| Hotline: 0983.970.780

Nghệ nhân tài hoa xứ Sơn Nam Thượng

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:28 (GMT+7)

Mới bước sang tuổi tứ tuần, anh đã ẵm 2 giải thưởng lớn của ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Đó là nghệ nhân Nguyễn Minh Phú ở làng Nhân Hiền, xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội).

Mới bước sang tuổi tứ tuần, anh đã ẵm 2 giải thưởng lớn của ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam gồm giải Nhất “Golden-V 2004” (thiết kế ngành hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc) và giải Đặc biệt “Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2010-Cúp Thăng Long 1.000 năm”. Đó là nghệ nhân Nguyễn Minh Phú ở làng Nhân Hiền, xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội). 

1. Sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ nổi danh Nhân Hiền giữa vùng đất trăm nghề Hà Tây cũ (xưa Nhân Hiền thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng), Nguyễn Minh Phú được thừa hưởng “tiếng đục đẽo” của cha ngay từ trong bụng mẹ. Từ nhỏ Phú lẽo đẽo theo bước cha và ông nội đi khắp các tỉnh miền Bắc làm điêu khắc, tạc tượng cho các ngôi chùa.

Theo nghệ nhân Nguyễn Minh Phú thì thời phong kiến, dòng dõi của anh có cụ Nguyễn Văn Đông được Tổng đốc tỉnh Hà Đông - Hoàng Trọng Phu mời làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bách Nghệ. Trước đó cụ và hiệp thợ trong làng đã vào kinh thành Huế phục vụ triều Nguyễn xây dựng cung đình, lăng tẩm. Thời kì Pháp thuộc, cả làng Nhân Hiền lên phố Hàng Hòm và làng Bạch Mai (Hà Nội) lập nghiệp. Sau năm 1970 cụ thân sinh của anh là Nguyễn Văn Đáng quay về làng mở xưởng, thành lập HTX Điêu khắc Nhân Hiền.

Anh bảo thời đó HTX làm ăn rất thịnh, dân làng Nhồi (Thanh Hóa) đã cử cả đoàn ra học nghề điêu khắc. Sản phẩm của làng nghề Nhân Hiền chủ yếu là chạm khắc tượng Phật, phù điêu, đồ trang trí trong các ngôi chùa. Sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, đầu ra sản phẩm điêu khắc gỗ bế tắc, xã viên HTX Nhân Hiền bung ra ngoài theo nghề kiếm sống…

Tiếp nối nghề truyền thống của cha ông, học hết cấp 3 Nguyễn Minh Phú lên Hà Nội tiếp tục theo lớp Năng khiếu Mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật. Khi anh trở về làm nghề thì lúc đó sản phẩm gỗ đã bão hòa, khó cạnh tranh. Bởi theo anh, gỗ điêu khắc của làng Nhân Hiền không sơn son thếp vàng như Sơn Đồng, không khảm trai như Đồng Kỵ mà chỉ phun nhẵn bóng, trong khi xã hội ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải cầu kỳ, đa dạng…

Phú tâm sự, trong khi nghề mộc điêu khắc khó khăn thì Xí nghiệp Đá quý Thanh Xuân đã mang một loại đá ở Quảng Ninh về để anh chế tác thử. Đây là đá mềm Pyrophillits, rất dễ đục đẽo. Từ điêu khắc gỗ anh đã chuyển sang chất liệu đá rất thành công và là người đầu tiên trong làng làm nghề điêu khắc đá. Thông qua Xí nghiệp Đá quý Thanh Xuân, sản phẩm của anh đã xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… 

2. Ngày cuối năm, đi qua cây cầu Chiếc ọp ẹp vào thăm xưởng điêu khắc đá của nghệ nhân Nguyễn Minh Phú, tôi được chứng kiến không khí làm việc miệt mài qua đôi tay tài hoa của người thợ cả. Một pho tượng Quan Thế Âm đứng có kích thước 5m đã lộ hình hài, sau khi đục đẽo cả khối đá trắng khổng lồ. Thật kinh ngạc là từ chất liệu đá nguyên khối, nghệ nhân Nguyễn Minh Phú đã đục đẽo thành những tà áo mềm mại của đức Phật Bà. Đây là pho tượng do chùa Vu Chu (Hoài Đức, Hà Nội) đặt hàng.

Cạnh đó, pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đá trắng, được tạc theo đúng nguyên mẫu của pho tượng nổi tiếng ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Đầu rồng đỡ đài sen, hoa văn trên quỷ biển và khuôn mặt Quan Âm được tạc vô cùng tinh xảo. Anh Phú cho biết, còn phải tạc 42 đôi tay và tạo tác một đĩa gắn đằng sau, mặt đĩa có 958 tay và gần 1.000 con mắt nữa thì mới hoàn thiện xong một nửa tác phẩm. Khác với pho tượng nghìn tay nghìn mắt trứ danh chùa Bút Tháp, pho tượng Phật này làm cả 2 mặt đá, tức là tượng kép, có tới 2.000 tay, 2.000 mắt. Cùng với việc tạc tượng Phật cho các ngôi chùa, xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Minh Phú còn chế tác các pho tượng Phật kích thước nhỏ, bình hương, chân nến, hộp đựng tăm… với đường chạm khắc hoa văn điêu luyện.

Nghệ nhân Phú cho biết thêm, ước tính trung bình mỗi năm làng nghề Nhân Hiền xuất ra thị trường vài nghìn pho tượng các loại, trong đó số tượng xuất khẩu chiếm tới khoảng 50% đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người lao động. “Tôi cũng như mọi người thợ ở làng Nhân Hiền, từ thuở lọt lòng đã được nhìn cha mẹ, ông bà và người xung quanh tạc tượng Phật hàng ngày và cầm đục làm quen với nghề từ nhỏ. Người trước dạy bảo người sau, cứ nhìn nhiều, làm nhiều là khắc quen, vì kỹ năng chạm khắc ăn vào máu từ bao đời. Với nghề điêu khắc đá thì thợ phải cứng tay hơn” - anh tâm sự. 

3. Đến với nghệ thuật điêu khắc từ sớm, lại được nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng Phan Cẩm Thượng dìu dắt khi ngồi trên ghế giảng đường, nghệ nhân Nguyễn Minh Phú đã cho “ra lò” nhiều tác phẩm “có một không hai”. Điển hình là một bộ gốm 3 lọ đá “Bách điệp” (100 con bướm) đoạt giải Nhất hội thi Golden-V 2004. Anh cho biết: “Khi làm công trình trên chùa Yên Tử (Quảng Ninh), đêm ngủ trong chùa tôi thấy rất nhiều bướm bay lượn quanh đôi lọ lục bình. Từ đó tôi đã nảy sinh ý tưởng khắc 100 con bướm trên lọ lục bình với chủ đề “Bách điệp”. Cũng “nhờ ăn lộc Phật” từ ý tưởng “Bách điệp”, năm 2005 tôi chuyển sang làm tác phẩm “Bách điểu” (100 con chim) và được giải Khuyến khích hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2005”.

Hưởng ứng cuộc phát động sáng tạo các sản phẩm thủ công mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Minh Phú bỏ nhiều công sức trong suốt 8 tháng ròng, để hoàn thành tác phẩm điêu khắc đá độc nhất vô nhị “Đài sen”. Tác phẩm dâng lên Đại lễ có kích thước cao 3,7m; chiều ngang của đế chỗ lớn nhất là 2,7m. Kết cấu gồm 4 phần được chồng lên nhau và kết nối với nhau bởi mộng và ngõng, bao gồm: bệ vuông, đài sen, cột khắc Chiếu dời đô, búp sen. Đế vuông gồm 2 tầng, xung quanh có 304 ô chữ nhật, mỗi ô chạm khắc một đôi rồng tinh xảo. Toàn bộ bệ vuông có 608 con rồng giống nhau về hình dáng, kích thước vô cùng uyển chuyển.

