| Hotline: 0983.970.780

"Nghề" bảo tồn tài nguyên sinh vật

Thứ Tư 22/08/2012 , 11:05 (GMT+7)

Giữ gìn nguồn tài nguyên sinh vật chính là bảo tồn sự phong phú, đa dạng kiểu gen của mỗi loài sinh vật...

Giữ gìn tài nguyên sinh vật được coi là một công việc hết sức quan trọng đối với cán bộ nghiên cứu khoa học nói chung và người làm công tác lai, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi nói riêng.

"Nghề nào nghiệp ấy"

Ở bài viết này tôi muốn đề cập đến sự âm thầm lặng lẽ, miệt mài và say mê với nghề của những cán bộ kỹ thuật đã và đang làm công việc giữ gìn nguồn tài nguyên sinh vật (động vật, thực vật và vi sinh vật). Gọi đây là “nghề” vừa đúng lại vừa không đúng. Không đúng vì nó không được coi là một nghề chuyên nghiệp riêng biệt như các lĩnh vực khác mà nó được phân công rải rác về các vụ, viện, trung tâm nghiên cứu.

Gọi nó là “nghề” cũng đúng vì ở nước ta đã bắt đầu hình thành nên các trung tâm để nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này như Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) hay Bộ môn Động vật quý hiếm & đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi Quốc gia)…

Mỗi đối tượng sinh vật đều có một đặc trưng riêng về kiểu gen và kiểu hình. Giữ gìn nguồn tài nguyên sinh vật chính là bảo tồn sự phong phú, đa dạng kiểu gen của mỗi loài sinh vật đó. Trong thực tế, do quá trình tác động của thiên nhiên và sự khai thác không hợp lý của con người đã làm cho nguồn tài nguyên sinh học có nguy cơ bị cạn kiệt.

Để quá trình chọn tạo giống của các nhà khoa học được thuận lợi thì việc giữ gìn nguồn gen phải là một khâu then chốt. Dù đối tượng sinh vật là gì đi chăng nữa, khi nguồn gen của nó càng phong phú thì công tác tạo giống mới về đối tượng sinh vật đó càng nhanh chóng và gặp nhiều thuận lợi.

Hơn chục năm nay, Nhà nước đã coi việc bảo tồn và lưu giữ tài nguyên di truyền là nhiệm vụ cấp bách. VN đã tham gia công ước đa dạng sinh học và được Chính phủ phê chuẩn. Năm 2004, VN đã trở thành thành viên của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.


Bảo tồn tập đoàn sen tại Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện KHNN Việt Nam)

Nhằm bảo đảm an toàn sinh học cho sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ngay từ những năm 1990 với sự cố gắng về tài chính hàng năm, qua từng giai đoạn kế hoạch, Chính phủ đã cân đối ngân sách cho nhiệm vụ này; đồng thời cũng tranh thủ nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Từ năm 1995 đến nay, nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen đã được coi là nhiệm vụ nhà nước thường xuyên.

Nói thì dễ nhưng để thực hiện tốt công việc này lại rất khó. Có thể nói đây là một việc quan trọng, nguy hiểm đối với những người trực tiếp thực hiện nó. Bất kỳ sinh vật sống nào cũng đều chịu tác động của yếu tố tự nhiên. Để duy trì nòi giống, nó phải tích cực đấu tranh sinh tồn với mọi yếu tố bất lợi. Trong giới sinh học, đối tượng mà chúng ta phải bảo tồn là các loài cây, con và cả những loài mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Tất cả các cơ quan nghiên cứu về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản… đều có nhiệm vụ này.

Phải nói đây là công việc không hề đơn giản. Nội dung chính của những người thực hiện công việc này là thu thập, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật. Tuyệt đối không được để lẫn giống hoặc giống bị thoái hóa dẫn đến hiện tượng các thành tích của giống bị giảm sút.

Một số người bạn của tôi làm việc trong lĩnh vực này thường nói “nghề nào nghiệp ấy”. Ai đã lỡ theo nghề thì phải gắn bó với nghề mà thôi. Yêu nó và say mê với nó mặc dù vất vả hơn những nghề khác. Dựa vào đặc trưng, đặc tính của từng đối tượng phải bảo tồn mà những cán bộ kỹ thuật thực hiện công việc này có nỗi vất vả khác nhau. Nhưng nói chung là nếu không yêu nghề và không say mê với nghề thì không thể làm được.

Với hai hướng bảo tồn chính là insitu và exsitu tưởng chừng đơn giản, nhưng để thực hiện bảo tồn exsitu cho một loài vật nuôi nào đó cũng là cả một vấn đề luôn làm đau đầu các nhà khoa học vì họ phải dự toán kỹ lưỡng về kinh phí, nhân lực, cách thực hiện, cơ quan phối hợp…

Có những năm vào giữa đợt lạnh tê tái, khi không ai muốn đi ra khỏi nhà vào những ngày mưa phùn ướt át thì cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã phải xuống ao để thụ tinh cho cá đẻ. Còn cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp đã từng nhiều ngày khoác áo mưa cặm cụi giữa cánh đồng để che chắn cho từng hạt phấn, để thụ phấn cho ngô, cho lúa và các loài hoa. Người có thể bị ướt chứ mầm phấn và hạt giống thì không thể bị ướt. Nếu hạt phấn gặp phải nước mưa thì hạt sẽ bị chết và nếu thuận lợi đi chăng nữa thì phải 3-4 tháng sau mới có cơ hội được làm lại công việc này.

