Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) được coi là cái nôi của nghề làm nhà cổ các loại. Từ thế kỷ 15 trong tác phẩm “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đã nhắc tới nghề làm nhà gỗ ở Chàng Sơn. Nhà văn Nguyên Tuân cũng từng đề cập tới nghề mộc cổ truyền của Chàng Sơn trong tiểu thuyết “Vang bóng một thời” viết năm 1940.
Trong dân gian đồng bằng Bắc bộ vẫn còn lưu truyền về ông tổ nghề mộc là Phó Sần, đã dẫn một đoàn thợ ở Chàng Sơn lên núi Ba Vì làm nhà cho thánh Tản Viên (con rể vua Hùng Vương thứ 18). Hiện tại, bàn tay tài hoa của những người thợ Chàng Sơn vẫn còn lưu dấu trên một số công trình kiến trúc gỗ nổi tiếng quốc gia như chùa Thầy, chùa Tây Phương.
Ngày nay với sự pha trộn không gian văn hoá, sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, những người thợ ở Chàng Sơn không chỉ giữ gìn và phát huy được đường nét tinh hoa của nghề mộc xưa, mà còn nâng tầm phát triển cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.
Anh Nguyễn Ngọc Quí là chủ một trong những hiệp thợ chuyên làm nhà cổ ở Chàng Sơn cho biết: Trước năm 1990, kinh tế hộ còn gặp nhiều khó khăn, những người thợ ở đây phải mang đồ nghề đi kiếm sống khắp nơi, cũng chỉ đủ được cơm ăn, chứ không có dư mang về đỡ vợ con.
Từ gần 30 năm nay, đất nước hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới, giao thương phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều loại gỗ tốt, gỗ quí được phép nhập khẩu, các thợ làm nghề ở Chàng Sơn không còn phải lang thang mưu sinh nay đây mai đó, mà nhận khoán gọn việc về sản xuất tại nhà, sau mang đi lắp ghép hoàn thiện cho chủ đầu tư ở bất cứ nơi nào theo hợp đồng đã ký.
Nhờ vậy người Chàng Sơn bây giờ có nhiều thuận lợi, để phát huy tay nghề, nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình và cộng đồng xã hội.
Bà Phí Thị Liên, Trưởng thôn 6 (xã Chàng Sơn) tiết lộ: Để có thể đứng chủ được một hợp đồng làm nhà cổ, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề vượt trội, có khả năng tổ chức quản lý lao động, có tiềm lực kinh tế nhất định và còn phải có hiểu biết về phong thuỷ, mỹ thuật.
Vì vậy trẻ em ở đây học lớp 5-6 đã được gia đình gửi đến các nghệ nhân trong làng để học nghề sản xuất đồ mộc, tới lớp 9 đã làm được một số sản phẩm gỗ dân dụng và tự kiếm được tiền ăn học, hết lớp 12 có thể làm thầy dạy nghề cho các lớp dưới, khi trưởng thành ra ở riêng là đứng ra nhận hợp đồng làm được các loại nhà cổ hoặc các đồ mộc gỗ khác. Đây cũng chính là lý do nghề mộc ở Chàng Sơn không bị thất truyền, mà ngày càng phát triển.
“Cấu kiện nhà cổ gồm rất nhiều chi tiết đòi hỏi phải tinh tế và tỉ mỉ như cột cái, cột con, quá giang, câu đầu, kẻ ngồi, kẻ hiên, kẻ chim, bẩy hậu, bẩy cỏ, giác hương, xà cái, xà con, xà nách, rường hiên, rường chóp, đố vỏ măng.
Do vậy, nghề làm nhà cổ vẫn chủ yếu là sản xuất thủ công, cần nhiều nhân lực, nên đã giúp địa phương giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn tại chỗ, ngày công của người thợ cũng đạt khá cao, từ 300-900 nghìn đồng/người/ngày, tuỳ theo tay nghề”, bà Liên bật mí thêm.
Theo anh Nguyễn Ngọc Quí: "Một ngôi nhà cổ được coi là đẹp, phải có đủ các hàng chân (36 cột cho nhà 5 gian hoặc 18 cột cho nhà 3 gian) và 2 bức đố vỏ suốt từ trên nóc, các hoạ tiết hoa văn phải sắc nét tinh xảo. Làm sao khi nhìn vào một ngôi nhà cổ, khách thăm cảm “đọc” được gia thế của chủ nhà, dòng tộc.
Những ngôi nhà chạm khắc long, li, quy, phượng (tứ linh), thường là những gia đình, dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao, có địa vị trong xã hội. Những ngôi nhà khắc tùng, cúc, trúc, mai theo dáng long, li, quy, phượng (tứ linh hoá) thường là những gia đình giàu có nổi tiếng trong vùng.
Một số ngôi nhà bình dân thường chỉ đục chạm hình tượng trong tranh đông hồ như vượt vũ môn, hái dừa, đàn lợn âm dương... Chất liệu gỗ thì tuỳ, dân dã thì làm gỗ xoan, gỗ dâu, cao hơn là làm gỗ lim, gỗ mít. Sau khi hoàn thiện có nhà để mộc hoặc sơn PU, cầu kỳ hơn thì đánh vecni, đánh si, đánh sáp.
“Bên cạnh làm các loại nhà cổ như đình, chùa, nhà thờ, từ đường, địa phương còn có nghề sản xuất quạt giấy, quạt lụa, in quân bài tổ tôm, tú lơ khơ, làm rối nước và múa rối nước, ngoài ra còn sản xuất một số đồ dùng kim khí khác.
Nhờ vậy, mặc dù nằm ở địa bàn bán sơn địa, xã Chàng Sơn đã không còn hộ nghèo, 80% số gia đình xây được nhà ở kiên cố, thu nhập bình quân nhân khẩu đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm”, vẫn bà Phí Thị Liên cho hay.