Công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, sản phẩm hàng hóa năm 2024 trên địa bàn Nghệ An nhận được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Quá trình thực hiện có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Sở NN-PTNT và các bên liên quan.
Thuận lợi tiếp theo đến từ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ từng bước chuyển dịch sang chuỗi giá trị. Các cơ sở, doanh nghiệp quan tâm hơn đến khía cạnh chế biến, chủ động đưa nền tảng khoa học công nghệ vào áp dụng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Các chủ thể cũng chú trọng quảng bá thương hiệu bằng cách tham gia các hội chợ, triển lãm, Hội nghị kết nối cung cầu.
Nhận thức và ý thức chấp hành của các chủ thể sản xuất, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, số đông cơ bản tự giác chấp hành quy định của nhà nước. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền người tiêu dùng ngày càng am hiểu và mong muốn sử dụng thực phẩm sạch, từ đó kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm, điều này góp phần hạn chế nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở chiều ngược lại, Nghệ An với địa bàn trải rộng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa là rào cản thực sự trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Điểm trừ khác là tiềm lực hạn chế của các chủ thể tham gia, thể hiện qua quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ chiếm mức cao…
Áp lực chất chồng nhưng Sở NN-PTNT đã thể hiện được vai trò đầu tay, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của UBND tỉnh Nghệ An khi làm tốt công tác tham mưu, đồng thời phối hợp nhuần nhuyễn cùng các bên liên quan để có được kết quả ấn tượng.
Trong năm 2024, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 26 văn bản, trực tiếp ban hành 62 văn bản khác xoay quanh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn để làm cơ sở thực thi.
Sở NN-PTNT cũng chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan triển khai xây dựng Chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025”…
Quá trình làm, các Văn phòng, Chi cục trực thuộc Sở đã tăng cường triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm quy định đặt ra.
Trong năm 2024 công tác thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT được triển khai quyết liệt, có lớp lang.
Kết quả đã thẩm định được 1.065 cơ sở (444 cơ sở thẩm định xếp loại và 621 cơ sơ thẩm định định kỳ), qua đó phân ra 22 cơ sở loại A, 1.013 cơ sở xếp loại B, 30 cơ sở xếp loại C. Cơ quan chuyên môn đã cấp 333 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Các đơn vị trực thuộc Sở cũng tiến hành 95 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm đối với 1.226 cơ sở, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 171 cơ sở với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.
Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát, ngành nông nghiệp Nghệ An cũng chú trọng đặc biệt đến khía cạnh xúc tiến đầu tư, từng bước đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chủ lực trên diện rộng.
Điểm nhấn là việc tham gia Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản tại Hà Nội vào tháng 8/2024. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân kết nối sản xuất, phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các chủ thể tham gia.
Từ diễn đàn này đã có hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Lâm Đồng được ký kết.