| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 21/06/2020 , 05:35 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 05:35 - 21/06/2020

Nghề nguy hiểm

Đi bộ. Dân chiến khu miền Tây sông rạch, đừng mơ tới chuyện dép lốp cho đôi chân.

Xuồng hoặc ghe là chân, ở những nơi phải luồn chéo qua đồn bót hay điểm đóng quân của đối phương, phải đi bộ nhờ những người dắt dẫn gọi là “cánh đường dây”.

Từ căn cứ Phụng Hiệp của tỉnh Cần Thơ đến sông Trẹm của U Minh mất khoảng 10 ngày. Đêm đi ngày nghỉ, đi xuyên đêm đi thông đêm.

Chân đạp gai, bó lại, đi tiếp. Cầu khỉ gãy, ba lô túm trong vải nilon làm phao vượt qua. Máy bay trực thăng pha đèn soi tìm diệt, núp kỹ đi. Chỗ này chạy nghe, cắm đầu cắm cổ chạy theo tiếng chân người phía trước, tưởng chết vì đứt thở.

Đi để vừa học vừa làm. Viết báo mà nhiều văn quá vậy, viết bút ký đi. Sau năm 1975 thành nhà báo viết có văn. Tuổi ít học ít, bù lại đi nhiều, trải nghiệm nhiều vừa đi vừa đọc, sách luôn thủ sẵn trong ba lô.

Những năm mải khẩu hiệu “Hợp tác hóa, tập đoàn hóa”, dân chúng phải thuộc lòng nghĩa vụ Lính – Lúa – Lương (ơ, thì lúa là lương rồi, lương ở đây là lương thực, cấm cãi!).

Thì ra có những nơi không trồng lúa mà trồng ngô, trồng bo bo nên mới có Lúa và Lương. Vì những năm đó là chiến tranh ở hai đầu biên địa, hoàn cảnh thúc bách lúc nào cũng quân đâu, gạo đâu, ngô đâu?

Phải tự đi thực tế để viết, tập đoàn sản xuất và nông trường, đi không nguy hiểm ở sự đi, nguy hiểm ở chỗ lòng bất an “Sao nông dân bỏ đất đi dài xuống U Minh chạy nạn hợp tác hóa?”, “Sao người của nông trường biểu tình để bị đàn áp?”

Những chuyến đi chiến trường Campuchia mà khi ấy gọi tắt là Chiến trường K thực sự ngoài tưởng tượng. Nếu giống những trải nghiệm cũ thì giống ở chỗ “cứ nhắm mắt đi, chết thì thôi nhé!”

Đất nước lạ, dấu tích diệt chủng thê lương cả trong cây dừa cây chuối và tiếng ễnh ương của thủ đô hoang tàn. Một chiếc Jeep chiến lợi phẩm từ năm 1975 chở nhà văn nhà báo đi thực tế, hôm qua chặng này vừa bị bọn Pốt phục kích bắn xe, nay mình may rủi các anh chị nhé.

Bây giờ nhà báo như viên đạn đã lên nòng, bệ phóng là danh dự người làm báo, dưới chân đế ấy là vũng tối mà các con của nhà báo đang nín thở đợi chờ, có thể thoát mà cũng có thể bị bẹp dí dưới một hung tin.

Vẫn chưa biết sợ, đi lần hai lần ba rồi lần bốn, điều gì đã cuốn nhà báo đến thế? Thì như cuộc chiến trước đó thôi, nghề và nghiệp. Anh bạn bị rắn độc cắn ở U Minh, cứu khỏi, được nhắc cai thuốc lá, thèm thuốc quá, hút chưa xong điếu thuốc, chết.

Mấy anh bạn ở Đài truyền hình bị phục kích hy sinh quãng Tà Keo, biết chưa? Và ký ức cồn lên nức nở bởi cái chết của bao chàng phóng viên thanh tân ở Vòng Cung Cần Thơ năm 1968. Kệ đi, đạn nó tránh mình, biết sao được mà tránh!

Lại đi khi đã ngoài bốn mươi tuổi, ngồi ở vị trí Ban Văn của một tờ báo lớn giữa thủ đô thời bình. Chỉ là muốn đi, thế thôi, không ai khiến nữa. Chân bồn chồn, lòng thôi thúc, ngoài kia trời bao la, người muôn phận, đất nước ngổn ngang, đi chứ, đi thôi.

Lần này là đất than, trên trời dưới than, quặng báu của quốc gia từ thời người Pháp phát hiện ra và đã xây bao nhiêu là mỏ và đường sá.

Than lộ thiên, những người phụ nữ ngồi xúc than và đẩy than, cả gánh than về điểm, người đen như thổ địa, chỉ nụ cười là trắng.

Than hầm lò, lò dốc đi bộ hàng ngàn bậc xuống, than lò đứng, đi bằng tời bằng gàu bằng thang điện, như xuống âm ti. Trụ sở các ngài quan mỏ khang trang, vị nào cũng trẻ trung sành điệu, thường dân thì chỉ mơ đẻ được nhiều con trai để làm công nhân mỏ.

Đeo đèn trán, mang ủng, đi xuống lò dốc. Hàng ngàn bậc kinh hoàng. Càng vào sâu càng lầy lội, càng tối. Đến tận cùng một ngách nhỏ vừa người cúi khom bò vào, một ánh mắt sáng quắc của chàng trai trẻ đang cào từng xẻng than: “Cô lên đi cô, ở đây nguy hiểm!”. Có thể một túi nước ẩn trong vỉa than bục xuống, là xong.

Rồi đi giàn khoan. Đi Giàn xa khuất, nhé. Ngồi trực thăng bốn mươi lăm phút, có thể, con cái có thể mồ côi chứ. Nằm Giàn 10 ngày đúng thời gian đổi ca, bấp bênh và nguy hiểm thường trực, bão tố, sự cố, phá hoại …và thèm nhớ người thân, đất liền, đất ở đây là mặt đất mà chúng ta gọi là đất đai, quê cha đất tổ.

Quá thể trải nghiệm này, hàng ngàn mét khoan sâu, kỹ sư khoan nhà nghề mà lại nhỏ thó, đôi tay xoắn như dây thừng, tặng chị lọ dầu thô mang về Hà Nội cho bạn bè ngắm nhé. Không, không chỉ ngắm mà hít và ngửi để xem nó có vị gì, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa, đúng không?

Đi là nhu cầu của mọi con người. Làm cái nghề được đi và viết về sự đi ấy, là một may mắn, nhiều khi vinh hạnh. Lăn xả lúc đi, vật vã khi viết và cân nhắc, bản thân sự thật đã mang trong nó sự nguy hiểm. Vâng, nghề của chúng tôi là nghề nguy hiểm.g

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm