| Hotline: 0983.970.780

Nghe ngành mía đường nói

Thứ Hai 17/02/2014 , 08:00 (GMT+7)

Thực trạng ngành mía đường hiện đang gặp vô vàn khó khăn. Tại một cuộc họp của Bộ NN-PTNT, ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) thảng thốt: Nếu nghe ngành mía đường nói hết chắc Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ rơi nước mắt.

Thực trạng ngành mía đường hiện đang gặp vô vàn khó khăn. Tại một cuộc họp của Bộ NN-PTNT, ông Đỗ Thành Liêm (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) thảng thốt: Nếu nghe ngành mía đường nói hết chắc Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ rơi nước mắt.

Ông Liêm nói, ngành đường là một ngành đặc thù, đầu tư vốn cho nông dân trồng mía, bảo hiểm giá mua hết mía cho nông dân, nhưng nếu cứ để thực trạng này kéo dài thì cả nông dân và các doanh nghiệp chắc cũng đành bỏ mía luôn.

Đường lậu chiếm gần 90% thị trường miền Nam

Ngành mía đường chúng ta đang ở vị thế của một nước xuất khẩu, lẽ nào thực trạng lại bi thảm đến thế, nguyên cớ từ đâu, thưa ông?

Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của mía đường Việt Nam vẫn là nạn đường lậu tung hoành. Tình trạng nhập lậu đường Thái Lan qua biên giới các nước Campuchia, Lào rồi đổ vào Việt Nam kéo dài nhiều năm nay mà chúng ta vẫn gần như bất lực.

Theo thông tin thị trường và kiểm chứng bằng thống kê đường nhập vào Việt Nam và Campuchia của Tổ chức đường thế giới (ISO), hàng năm lượng đường nhập lậu vào Việt Nam ước xấp xỉ 500.000 tấn.

Đường RS của Việt Nam ở thời điểm này có giá bán buôn tại nhà máy khoảng 12.000-12.500 đồng/kg. Các nhà máy đến thời điểm này vẫn đảm bảo thu mua với giá bảo hiểm cho người trồng mía từ 800.000-900.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng, chưa kể chi phí vận chuyển về nhà máy.

Trong khi đó Thái Lan đang bán tháo đường quota C ra và đường RE Thái Lan về tới VN bán ra tại thị trường các tỉnh Tây Nam bộ với giá từ 11.500 – dưới 12.000 đồng/kg, luôn luôn cạnh tranh bán dưới giá của đường nội địa để chiếm thị trường. Giá mía của Thái Lan chỉ từ 600.000-650.000 đồng/tấn.

Vì vậy nếu phải hạ giá để cạnh tranh thì giá mía trong nước cũng sẽ hạ xuống 650.000-700.000 đồng/tấn. Với giá thu mía như vậy, nông dân sẽ trắng tay, buộc họ phải phá bỏ vùng trồng mía. Không còn mía nguyên liệu thì các nhà máy đường cũng phải đóng cửa, hoặc xin nhập đường thô về tinh luyện để duy trì sản xuất và để có việc làm, ngành mía đường Việt Nam sẽ đi về đâu?

Chúng ta không thể khống chế đường lậu hay còn lý do nào khác?

Anh cứ thử đi mua đường ở thị trường miền Nam mà xem. Tại các chợ chuyên bán đường của TP.HCM (Q5, Q6, Q.Bình Tân) có đến 80-90% là đường Thái Lan nhập lậu mang nhãn mác các cơ sở sản xuất tại các tỉnh ở ĐBSCL, muốn mua bao nhiêu cũng có.

Nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đã cấp phép cho các cơ sở sản xuất chế biến đường nhưng họ không có nhà máy đường và không có mía, chỉ có phương tiện sang chiết bao mà thôi.

Các cơ sở này dùng đường nhập lậu từ Thái Lan sang bao và kẹp hoặc in một nhãn hiệu nhỏ của cơ sở mình là xem như đường hợp pháp để phân phối tiêu thụ thoải mái. Việc cấp phép để sang chiết bao mà không kiểm tra nguồn gốc và số lượng hàng hóa tức là gián tiếp tiếp tay cho đường lậu vào Việt Nam.

