| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Sâu róm phá rừng thông

Thứ Năm 05/03/2015 , 06:10 (GMT+7)

4 giờ sáng, trong màn sương mù, chúng tôi theo chân anh chị em BQL rừng đặc dụng Nam Đàn tiếp cận khu vực rừng thông tại xã Nam Hưng nơi sâu róm đang hoành hành trên các tán rừng.

Tận mắt chứng kiến những ngọn thông non vừa mới nhú lộc đầu xuân đang bị sâu non bám vắt vẻo xung quanh. Dưới những gốc thông, không biết cơ man lá thông xanh đã bị sâu róm gặm rơi ngổn ngang trên mặt đất, khiến chủ rừng mất ăn mất ngủ...

Ông Nguyễn Viết Nhạc, cán bộ BQL rừng đặc dụng Nam Đàn cho biết, năm 2014, mãi đến tháng 8 dịch sâu róm hại cây thông mới xuất hiện. Thế mà, năm 2015, mới ngay từ đầu năm âm lịch, sâu róm đã xuất hiện và bùng phát dịch với diễn biến bất thường.

Theo thống kê của BQL rừng đặc dụng Nam Đàn, tính đến ngày 27/2, toàn huyện đã có gần 330 ha rừng thông đang bị sâu róm tấn công, tập trung ở các xã: Nam Hưng (120 ha), Nam Thanh (36,06 ha), Nam Nghĩa (131 ha) và Nam Giang (40,5 ha).

Tại các tiểu khu Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Thanh và Nam Giang, sâu đang trong độ tuổi IV, V, VI với mật độ 45-60 con/cây. Riêng tại các khu vực Rú Nậy (Nam Nghĩa), khe Su (Nam Giang) mật độ 20 kén/cây, kén khỏe. Điều đang lo ngại nhất là diện tích rừng thông tại địa bàn xã Nam Anh đã bùng phát dịch sâu róm với mật độ 156-210 con/cây.

Theo ghi nhận của PV, tại tiểu khu 1014 thuộc địa phận xã Nam Hưng đã xuất hiện sâu róm gây hại thông với mật độ khá dày. Vừa mới tảng sáng, lực lượng dập dịch sâu róm của BQL rừng đặc dụng Nam Đàn đã sử dụng thuốc VBT 1600IU/MG dạng bột trộn với bột cám để tích cực phun trừ.

Một người dân được giao khoán rừng tại đây cho biết: “Biết là thuốc bột phun lên từng ngọn cây rơi xuống bám vào người có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng cũng đành chịu. Nhìn rừng thông bị sâu gặm hết lá ai cũng nóng ruột!”.

Ông Nhạc cho biết thêm, hơn một tuần nay, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn huy động hết toàn bộ lực lượng cán bộ, nhân viên hành quân từ 4 giờ sáng đến các địa điểm có dịch để tập trung xử lý. Tất cả đội sương lên đường, mang theo bình phun, thuốc, trang bị bảo hộ lao động, làm việc rất vất vả. Do sử dụng thuốc bột để phun nên phải phun từ lúc rạng sáng, khi sương còn đọng trên cành lá thì thuốc mới bám được. Đến khoảng 7 giờ sáng thì mọi người mới trở về ban để báo cáo tình hình.

Được biết, trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, diện tích rừng thông xung quanh Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Nam Hưng, Nam Nghĩa đã được phun phòng dịch sâu róm. Thế mà, không hiểu sao đến thời điểm cuối tháng 2, sâu róm vẫn xuất hiện với mật độ ngày càng cao (!?).

Theo dự báo của BQL rừng đặc dụng Nam Đàn, chính thời tiết âm u, xen kẽ nắng, độ ẩm cao hiện nay đã tạo thuận lợi cho sâu róm phát sinh, gây hại và có khả năng phát dịch tại nhiều nơi. Dự báo đến giữa tháng 3 sẽ xuất hiện sâu non tuổi I thế hệ II/2015.

BQL rừng đặc dụng Nam Đàn đang tích cực triển khai các phương án phòng trừ kết hợp phát sẻ, đốt thực bì để phòng chống cháy rừng tại một số tiểu khu. Với số diện tích thông đã được giao khoán, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn chủ trương cấp thuốc, phương tiện cho các chủ rừng và hướng dẫn người dân tích cực phòng trừ.

Được biết, đến cuối tháng 2, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn đã sử dụng trên 250 kg thuốc VBT 1600IU/MG phun phòng với tổng diện tích trên 620 ha.

Ông Lê Đình Minh, Trưởng BQL rừng đặc dụng Nam Đàn cho biết: “Thuốc VBT 1600IU/MG dạng bột diệt trừ sâu róm theo cơ chế lây lan, hiệu quả cao hơn phun thuốc nước nhưng phải phun vào những thời điểm có sương mù mới có tác dụng tốt nhất. Công việc rất vất vả nhưng anh em đều phải nỗ lực. Năm 2010, dịch sâu róm hoành hành các cánh rừng thông tại Nghệ An. Nếu đúng chu kỳ 5 năm/lần thì năm nay, dự báo, dịch sâu róm có thể sẽ lan rộng thành đại dịch. Chúng tôi đang tập trung quân số túc trực 24/24, tổ chức phun trừ và rải ra các cánh rừng thông để nắm tình hình; tăng cường theo dõi, kịp thời báo cáo lên cấp trên để xử lý".

Không chỉ ở huyện Nam Đàn, sâu róm hại thông cũng đã xuất hiện tại huyện Nghi Lộc từ trước Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng BQL rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho biết: “Năm 2014, diện tích rừng thông bị dịch sâu róm là 2,7 nghìn ha.

Diện tích này đã được phun trừ nhưng đến tháng 1/2015, sâu róm hại rừng thông vẫn xuất hiện trên 300 ha. Hiện tại, huyện Nghi Lộc gấp rút triển khai các phương án phòng trừ trên diện tích 1,3 nghìn ha. Sâu đang vào giai đoạn đóng kén, diễn biến rất khó lường”.

Xem thêm
Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.