| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Nguy cơ xoá sổ vùng nguyên liệu mía

Thứ Hai 12/12/2011 , 11:08 (GMT+7)

Lý do vùng nguyên liệu mía đang bị suy giảm mạnh và tiến tới nguy cơ bị xoá sổ là do dịch chồi cỏ hại mía hoành hành.

Mía bị chồi cỏ tấn công ở xã Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn

Tỉnh Nghệ An hiện có 3 Cty Mía đường đang hoạt động. Trong đó vùng nguyên liệu của Cty Mía đường Sông Lam (ở huyện Anh Sơn) có 1.541 ha. Cty Mía đường Sông Con (ở huyện Tân Kỳ) 4.690 ha và Cty Mía đường Nghệ An Tate&Lyle (ở Quỳ Hợp) có gần 15.400 ha. So thời hoàng kim, năm 2008 về trước vùng nguyên liệu mía của NAT&L lên tới 25.400 ha, thì nay diện tích mía của Cty giảm 10.000 ha.

Lý do vùng nguyên liệu mía đang bị suy giảm mạnh và tiến tới nguy cơ bị xoá sổ là do dịch chồi cỏ hại mía hoành hành.

Điểm lại diễn biến của bệnh chồi cỏ ở vùng nguyên liệu của Nghệ An Tate&Lyle, tháng 3/2009 NNVN đã đăng bài: “Ghi từ tâm dịch chồi cỏ hại mía”, phản ánh những đường hướng cấp bách của tỉnh Nghệ An về công tác triển khai phòng chống dịch. Bài viết đã nêu: Ngày 30/12/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định “Công bố dịch bệnh chồi cỏ hại mía”, giao Sở NN-PTNT cho đến các địa phương thành lập các tổ công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện quyết định của tỉnh, một số địa phương đã ì à ì ạch, bỏ mặc nông dân.

Sau bài viết này các địa phương đã rất quyết liệt trong việc xử lý phòng chống dịch. Nông dân Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn cờ dong trống giục rầm rập ra quân huỷ bỏ hàng ngàn ha mía chồi cỏ. Những diện tích này đã được đào tận gốc, trốc tận rễ rồi đốt bỏ, để trồng lại bằng nguồn giống sạch bệnh theo sự chỉ đạo của các phòng ban chuyên môn.

Và với mục tiêu kích cầu cho nông dân phát triển vững mạnh vùng nguyên liệu cho Nhà máy đường hoạt động, tỉnh Nghệ An đã cầu viện Trung ương cấp 2,5 triệu đồng và yêu cầu Cty Mía đường Nghệ An Tate&Lyle cấp 2 triệu đồng/ha cho nông dân phá huỷ mía chồi cỏ để trồng lại bằng nguồn giống sạch bệnh. Thế nhưng buồn thay bởi tất cả mọi sự cố gắng đó đã không mang đến kết quả như mong muốn. Ngược lại dịch bệnh chồi cỏ càng ngày càng phát triển ra trên diện rộng, và diện tích trồng mía càng ngày càng co hẹp lại. Cũng từ đây, hàng năm, cứ đến vụ thu hoạch mía là tỉnh Nghệ An lại triệu tập các cuộc họp để tìm các biện pháp ngăn chặn dịch.

Mới đây, ngày 8/12/2011, Sở NN-PTNT Nghệ An lại tiếp tục mời lãnh đạo cùng các Trưởng phòng NN- PTNT các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu và TX Thái Hoà và lãnh đạo 3 Cty Mía đường nói trên nhóm họp để tìm ra căn nguyên vì sao dịch bệnh chồi cỏ không những không được đẩy lùi mà càng ngày càng phát triển mạnh.

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN-PTNT thì tính đến hết tháng 11/2011 toàn tỉnh Nghệ An đã có 8.258,36 ha mía bị bệnh chồi cỏ tấn công. Trong đó điểm xuất phát bệnh xảy ra là ở Cty Mía đường Nghệ An Tate&Lyle, đến thời điểm hiện nay vùng nguyên liệu của Cty này có 15.372 ha (giảm so với trước hơn 10.000 ha) nhưng diện tích bị dịch chồi cỏ đã lên tới 6.521 ha. Trong đó huyện Quỳ Hợp trước đây có 10.171 ha mía, đến nay chỉ còn 6.157 ha, trong đó đã có 3.371 ha bị bệnh chồi cỏ tấn công. Huyện Nghĩa Đàn trước có 10.975 ha mía, nay giảm xuống chỉ còn 5.978 ha, trong đó dịch chồi cỏ đã tấn công đến 2.452 ha. Vùng nguyên liệu mía của Cty Mía đường Sông Con mới nhiễm bệnh từ năm ngoái nhưng đến nay cũng đã có 1.734 ha bị chồi cỏ.

 Tại huyện Anh Sơn, nơi được coi là vùng mía sạch bệnh truyền thống thì năm nay cũng đã bị 40 ha chồi cỏ. Như vậy cho đến nay dịch bệnh chồi cỏ hại mía đã tấn công khắp các vùng mía của Nghệ An. Nhiều câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân vì sao dịch bệnh không được khống chế mà càng ngày càng phát triển, và nguy cơ toàn vùng nguyên liệu mía của tỉnh sẽ bị bệnh chồi cỏ xoá sổ trong một tương lai gần.

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn:

Tôi đề nghị Sở và tỉnh cần phải có các giải pháp phù hợp hơn, chứ năm nào cũng lặp lại bài ca muôn thuở dập dịch cứu mía như thế này thì không ổn. Bởi nguồn bệnh ngoài việc truyền qua môi giới ra thì đất đai cũng là yếu tố ấp ủ và nuôi dưỡng bệnh. Vậy theo tôi thì ta nên huỷ bỏ tất cả số diện tích mía đã bị bệnh chồi cỏ để chuyển đổi cây trồng, cải tạo đất. Sau đó mới tiếp tục trồng lại mía bằng các nguồn giống kháng được bệnh chồi cỏ.

Việc làm này tuy ảnh hưởng tới nguyên liệu của các Nhà máy đường đang hoạt động hiện nay, nhưng sau đó nó lại mang lợi ích lâu dài đến cho Nhà máy và nông dân.

Ông Nguyễn Đình Hương - Chi cục phó Chi cục BVTV Nghệ An báo cáo: Trong nhiều năm qua công tác tổ chức chỉ đạo xử lý bệnh chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt vai trò của các địa phương cấp xã chưa cương quyết trong việc chỉ đạo nông dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật của Sở NN-PTNT đề ra, chưa tiêu huỷ hết nguồn bệnh, vẫn còn tình trạng nông dân trồng lại bằng nguồn giống trong vùng nhiễm bệnh. Đây là nguyên nhân tạo điều kiện cho dịch bệnh tái phát lây lan. Mặt khác việc tìm giống mía sạch bệnh hiện nay ta mới xác định theo cảm quan. Và cho đến nay ta vẫn chưa xác định được môi giới truyền bệnh chồi cỏ hại mía, vì vậy chưa có các biện pháp tiêu diệt môi giới này.

 Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho bệnh tiếp tục lây lan mạnh. Ông Trợ, cán bộ phụ trách trồng trọt của Cty Mía đường Nghệ An Tate&Lyle thừa nhận việc dập dịch chồi cỏ hại mía hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu. Bởi Cty này đã nhập giống mía sạch bệnh từ Thanh Hoá, rồi sang cả bên Trung Quốc và đem các giống sạch bệnh đã khảo nghiệm cho nông dân trồng, nhưng sau đó cũng bị bệnh chồi cỏ tấn công.

Ông Vi Văn Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Việc dập dịch chồi cỏ như mấy năm nay là không đạt hiệu quả, đơn cử như ở huyện chúng tôi năm ngoái chỉ có 1.700 mía bị bệnh, sau khi thực hiện các biện pháp tiêu huỷ, rồi tổ chức cho dân đi mua nguồn giống sạch bệnh về trồng lại, những tưởng đó là giải pháp tốt, nhưng ngược lại năm nay bệnh chồi cỏ lại tăng lên đến hơn hai lần.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.