Khó khăn

Cái khó khăn lớn nhất mà người làm công việc bảo tồn tài nguyên sinh học gặp phải đó là khi thức ăn khan hiếm kết hợp với sự bùng phát của các loại dịch bệnh. Anh Hoàng Văn Lộc (Viện Chăn nuôi quốc gia) cho biết, những năm có dịch cúm H5N1 và dịch lợn tai xanh đe dọa khắp các trại chăn nuôi, lúc này việc bảo tồn nguồn gen gia súc, gia cầm gặp vất vả hơn bao giờ hết.

Tất cả các giống gà, vịt, trâu, bò, lợn… đều phải được chăn nuôi và cách ly ở những khu riêng biệt. Khi dịch bệnh bùng phát cũng là lúc cán bộ kỹ thuật cũng phải cách ly trực tiếp với môi trường bên ngoài theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Xung quanh đều nồng nặc mùi hóa chất và thuốc sát trùng, tẩy uế mầm bệnh (chủ yếu là axít, clorua vôi, vôi bột, fooc môn…).

Là một người đã trải qua nhiều năm tham gia công việc bảo tồn nguồn gen của một loại côn trùng, tôi cũng đã hiểu được phần nào về khó khăn của những người làm công việc bảo tồn tài nguyên sinh vật nói chung và nguồn tài nguyên côn trùng nói riêng.

Đa số bướm (hoặc ngài) của những loài sâu sau khi đẻ trứng xong là chết nên công việc nhân đàn của những loài sâu này không giống với những loại gia súc, gia cầm hay vật nuôi khác, đòi hỏi kinh phí và nhân công tốn kém hơn.


Trung tâm Tài nguyên thực vật phục hồi giống cải mào gà

Có những loài sâu chỉ biết ăn duy nhất một loại lá cây mà nó lại không thể ăn được lá cây đó khi bị ướt. Do đó, để bố trí thời gian cho ăn và chăm sóc đối với loài sâu đặc biệt này thì người nuôi nó chỉ còn một cách thương lượng và đánh cược với…ông trời. Bao nhiêu ngày phải đội mưa để hái từng chiếc lá, khi đưa được lá từ ngoài đồng về nhà lại phải dùng quạt gió hì hụi hong khô từng chiếc lá rồi mới có thể cho nó ăn. Nếu không áp dụng đúng quy trình, loài sâu này có thể lăn đùng ra chết đồng loạt.

Với những người cán bộ kỹ thuật làm công tác bảo quản nguồn gen sinh vật, khi khoác lên mình chiếc áo blu hoặc chiếc áo bảo hộ lao động chính là lúc họ khoác lên vai mình một trách nhiệm lớn lao với đối tượng mà họ đang nghiên cứu, với nghề mà họ đang theo đuổi, với sự đa dạng của tài nguyên sinh học của đất nước.

Dù đối tượng bảo tồn là cây gì hay con gì đi nữa thì việc giữ gìn sự đa dạng tài nguyên quốc gia không chỉ là việc của những người nghiên cứu, người làm khoa học mà còn là công việc của cả một tập thể, một cộng đồng.

Chưa kể đến những năm thời tiết bất thuận, vệ sinh sát trùng không triệt để dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Sâu chết nhiều khiến cho người nuôi dưỡng bảo quản nó chẳng thể ăn ngon, ngủ yên. Khi ăn cũng nghĩ đến sâu, khi ngủ cũng mơ thấy sâu. Những công việc hàng ngày cũng như những trăn trở nghề nghiệp đã luôn đi theo người cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ bảo quản tài nguyên sinh học hết năm này tháng khác.

Với họ, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật một cách chuẩn mực luôn là yêu cầu cao nhất của công việc. Chỉ cần một chút sai sót là có thể dẫn đến nguy cơ giống bị tuyệt chủng, lúc đó pháp luật đến "gõ cửa" là điều khó có thể tránh khỏi.

Ngày nay, ý thức giữ gìn đa dạng sinh học đã được đưa dần vào từng bài học. Một cậu học trò đã sai khi bắt giết một con chim lạ, nhưng thầy giáo lại cũng sai khi nhốt học sinh đó vào phòng để đánh đập hoặc hạ nhục học trò. Như thế có nghĩa là dùng cái sai này để sửa cái sai khác và sẽ chẳng thể khi nào đạt được một kết quả đúng. Hai cái sai khi được cộng vào kết quả sẽ thành một cái sai lớn hơn tiếp theo.

Muôn nẻo đường nghề nghiệp và chẳng nghề nào giống với nghề nào. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi xin được mạo muội gọi công việc bảo quản nguồn gen sinh học là một “nghề”. Bởi vì công việc đó luôn được yêu cầu đòi hỏi nghiêm ngặt, kỹ thuật chỉn chu nhiều hơn những công việc khác trong cùng lĩnh vực.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm