| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An quyết tâm trở thành trung tâm chế biến gỗ

Thứ Ba 26/03/2019 , 13:10 (GMT+7)

Với 1.060.242ha Nghệ An là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Tiềm năng phát triển to lớn là vậy nhưng toàn tỉnh mới chỉ thu hút được 143 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ (LSNG), chiếm 3,2% tổng số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này của cả nước (4.500 DN), một con số quá khiêm tốn so với kỳ vọng.
 

Chưa tương xứng

Tại Hội thảo “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An” vào sáng 25/3, nhiều chuyên gia đầu ngành đã đánh giá về ưu điểm cũng như các nút thắt cần tháo gỡ của địa phương trong thời gian tới.

16-37-02_1
Toàn cảnh Hội thảo

Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, ông Hồ Xuân Hùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Rõ ràng có những vướng mắc khiến các DN, đặc biệt là DN lớn chưa mặn mà với Nghệ An”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, rào cản lớn nhất để khai thác thế mạnh về lâm sản tại Nghệ An bắt nguồn từ hệ thống giao thông không thực sự thuận lợi, đặc biệt là vùng núi cao cũng như khu vực núi thấp, điều này gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển và khai thác.

Thực tế nữa là trữ lượng lâm sản thấp do rừng nghèo kiệt từ lâu, một số ít có trữ lượng cao lại phân bố ở những vùng sâu, vùng xa. Tương tự, rừng sản xuất dù quy mô lớn nhưng manh mún, diện tích đầu hộ rất ít, chỉ từ 1 - 2ha.

Về yếu tố khách quan, lúc này đội ngũ lao động tay nghề cao tại địa phương đang thiếu hụt trầm trọng: “Thật kỳ lạ, một tỉnh được coi là nhiều gỗ nhất nước nhưng đội ngũ lao động lành nghề thua hẳn các tỉnh không có rừng hoặc rất ít rừng như Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhìn chung tư duy phát triển kinh tế rừng theo dạng tổng hợp còn thiếu, thay vào đó từ tỉnh, DN đến người dân đang nặng về tư duy bảo vệ, trồng và khai thác.

Nhiều năm qua, Trung ương và địa phương ban hành nhiều chính sách chưa phù hợp, không bám sát thực tế cũng được xem là trở ngại lớn cho quá trình phát triển kinh tế rừng rừng ở địa phương”, ông Hồ Xuân Hùng chia sẻ.

Ông Trương Đình Tuyển, Tổ trưởng Tổ tư vấn KTXH của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh thêm: “Mặc dầu có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lớn nhưng tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức rất thấp, cả năm 2018 chỉ xuất khẩu được 131 triệu USD, chủ yếu là dăm gỗ”.

16-37-02_3
Một số sản phẩm làm từ gỗ trưng bày tại Hội thảo

Nhận định về thực trạng lúc này, ông Tuyển chỉ rõ: công tác thu hút đầu tư của địa phương không thực sự hiệu quả, nhiều năm qua hầu như không có thêm doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến. Người trồng rừng vì nhu cầu kinh tế nên thường chọn phương án khai thác non (thời điểm cây mới đạt 3 - 4 tuổi) đã dẫn đến thiếu hụt lâm sản đường kính lớn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Trong khi đó, tỉnh lại thiếu những giải pháp căn cơ, thiếu cơ chế khuyến khích hình thành chuỗi liên kết giữa người trồng rừng và DN chế biến.
 

Khẳng định vị thế

Mặc dù còn những vấn đề nan giải nhưng dư địa tăng trưởng của lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An vẫn rất tiềm năng. Theo ý kiến của các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu “kim ngạch XK gỗ và đồ gỗ đạt 500 triệu USD vào năm 2025” địa phương phải tập trung định hướng phát triển tư duy kinh tế rừng theo hướng toàn diện, tổng hợp. Từng bước hình thành chuỗi giá trị từ bảo vệ, khoanh nuôi, nuôi trồng, khai thác đến chế biến tinh nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bày tỏ quan điểm, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, muốn phát triển dựa trên lợi thế có sẵn cần tập trung bảo vệ nuôi trồng rừng, cây trên đất rừng và dưới tán rừng theo hình thức lấy hiệu quả KT-XH làm trọng: “Về độ che phủ, đành rằng đây là chỉ tiêu cứng trong tất cả các kế hoạch phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nhưng không thể lúc nào cũng giữ nguyên quan điểm năm sau phải cao hơn năm trước. Nghệ An cần làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn đến năm 2030 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, nên nhớ cứ tăng 1% độ che phủ là giảm đi 16.000 ha đất có khả năng nuôi, trồng cây con khác hiệu quả hơn”.

Bàn về hướng đi trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định sẽ thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ DN như xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, khuyến công để làm bàn đạp thu hút các đơn vị tham gia vào địa bàn: “Hòa theo xu thế, Nghệ An sẽ có phương án cụ thể, chi tiết phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng giống chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Tất cả vì mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ lớn nhất Bắc Trung bộ”.

16-37-02_5
Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế về rừng nhưng hiệu quả đạt được chưa tương xứng

Vì điều kiện khách quan, phần lớn đồng bào miền núi không dư dả tiềm lực để đầu tư theo hình thức trồng rừng gỗ lớn dài hơi, chu kỳ kéo dài 8 - 10 năm. Bức bách vấn đề “đầu tiên” khiến nhiều hộ đi đến quyết định “bán rừng non” làm nguyên liệu dăm gỗ, thực trạng này diễn ra phổ biến tại 3 huyện có diện tích và trữ lượng rừng lớn của tỉnh là Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông. Qua khảo sát có đến 80% lựa chọn phương án trên, điều này không những giảm thu nhập đối với người trồng mà còn giảm giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ.

Các chuyên gia lo ngại, nếu các huyện không tăng cường công tác quản lý đến hoạt động của các DN dăm gỗ, để họ tự tung tự tác tranh mua gỗ rừng non như những năm qua thì nhiệm vụ tăng tỷ lệ gỗ lớn khó khả thi.

 

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm