| Hotline: 0983.970.780

Nghe nữ doanh nhân kể chuyện vượt qua 'bão' Covid-19

Thứ Năm 21/10/2021 , 16:58 (GMT+7)

'Chúng tôi thường nói với nhau là chưa chết vì dịch mà chết vì đói là không được. Do đó, tất cả đều tự động viên nhau... Khó khăn rồi cũng dần được tháo gỡ'

Chưa bao giờ thấy tất cả đoàn kết, đồng lòng như thế!

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nữ doanh nhân trong thích ứng điều kiện bình thường mới” do Trung tâm báo chí TP.HCM tổ chức tối 20/10, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp thuộc Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nói chung và các nữ doanh nhân thuộc Hội nói riêng gặp muôn vàn khó khăn, tuy nhiên tất cả đều nỗ lực hết sức của mình để duy trì sản xuất xuyên suốt trong mùa dịch, đảm bảo cung ứng đủ nguồn lương thực thực phẩm cho người dân Thành phố.

Theo bà Chi, ngành lương thực vẫn sản xuất trong suốt mùa dịch nhưng sụt giảm khoảng 8%. “Chúng tôi thường nói với nhau là chưa chết vì dịch mà chết vì đói là không được. Do đó, tất cả chúng tôi đều tự động viên nhau. Sáng dậy là phải nắm thông tin xem có doanh nghiệp nào bị dừng sản xuất vì F0 hay không”, bà Chi bày tỏ.

Một trong những điều mà ngành lương thực thực phẩm phải đối diện trong thời gian dịch bệnh kéo dài đó là sự thiếu hụt nguyên vật liệu của các nhà máy. Vì bảo vệ thành quả chống dịch ở nhiều địa phương, khiến cho việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn trở ngại. “Chưa bao giờ nhà máy lại gặp khó khăn kinh khủng như thế!", bà Chi nói.

Bà Chi cho biết, có những câu chuyện “bi hài” trong việc “ngăn sông cấm chợ” đầu mùa dịch, đơn cử như doanh nghiệp Ba Huân mỗi ngày có thêm rất nhiều trứng, nhưng lại không tiêu thụ được. Đầu mùa dịch, nguồn trứng ở các tỉnh không đưa lên nhà máy tại TP.HCM để làm sạch thì thị trường lại thiếu.

Nhờ sự quan tâm, tạo điệu kiện của UBND TP.HCM, Tổ 970 của Bộ NN-PTNT, nguyên vật liệu phục vụ cho ngành hàng lương thực thực phẩm dần được tháo gỡ.

Thế nhưng, lúc này, các nhà máy thuộc Hội lại đối diện với việc thiếu công nhân, có doanh nghiệp xuất hiện các ca F0 phải dừng sản xuất…

“Muôn vàn khó khăn. Chưa bao giờ mà chúng ta lại thấy tất cả đoàn kết, đồng lòng như thế khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Người làm kinh tế không bao giờ để “cái túi” của mình bị lủng, nhưng chúng tôi vẫn bù lỗ, giữ vững giá từ đầu đến cuối mùa dịch, cung ứng đầy đủ, đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM, dù nguyên vật liệu đầu vào đều tăng giá”, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM chia sẻ.

“Vốn lao động” là quan trọng nhất của doanh nghiệp  

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý PNJ, đại dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp thấy rằng, nếu có sự chuẩn bị kế hoạch, kịch bản thì sẽ bình tĩnh vượt qua nhẹ nhàng. Còn ngược lại nếu không giải quyết được khó khăn, mất bình tĩnh thì doanh nghiệp sẽ rất rối, bởi đợt dịch lần này trôi qua sẽ có thể thêm đợt 5, đợt 6.

Bà Dung cho biết, PNJ có 6.500 lao động, chỉ một số ít về quê, tất cả đều không bị cắt giảm lương. “Nếu mình chăm lo công nhân tốt, sau dịch không khủng hoảng nguồn lao động”, bà Dung nói.

Vì vậy, bà Dung cho rằng, khó khăn sẽ hiện hữu trước mắt nên doanh nghiệp cần chủ động, phân định, sắp xếp. “Trước đây, chúng ta thấy vốn bằng tiền là quan trọng nhưng nay vốn lao động, vốn quan hệ xã hội là quan trọng nhất, có xây dựng lâu dài nguồn vốn này thì doanh nghiệp mới bền vững. Qua đại dịch, người ta quan tâm con người hơn, vì đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu ai chưa quan tâm thì phải có sự chuẩn bị và đảm bảo đời sống cho người lao động”, bà Dung nhận định.

Bà Dung cho biết, đối với các nữ doanh nhân, điều thuận lợi là sự mềm mại, tâm lý được vận dụng trong công việc kinh doanh, cũng như vận dụng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 để sâu sát, hiểu được tâm tư tình cảm của người lao động.

“Lãnh đạo nữ có sự quan tâm đối với công nhân, gắn bó với lao động. Hiện, người lao động đang rất khủng hoảng tinh thần, phải làm sao xây dựng cho họ có thân khỏe mạnh, tâm an lạc, trí vững vàng thông qua nhiều chương trình để tạo nền tảng lâu dài cho những khó khăn sắp tới”, bà Cao Thị Ngọc Dung khuyến nghị.

Chính vì vậy, Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM đã chuẩn bị tinh thần cho hội viên của mình bằng các diễn đàn chương trình, xây dựng kịch bản ứng phó với phương châm “doanh nghiệp "khỏe mạnh" thì mới hỗ trợ được cho cộng đồng”.

Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi chia sẻ, ngành chế biến lương thực thực phẩm phải duy trì xuyên suốt việc sản xuất trong mùa dịch, do đó việc lao động về quê là không nhiều nhưng ngành vẫn có sự thiếu hụt lao động. Bà Chi cho biết, tới giờ, với sự hỗ trợ của UBND TP.HCM, các doanh nghiệp thuộc Hội Lương thực thực phẩm đã ổn định nguồn lao động từ từ. Hiện 80% doanh nghiệp thuộc Hội đã đồng loạt sản xuất và có thể đạt 100% trong thời gian tới.

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất