| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Tăng tốc đàn gà

Thứ Ba 16/06/2020 , 10:40 (GMT+7)

Trong lúc việc tái đàn, tăng đàn lợn đang gặp nhiều khó khăn, thì người chăn nuôi đã quay sang tăng tốc phát triển đàn gà.

Thương lái đến tận chuồng mua gà. Ảnh: Hồ Quang.

Thương lái đến tận chuồng mua gà. Ảnh: Hồ Quang.

Không nuôi được lợn thì chuyển sang gà

Chúng tôi đến trang trại chăn nuôi của anh Võ Văn Tú ở xã Châu Đình, huyện Qùy Hợp, thấy mấy dãy chuồng lợn còn bỏ không, anh Tú bảo: "Mấy năm trước nhà em chuyên nuôi lợn, có khi đàn lợn lên tới hơn trăm con. Mỗi năm xuất bán cho thương lái đến ba lần, số tiền lãi thu về kể ra cũng khá lắm.

Thế nhưng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành đến đây, đàn lợn nhà em bị tiêu hủy hết thì em ngán luôn. Bây giờ giá lợn thịt tăng cao, DTLCP cũng đã ổn nên nhà em cũng muốn tái đàn, nhưng không tìm ra được lợn giống. Thay vào đó em chỉ biết tiếp tục vay vốn để chăn nuôi gà".

Trại gà nhà anh Tú nuôi đủ chủng loại, nào là gà thả đồi, rồi đến gà lai chọi, gà Đông Tảo. “Lúc đầu các thương lái vào tận trại mua với giá 120 ngìn đồng/kg, nhưng đến nay giá gà đã tụt đến 60 – 70 nghìn đồng/kg, như vậy là không có lãi. Thế nên nay em chỉ nuôi gà thả đồi để đỡ tốn tiền mua thức ăn cho chúng”, anh Tú bảo.

Đến trang trại gà của chị Nguyễn Thị Xuân ở phường Long Sơn, TX Thái Hòa, chủ nhà đon đả: Các anh đến mua gà thì cứ xem đi rồi đến tối mới bắt được.

Gà em nuôi không ăn cám cò, cám vạc gì cả, trang trại rộng mênh mông thế này thì cũng đủ côn trùng và giun, mối cho cả 300 con gà tìm kiếm thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên mỗi ngày em cũng phải cho lũ gà ăn hai bữa sáng và chiều tối bằng cám gạo, ngô trộn lẫn vào rau, chuối.

Nhà chị nuôi gà như thế này, vậy công tác phòng dịch có làm được không? Có chứ, lúc mới bắt gà con về cũng phải nhờ cán bộ thú y đến tiêm phòng, quá trình sinh trưởng thì trộn thuốc vào thức ăn cho chúng.

Nói về giá gà, chị Xuân bảo: Gà đây đảm bảo chất lượng, thế mà mỗi con nặng 2kg cũng chỉ bán được 63 ngìn đồng/kg, đúng là quá rẻ. Năm ngoái người nuôi gà còn ít thì loại gà này nhà em đã bán 120 ngìn đồng/kg.

Chị bán gà rẻ, vậy có lãi nhiều không? Chị Xuân thở dài: Sòng phẳng ra mà nói thì không lỗ, nhưng mà nuôi gà thời nay thì chỉ có lấy công làm lãi thôi. Chỉ sướng cái là, người mua cứ vô tư mua cả yến về ăn mà không tiếc tiền. Bởi giá 3 kg gà mới bằng 1 kg thịt lợn.

Bỏ công đi qua mấy huyện Tân Kỳ, Qùy Hợp, Quế Phong để tìm hiểu thêm về tình hình phát triển đàn gia cầm hiện nay, chúng tôi thấy các trang trại chăn nuôi gà nhỏ lẻ ở đâu người ta cũng kêu ca không có lãi mà may chăng chỉ trừ được chi phí nhân công.

Thị trường tiêu thụ gà đang ế ẩm, bởi kể từ khi dịch bệnh gia cầm đã được khống chế đẩy lùi thì ở khu vực nông thôn, nhà nào cũng chuyển sang phát triển đàn gà. Mỗi nhà nuôi năm, bảy chục con là chuyện nhỏ.

Gà thịt được bán khắp nơi

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An, tính đến tháng 5/2020 tổng đàn gia cầm tỉnh này đã có hơn 26 triệu con, tăng 7% so với cùng kỳ.

Nói về các trang trại nuôi gà hiện nay ở địa bàn Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa, vợ chồng Nguyễn Thị Hiền - Nguyễn Ngọc Phúc trú tại xã Đông Hiếu bảo: "Bây giờ các trang trại họ nuôi nhiều gà lắm. Số lượng lên đến hàng trăm, hàng ngìn con gà, đủ các loại giống và đủ các hình thức nuôi. Vợ chồng nhà em buôn bán gà đã lâu nên biết hết. Về giá cả em thấy chưa bao giờ gà rẻ như thời gian này.