Chỉ tính riêng 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, đã có tối thiểu hàng chục cơ sở với năng lực sang chiết bao hàng ngày của từng cơ sở là hàng trăm tấn trở lên. Điều này phản ánh thực trạng vô cùng đau lòng là việc cấp phép cho cơ sở sản xuất mà không có nhà máy đường, không có vùng nguyên liệu mía nhưng cơ sở kinh doanh chế biến vẫn có thể sản xuất, tiêu thụ đường bình thường và hợp pháp. Đường trong nước đang tồn với số lượng lớn, cộng thêm đường nhập lậu với lượng lớn gây khó khăn rất nhiều cho người trồng mía và các doanh nghiệp.

Cung cầu vụ 2013-2014 chúng ta sản xuất 1.600.000 tấn, tồn kho đầu vụ (đầu tháng 8/2013) là 372.580 tấn, nhập khẩu theo HNTQ của năm 2013 là 73.500 tấn và của năm 2014 là 77.200 tấn. Trong khi đó ước tiêu thụ chỉ 1.400.000 tấn. Chưa kể sản xuất kinh doanh qua hình thức sang chiết bao bằng đường nhập lậu sẽ làm tăng rất lớn mức dư thừa.

Nỗi đau của cả ngành nông nghiệp

Lượng đường tồn hiện nay là rất lớn, nhưng được biết Bộ Công thương vừa có công văn cho xuất khẩu tiểu ngạch 200.000 tấn qua Lào Cai?

Không kể đường nhập lậu, theo dự kiến tổng cung từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ đạt 2,046 triệu tấn đường, dư thừa 646.000 tấn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận được công văn của Bộ Công thương phát hành ngày 17/1/2014 gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc “Bán và trao đổi mặt hàng đường niên vụ 2013-2014 qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai” với nội dung cho phép 10 doanh nghiệp thương mại xuất khẩu tiểu ngạch tổng cộng 200.000 tấn đường.

Trước mắt chỉ cho xuất khẩu tiểu ngạch đường kính trắng RS với thời hạn đến 30/6/2014 hoặc khi có cân đối chính thức cung cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT khi vụ mía đường 2013-2014 kết thúc. Riêng đường tinh luyện RE, Bộ Công thương sẽ cho phép xuất khẩu tiểu ngạch khi đã đảm bảo nhu cầu cho sản xuất trong nước.

Đây là quyết định không công bằng giữa các nhà công nghiệp sản xuất đường với các nhà công nghiệp tiêu thụ đường và đẩy các DN sản xuất đường vào áp lực tồn kho lớn vì đường loại nào cũng đang thừa. Tại sao Bộ Công thương chỉ cho phép xuất khẩu tiểu ngạch 200.000 tấn đường RS và với thời hạn đến cuối tháng 6-2014, riêng đường RE chưa cho xuất với lý do cần bảo đảm đường cho các nhà máy sản xuất dùng đường làm nguyên liệu.

Sau khi cân đối cung cầu, lượng dư thừa sau khi cân đối cao, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề nghị cho xuất khẩu tiểu ngạch 500.000 tấn trên lượng dư 646.080 tấn, không phân biệt chủng loại đường luyện RE hay đường kính trắng RS.

Việc chỉ cho xuất đường RS mà không cho xuất đường RE thì càng gây tình trạng ế ẩm, tồn kho lớn của đường RE, buộc các DN phải tung đường RE ra bán trên thị trường nội địa với giá thấp. Việc này sẽ đẩy giá đường RS tụt xuống và như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà máy sản xuất đường RE lẫn RS. Trong khi đó, các khách hàng nước ngoài đều có nhu cầu mua cả 2 loại đường, nên VSSA đã kiến nghị cần cho xuất khẩu tiểu ngạch cả 2 loại đường.

Một lo ngại khác là việc Bộ Công thương khống chế thời gian được phép xuất khẩu tiểu ngạch, khách hàng nước ngoài biết được thời hạn mà các doanh nghiệp được phép xuất chỉ đến tháng 6/2014 sẽ dẫn đến các doanh nghiệp trong nước dễ bị lỡ thời cơ, cơ hội và dễ bị ép giá khi gần hết hạn xuất khẩu, vì vậy VSSA cũng đã xin không giới hạn thời gian xuất khẩu.

Nỗi đau của người sản xuất nông sản là Bộ NN-PTNT sản xuất ra hàng hóa nhưng cho phép xuất khẩu tiểu ngạch lại là Bộ Công thương. Trong khi đường nhập lậu từ Thái Lan chưa được hạn chế thì “tạm nhập tái xuất” để đưa đường về chính ngạch, nhưng sau đó không tái xuất mà để tiêu thụ luôn trong nước, hình thức gian lận này không những khiến Nhà nước thất thu thuế mà ngành mía đường nội địa càng khó khăn hơn.


Nếu không giải quyết được những nhức nhối hiện nay, nông dân sẽ bỏ mía

Tạm nhập tái xuất không cẩn thận sẽ trở thành buôn lậu

Nói như thế có nghĩa là việc tạm nhập tái xuất đường đang có vấn đề. Cụ thể là việc cho phép nhập đường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại Lào hiện nay, cụ thể thế nào, thưa ông?

Việc tạm nhập tái xuất đường trong hoạt động kinh doanh là bình thường nếu thực hiện nhập chính ngạch vào cửa khẩu nào sau đó xuất chính ngạch với đầy đủ số lượng ra cửa khẩu đó thì không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên gần đây, Bộ Công thương đề nghị cho phép đường sản xuất tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tạm nhập về Việt Nam để tinh luyện sau đó tái xuất qua cửa khẩu phụ. Hiệp hội Mía đường đề nghị phải bình đẳng thương mại. Nếu các DN đường Việt Nam đồng loạt xin được nhập đường thô từ Thái Lan hoặc Campuchia về tinh luyện và xuất qua cửa khẩu phụ như Công ty cổ phần Đường Biên Hòa đã xin nhập đường của HAGL thì điều gì sẽ xảy ra? Hệ quả là cây mía Việt Nam sẽ lụn bại.

Hiệp hội không cản HAGL đưa đường về VN chế biến rồi xuất khẩu, nhưng phải vào và ra bằng đường chính ngạch hoặc nhập khẩu chính ngạch về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam theo hạn ngạch hàng năm mà Việt Nam đã cam kết với WTO. Nếu cho phép nhập về chính ngạch sau đó xuất tiểu ngạch thì sẽ xảy ra việc cạnh tranh xuất khẩu tiểu ngạch với đường sản xuất trong nước, mặt khác điều này chẳng khác gì chúng ta giúp đường sản xuất tại Lào của HAGL nhập về Việt Nam để tinh luyện sau đó xuất khẩu qua cửa khẩu phụ để nhập lậu vào nước thứ 3.

Việc tạm nhập tái xuất vào cửa khẩu chính ra cửa khẩu chính thời gian qua cũng đã từng xẩy ra tình trạng lượng đường tạm nhập tái xuất rơi rớt một số lượng lớn tại thị trường Việt Nam. Theo thống kê của Cục điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan trong niên vụ 2012-2013 thì con số ấy rất lớn.

“Đề nghị tạm nhập tái xuất đường dưới bất cứ hình thức nào thì cũng phải được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, số lượng, chủng loại, thời hạn tái xuất và chỉ cho tái xuất theo đường chính ngạch. Đồng thời cơ quan chức năng liên ngành phải hậu kiểm để không xảy ra gian lận thương mại và gian lận thuế làm thiệt hại cho quốc gia. Để người trồng mía và các nhà sản xuất đường của Việt Nam tăng năng lực để cạnh tranh với hiện trạng đường từ Thái Lan nhập lậu vào, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho ngành sản xuất đường được miễn thuế giá trị gia tăng”, ông Đỗ Thành Liêm.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm