| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Lúa đang bị dịch bệnh uy hiếp

Thứ Ba 09/08/2011 , 10:50 (GMT+7)

Lúa mùa tại Nghệ An đang bị các đối tượng dịch bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm và bệnh lùn sọc đen phát sinh, gây hại khá phức tạp.

Theo báo cáo nhanh của Chi cục BVTV Nghệ An, đến thời điểm hiện nay, khi lúa hè thu vào thời điểm đứng cái làm đòng, lúa mùa vào thời kỳ đẻ nhánh tại Nghệ An đang bị các đối tượng dịch bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm và bệnh lùn sọc đen phát sinh, gây hại khá phức tạp.

Tổng số lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại đã lên tới trên 10.000 ha. Rầy nâu và rầy lưng trắng ở mật độ cao, trên diện rộng tại hầu khắp các huyện trong tỉnh với tổng diện tích lên tới trên 16.500 ha. Bệnh lùn sọc đen cũng đã xuất hiện cả trên lúa hè thu và lúa mùa nhưng mới ở diện hẹp với tỷ lệ dưới 1%. Sâu đục thân 2 chấm cũng phát sinh và gây hại phức tạp…

Chúng tôi có mặt tại xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, bà con trong xã đang tay xách nách mang bình bơm, thuốc BVTV, nước đang kéo ra đồng phun trừ sâu cuốn lá nhỏ. Bằng mắt thường, chúng tôi kiểm tra trên ruộng của xóm 4 thấy dịch bệnh ở đây khá phức tạp. Vừa sâu cuốn lá nhỏ vừa có cả rầy nâu và rầy lưng trắng. Anh Nguyễn Cảnh Hoà đang phun thuốc trên đám ruộng nhà mình dừng lại nói: Thấy sâu bệnh nhiều quá chúng tôi lên hỏi cán bộ BVTV huyện thì người ta bảo tìm mua nhiều loại thuốc cho từng loại sâu bệnh xuất hiện trên đồng. Nên khi mua thuốc về, chúng tôi trộn thử cả 2 loại thuốc để phun một lúc. Hy vọng thuốc nào diệt sâu, bệnh ấy. Không biết có hiệu quả như mong muốn hay không?

Trao đổi với ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Anh Sơn về tình hình sâu bệnh trên địa bàn huyện. Ông Đức lo lắng: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân đều xuất hiện trên lúa. Tôi đang lo dịch rầy lưng trắng có thể gây ra dịch lùn sọc đen như đã từng gây hại trên diện rộng tại xã Cẩm Sơn vào năm 2009. Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương dập dịch. Hiện Anh Sơn đang cần khoảng 350 kg thuốc BVTV các loại để phân về cho tất cả các xã trong huyện.

Chị Hồ Thị Hương, trú tại xóm 6, xã Diễn Thắng, Diễn Châu đang phun thuốc diệt rầy cho 5 sào lúa hè thu của mình cũng lo lắng nói: Năm 2009, tại xã Diễn Thắng dịch lùn sọc đen làm hàng chục ha mất trắng. Nay thấy rầy nâu và lưng trắng xuất hiện với mật độ cao, bà con lo lắm. Không biết dịch lùn sọc đen có tái xuất hiện ở vùng này nữa không?

Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV Nghệ An, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 4 sẽ nở rộ trong quãng thời gian từ 12 đến 15/8, sâu non tuổi 1-2 lứa 5 sẽ xuất hiện khả năng với mật độ cao trên ruộng lúa hè thu từ 17 đến 25/8 (thời kỳ lúa trỗ và làm đòng) và trên lúa mùa vào cuối thời kỳ đẻ nhánh và đứng cái nên cần được phun trừ ngay bằng các loại thuốc BVTV đặc hiệu như Ammate 150SC, 30WDG; Prevathon 5SC, 35WDG; Takumi 20WG; Virtako 40WG… để không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất lúa. Dịch rầy nâu, rầy lưng trắng cũng sẽ tiếp tục phát sinh, gây hại trên diện rộng, thậm chí có thể gây "cháy rầy" nếu không được tổ chức phòng trừ một cách tích cực.

Bà con các địa phương nên mua các loại thuốc BVTV sau đây: Chess 50WG, Elsin 10 EC, Alika 247 SC, Sutin 5EC, Victory 585EC… để phòng trừ. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả cao cần pha lượng nước và thuốc theo đúng khuyến cáo và phải phun ướt toàn bộ thân, lá. Bệnh lùn sọc đen do vật trung gian lây truyền bệnh là rầy lưng trắng có nguy cơ phát sinh bệnh trên lúa mùa rất cao. Vì vậy khi phát hiện có triệu chứng của bệnh này thì phải phun bao vây trừ rầy ngay và tập trung nhổ bỏ, tiêu huỷ để hạn chế sự lây lan. Đối với sâu đục thân 2 chấm, bà con phải theo dõi sát diễn biến mật độ trưởng thành và các ổ trứng trên ruộng. Nếu thấy xuất hiện mật độ từ 0,3 ổ trứng/m2 thì dùng thuốc đặc hiệu như Prevathon 5SC, 35WDG; Virtako 40WG… để phun diệt.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.