều bà con đã giảm số lượng phân bón thúc sau cấy và bón chậm lại để nhằm kéo lùi thời gian lúa trổ. Làm như vậy không đúng, chỉ giảm năng suất lúa mà thôi.

Trước tình hình trên, Đài PT-TH Nghệ An và Hội KHKT nông nghiệp tỉnh đã tổ chức chương trình "Nhịp cầu nhà nông" bàn biện pháp nhằm kìm hãm lúa xuân trổ sớm. Rất nhiều ý kiến đóng góp, nhưng tựu trung lại đề nghị nông dân cần thực hiện tốt 4 biện pháp chủ yếu sau đây:

1. Bón phân đủ về số lượng đạm, lân, kali hoặc loại phân hỗn hợp NPK đã quy định trong quy trình sản xuất. Thực hiện bón kịp thời, bón đúng lúc, nhất là bón thúc lúa đẻ nhánh (bón thúc đợt 1), bón sau khi cấy 13 - 15 ngày, nếu gieo sạ thì sau gieo 10 - 12 ngày. Bón cân đối đạm, lân, kali, trong đó cần lưu ý: Tuyệt đối không được bón nặng đạm làm lúa phát triển nhanh thân lá dẫn đến lúa trổ sớm và tạo cơ hội cho bệnh đạo ôn, bạc lá phát triển nhanh trong điều kiện sương mù nhiều vào buổi sáng.

2. Thời kỳ này lúa tập trung đẻ nhánh, chỉ nên để nước trong ruộng vừa đủ ẩm càng tốt (tưới nước nông - lộ - phơi) để cây lúa vừa đẻ khỏe, đẻ nhanh, đẻ tập trung; vừa hạn chế cây "bốc nhanh" trong điều kiện nước, phân đầy đủ và nhiệt độ không khí cao.

3. Tuyệt đối không sử dụng phân bón lá và các loại chất kích thích sinh trưởng để chăm sóc lúa.

4. Sau khi rút nước cạn, bón phân thúc đợt 1, kết hợp làm cỏ sục bùn quanh gốc lúa để vừa diệt cỏ, vừa làm thông thoáng đất, vừa để kéo chậm TGST của cây lúa, kìm hãm trổ sớm.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.