Hàng ngày nhà em đánh ô tô vào tận từng trang trại gà, như Tứ gà, ông Quân, Vân Thế, Thanh Tuyết ở xã Nghĩa Long, rồi đến các trang trại Đức Huyên, Lan Đức ở xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Thuận, Nghĩa Hưng…

Chỗ nào gà ngon thả vườn, thả đồi thì họ bán 65 ngìn đồng/kg, loại này em chở đi bán lại 70 ngìn đồng/kg. Cũng có lúc em mua được giá 60 ngìn đồng/kg, thì em bán lại 65 ngìn đồng/kg.

Loại gà này em khuyên các nhà mua về nên chăn thả thêm một tháng nữa rồi mới làm thịt được, bởi tuy gà nặng 2-3 kg/con, nhưng vẫn còn dư lượng cám con cò, nên thịt chưa ngọt chưa ngon.

Mỗi ngày vợ chồng Hiền - Phúc đi mua và bán lại được hơn 300 kg gà. Người tiêu thụ ít cũng lấy 10kg, người mua nhiều họ lấy 10 - 20 kg rồi nhốt chuồng để làm thịt dần, đến lúc nào ăn hết thì họ lại gọi qua điện thoại".

Trại gà 15 ngìn con của ông Trần Văn Thêm ở xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Hồ Quang.

Trại gà 15 ngìn con của ông Trần Văn Thêm ở xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Hồ Quang.

Riêng ở khối Quang Trung, phường Quang Tiến, TX Thái Hòa cứ mỗi lần vợ chồng Hiền – Phúc đánh ô tô chở gà đến là họ mua hết cả 300kg.

Bà Hồ Thị Tâm, Chi hội trưởng Phụ nữ khối này bảo: "Từ đầu năm tới nay, chị em phụ nữ ở đây cứ mỗi lần mua, là mỗi nhà lấy 20-30 con, gà mái để lại nuôi hơn mười ngày sau là chúng nó đẻ.

Bây giờ nhà nào cũng có gà đẻ trứng ăn không hết. Còn gà trống thì cứ vài ngày là họ làm thịt một con rồi chế biến ra đủ thứ món. Ăn thịt gà vừa ngon lại rẻ hơn ba lần so với thịt lợn, vậy nên dân ở đây có khi cả tháng trời họ không màng tới thịt lợn".

Nuôi gà công nghệ an toàn sinh học

Trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Thêm ở xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn là một điển hình chăn nuôi quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi khép kín, và thực hiện theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện trong dãy chuồng lớn có 15.000 con gà nuôi đã 4 tháng, trọng lượng đạt 3 – 3,5kg/con.

Chị Sen, vợ ông Thêm, dẫn khách đi tham quan và bảo: "Sắp tới Công ty CP Đầu tư và phát triển chăn nuôi Hòa Phát ở Đông Anh, Hà Nội sẽ vào đây bao tiêu hết, vì con giống, nhà em cũng lấy của họ và đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm".

Về công tác vệ sinh phòng bệnh, chị Sen cho biết: Dưới nền chuồng gà là một lớp đệm sinh học, gồm vỏ trấu cộng với chế phẩm vi sinh dày 20cm. Mỗi tháng phải thay 2 lần.

Còn chế độ ăn uống của gà và cách sử dụng thuốc thú y thì theo sự hướng dẫn của Công ty Dinh dưỡng Hồng Hà, doanh nghiệp này chuyên sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và các loại thuốc thú y. Một tuần nhà em lấy của họ 25 bao cám, trọng lượng 100kg/bao.

Kề bên trại nuôi gà thịt là dãy chuồng 7.000 con gà con. Giống này cũng do Cty Hòa Phát đưa đến. Trước lúc cho gà xuống chuồng nuôi, công ty đã kiểm tra rất tỉ mỉ từng con rồi tiêm phòng các loại bệnh. Và sau khi cộng thêm 10% đề phòng hao hụt trong quá trình nuôi, công ty đã tính giá 29.000đ/con gà con.

Chăn nuôi gà theo chuỗi đầu vào, đầu ra khép kín và thực hiện theo công nghệ an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán ra tuy rẻ, nhưng vẫn còn có lãi cao.

Em tính xuất bán 7.000 con gà, nuôi 4 tháng, tiền giống hết 203 triệu đồng, thức ăn 600 triệu, tiền đệm lót 13 triệu, tiền điện 20 triệu, tiền công 20 triệu, tổng chi hết 856 triệu.

Trong khi đó mỗi con gà chỉ tính nặng 3 kg, và giá bán chỉ tính 60 nghìn đồng/kg, thì tổng thu đã có 1 tỷ 260 triệu đồng. Như vậy qua 4 tháng nuôi, nhà em đã thu lãi được hơn 400 triệu đồng”, chị Sen đặt bút tính và khẳng định.

    Tags:
Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm