| Hotline: 0983.970.780

Nghề nuôi… sâu khổng lồ

Thứ Tư 06/07/2011 , 10:55 (GMT+7)

Những con côn trùng gai góc đầy mình, to lóc nhóc như ngón tay người lớn, ngốn rào rào lá sắn đang là món ăn khoái khẩu của giới nhà giàu, là vật nuôi thời thượng ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.

Những con côn trùng gai góc đầy mình, to lóc nhóc như ngón tay người lớn, ngốn rào rào lá sắn đang là món ăn khoái khẩu của giới nhà giàu, là vật nuôi thời thượng ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.

"Cẩn thận dẫm nhầm sâu sắn"

Vào nhiều nhà dân ở xã Tiên Lương (Cẩm Khê, Phú Thọ), người lạ đều được cảnh báo một câu xanh rờn: “Cẩn thận kẻo dẫm nhầm vào sâu sắn”. Một cảm giác chờn chợn, ớn lạnh từ sống lưng đến chân tóc. Sâu chen chúc trên nền nhà. Sâu bò lổm ngổm trên giát giường trải một lớp mành cọ. Sâu lóc nhóc trên nong nia, lắm con đói bò ra rìa nong rơi hàng chùm lộp bộp như mưa trên mái rạ. Sâu ngọ nguậy trên những bàn tay của gia chủ đòi ăn.

Lắm nhà còn dẹp cả bàn ghế, cót thóc sang một bên để nhường không gian đủ rộng cho nghề nuôi sâu sắn hay còn gọi là con tằm. Khác với tằm dâu thân hình bé nhỏ, tằm sắn có kích cỡ bằng ngón tay trỏ của người lớn, gai góc nhọn tua tủa chạy thành hàng từ đầu xuống chân.

Chị Đỗ Thị Tình, Chủ nhiệm HTX Tiên Lương, cho hay nghề nuôi tằm sắn có tự thời cha ông, cụ kị. Cẩm Khê có nhiều xã nuôi tằm sắn nhưng tập trung nhất ở Tiên Lương. Sở dĩ có nghề này bởi nơi đây bạt ngàn, ngút ngát đồi sắn. Sắn không chỉ nuôi gia súc, gia cầm mà còn nuôi người qua những cơn bĩ cực nhất. Gần 100% dân Tiên Lương trồng sắn với tổng diện tích cỡ 176 ha. Dân bản địa tận dụng lá sắn để nuôi tằm ngoài việc bán tơ còn để bán làm… thức ăn.

Xưa kia, tằm là món ăn của kẻ nghèo khó. Người nuôi tằm mỗi phiên chợ quẩy những thúng, mủng lặc lè tằm đã luộc chín cho đỡ nhả tơ để đem đi bán. Đơn vị đo lường của tằm được đong thành từng bát như người ta đong gạo bằng bò, bằng bơ. Gặp buổi chợ chiều, ế ẩm, tằm đã thiu chảy, người bán chỉ còn nước bấm bụng đổ bỏ, quẩy đôi quang gánh không về mà bước trên con đường đê, chân đi thập thễnh như gánh cả đôi thúng thóc đầy có ngọn dịp ngày mùa.

Tằm có lẽ là giống vật nuôi siêu tốc nhất trong tất cả các vật nuôi của con người. Chỉ 18-20 ngày là đã cho thu hoạch. Tằm dâu là một tiểu thư khuê các đỏng đảnh với thời tiết, còn tằm sắn là một thôn nữ chân lấm tay bùn chẳng quản ngại nắng mưa. Mùa nóng đỉnh điểm năm 2010 khi nhiệt độ ngoài trời có lúc vọt trên 40 độ mà tằm sắn vẫn ăn ầm ầm, vẫn lớn như thổi trong khi nhiều hộ nuôi tằm dâu phải ngậm ngùi đổ bỏ.

Trước dân Cẩm Khê nuôi tằm tự giữ giống. Điều này rất có hại bởi tằm ngày càng giảm năng suất. Năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã hỗ trợ phục tráng giống, cung ứng 170 hộp trứng tương đương với 340 vòng cho 24 hộ tham gia dự án trên một diện tích trồng sắn 10 ha. So với giống tằm dân tự để hay giống mua trôi nổi bằng cách bán mỗi con gà mua được một hai vòng trứng tằm thì giống tằm phục tráng này khỏe hơn, năng suất cao hơn chừng 25%. Mỗi vòng trứng cho 18 kg tằm hay 8-9 kg kén nhưng giờ chẳng ai nuôi tằm còn để sinh kén nữa.

Một năm người ta có thể nuôi 6 lứa tằm theo mùa lá sắn. Đã có thời cây dâu được trồng ở Cẩm Khê để nuôi tằm rồi nhanh chóng bật bãi bởi không thể cạnh tranh với cây sắn. Sắn là loại cây con người không bỏ phí bất cứ cái gì. Củ sắn đem bán, ngọn muối dưa chua, lá cho tằm ăn, thân, cọng quẳng xuống ao nuôi cá, xơ phơi nỏ làm củi đun.

Ngoài tiền mua giống ra, người ta không phải đầu tư bất cứ đồng cắc nào cho việc nuôi giống sâu khổng lồ này. Đã thế công lao động của nghề nuôi tằm lại tận dụng từ người lớn, trẻ em, từ già đến trẻ, từ gái sang trai đều làm tranh thủ, chốc nhát được. Xưa không có thuốc khử trùng tiêu độc cho nong nia, thuốc chống phù nề, hoại huyết nên nuôi tằm có khi sắp ăn rỗi rồi mà vẫn chết hàng loạt, phải đổ xuống ao cho cá ăn từ hồi có dự án vào hướng dẫn kỹ thuật gần như đảm bảo 100%.

Quy mô nuôi lớn nhất ở Tiên Lương phải kể đến các hộ Trần Văn Hùng, Trần Thị Liên, Trần Thị Thóc, Nguyễn Địch Mạnh…Tổng cộng xã có khoảng 200 hộ nuôi tằm thì 60-70% mong muốn vào dự án.

Món khoái khẩu của nhà giàu

Nhà giàu giờ mới dám ăn tằm. Đó là câu cửa miệng của người Cẩm Khê. Tằm dài bán 80.000đ/kg. Tằm giờ không phải quẩy đi bán ở chợ quê mà được tư thương mang tận về Việt Trì, Phú Thọ để bán, người nông thôn có thèm cũng chẳng có chỗ mà mua.

Cứ đến vụ chẳng lo sợ ế bởi đại lý đặt tiền sẵn, đặt bao tải sẵn, đến là cân, chẳng ai ép cấp, ép giá vì không có mà bán. Chính vì thế xưa mỗi nhà nuôi dăm ba nong giờ có nhà 20-30 nong, xuất một lứa 120 kg tằm. Tằm chín bán tại gia khoảng 80-90.000đ/kg nhưng hễ ra khỏi cổng là 100.000đ/kg, để đến ngày mai là 150.000đ/kg (1kg còn 8-9 lạng), qua ngày nữa một kg còn 7 lạng là 200.000đ.

Tằm khi chín được bảo quản bằng cách nhốt vào chậu nhôm, đậy chặt lại để không rải được kén hay đút vào bao tải buộc lại để nhả ít tơ đỡ hao thịt. Con tằm để dạng này thân thể càng ngày càng co lại gọi là tằm chun với chiều dài chỉ bằng ½ đến 1/3 tằm chín, bán giá gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng ít khi để được do bị khách vét sạch. Đại lý bán trứng tằm thường là người nắm rõ nhất lịch tằm chín sẽ được quyền ưu tiên mua do trước đã bán chịu trứng cho người nuôi.

+ Ngoài ngâm làm rượu thuốc, tằm còn chế biến được nhiều món và được cái rất “dôi” thịt. Tằm luộc uống rượu hơi bị tốn tửu. Tằm chần qua nước sôi rồi phi hành mỡ hay rang lá chanh hoặc xào xả ớt cả mâm có thể tranh nhau cậy đến hạt cơm đáy nồi.

+ Giờ dân Tiên Lương người nào cũng “tị nạnh nhau” vào dự án nuôi tằm sắn. Ước mơ của họ là thành lập tổ tiết kiệm, quỹ giúp nhau lúc rủi ro. Họ chỉ mong sao dự án được kéo dài 5 năm để phong trào lên, tự đứng vững được, để tiền bỏ ống trong 5 năm nhét quỹ thì nghề nuôi tằm mới được dài lâu.

Tôi đến nhà chị Trần Thị Vân (xóm 5) khi lứa tằm đầu tiên của năm còn vài ngày nữa là xuất bán. Đầu năm rét đậm kéo dài nên cây sắn phát triển kém kéo theo vụ tằm cũng muộn hơn mọi khi. Chị kể, ngày cho tằm ăn 6 lần, đêm 3 lần, lúc gần chín cả ngày đêm tằm ăn 10 bữa. Tằm thích ăn lá sắn tươi nhưng trời mưa, người nuôi phải hết sức cẩn trọng rũ sạch nước trên lá, hong khô bằng quạt rồi mới cho ăn kẻo chúng đau bụng. Một đời con tằm bốn lần lột xác, mỗi lần cách nhau bốn ngày tổng cộng 16 ngày, thêm 2 ngày nữa là chín róc.

Nuôi tằm tuy dễ mà cũng khó. Tằm kị nhất là kiến và mẫn cảm với môi trường một cách lạ lùng. Giặt xả quần áo bằng comfort, thuốc tẩy, thuốc nhuộm màu ngoài sân, trong nhà tằm ngửi hơi là chết la chết liệt. Sơ ý phun thuốc muỗi từ đầu năm, cuối năm nhà ấy cũng nuôi không được tằm. Khi tằm chín phải bắt ra nong khác, lấy cuống lá bỏ vào cho bò lên, bò xuống vận động, đái ỉa sạch sẽ, bậy bạ lẫn nhau là chết vì xót. Một bao tải tằm lỡ dính vài con chưa sạch ruột là sặc chết cả bao.

Anh Trần Văn Minh hộ kinh tế khó khăn trong xóm bởi gia cảnh bố mẹ mất sớm, bởi nuôi trâu trâu chết, nuôi gà gà toi, giờ tươi cười khoe với tôi những nong tằm đang thì ăn rỗi. Ngay cả ngôi nhà đại đoàn kết vững chãi của anh mới làm một phần cũng từ con tằm giúp sức thêm.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).