Theo nghệ nhân Nguyễn Minh Phú, anh được mời lên Yên Tử để tạc tượng đá Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn nặng 3,5 tấn. Tác phẩm này dài 1,8m, cao 0,6m bao gồm 2 khối rời, đài sen phía dưới lõm xuống, phía trên đặt Ngài nằm âm 5cm dưới đài sen. “Tôi phải chuyển mẫu tượng từ chất liệu thạch cao ra đá. Được biết Yên Tử vốn không còn tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Nhưng ở chùa Hoa Yên có tượng Ngài trong tư thế tọa thiền. Tôi đã ngắm kỹ gương mặt Ngài tọa thiền để chuyển sắc diện vào pho tượng nhập niết bàn, thân thể Ngài thì tuân thủ theo đúng mẫu phác thảo thạch cao.

Khi nghiệm thu tác phẩm đã nảy sinh vấn đề, đó là pho tượng tôi tạc theo bản thạch cao là tượng Phật Hoàng nằm một chân co chân duỗi theo phiên bản một ngôi chùa ở miền Bắc. Nhưng họ yêu cầu tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn 2 chân phải duỗi thẳng giống như các tượng Phật nhập niết bàn bên Trung Quốc. Thế là cuộc tranh luận đã nổ ra giữa người nặn mẫu tượng và bên nghiệm thu.

Cuối cùng bên thi công phải sửa lại tư thế chân của pho tượng. Quá trình chỉnh sửa đòi hỏi rất công phu, bởi đã thành một hình hài lại biến sang một hình dáng khác thì không còn chỗ để xử lý. Những chỗ đang lồi lên muốn làm cho lõm xuống thì dễ, còn chỗ đã lõm rồi muốn lấp đầy trở lại đành bó tay. Cuối cùng tôi cũng hoàn thành pho tượng, được họ nghiệm thu và không thấy phàn nàn nữa”.

Đài sen hình tròn đường kính 2,2m, gồm có 5 lớp cánh (2 lớp cánh úp, 3 lớp cánh ngửa) cả thảy có 125 cánh sen. Cánh sen tạo tác mô phỏng hình lá bồ đề, với đường viền hoa cúc dây bao quanh ôm lấy đôi rồng đối xứng nhau. Mỗi đôi rồng được tạc vô cùng tinh xảo theo đúng nguyên mẫu rồng thời Lý, thân trơn nhẵn mềm mại, đuôi rồng cùng hướng vào một lá bồ đề, hai đầu rồng phía dưới cũng chầu vào lá bồ đề khác.

Chiêm ngưỡng họa tiết trên mỗi cánh sen, ta nhận thấy chúng được mô phỏng rõ nét phong cách trang trí trên cánh sen ở đế bệ của pho tượng A Di Đà thời Lý và tảng đá kê chân cột thời Lý ở chùa Phật Tích. Tuy nhiên, đường nét chạm trổ ở đây tinh vi hơn, thể hiện đầy đủ tính kế thừa và sáng tạo. Ngăn cách giữa lớp cánh úp với lớp cánh ngửa có một đai tròn, chạm khắc 10 con rồng đuổi nhau. Như vậy, toàn bộ đế sen có 260 con rồng. Ngự trên đài sen là một cột hình hộp chữ nhật đứng thẳng cao 1,8m. Hai mặt thân cột khắc toàn văn bản Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ bằng chữ Hán, hai mặt còn lại chạm hoa văn mây lửa. Phía trên và dưới của cột Chiếu dời đô có 2 đai vuông, 4 mặt chạm khắc cả thảy 96 con rồng. Tọa lạc trên cùng của tác phẩm là một búp sen 18 cánh, chạm khắc 36 con rồng. Như vậy, toàn bộ tác phẩm hiện diện đầy đủ 1.000 con rồng thời Lý.

 “Thực ra tôi muốn đưa tác phẩm này vào kỷ lục Ghi nét 2010 nhưng đăng kí hơi muộn nên làm để trưng bày lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội. Còn một tác phẩm “Đài sen” nữa nhỏ hơn mới tham gia Hội thi sản phẩm thủ công VN 2010. Được giải Đặc biệt cũng nhờ lộc Phật thôi, bởi thời Lý coi đạo Phật là Quốc giáo, tác phẩm “Đài sen” với Chiếu dời đô đã hội tụ đủ yếu tố này” - anh nói.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất