| Hotline: 0983.970.780

Nghệ sĩ nông dân

Chủ Nhật 29/01/2012 , 08:40 (GMT+7)

Trong giới nghệ sĩ, nhiều người đặc biệt thành công với vai diễn về nông dân. Họ được yêu mến gọi là "nghệ sĩ nông dân".

Trong giới nghệ sĩ, nhiều người đặc biệt thành công với vai diễn về nông dân. Họ được yêu mến gọi là "nghệ sĩ nông dân".

Diễn viên, MC Quyền Linh: Nông dân nhiều nơi khốn khó quá

Quyền Linh tham gia nhiều chương trình phục vụ nông dân như "Vượt lên chính mình", "Vui cùng nhà nông", "Mong đợi một ngày vui"… Và, chương trình nào anh cũng để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp và được gọi với cái tên trìu mến là "MC Hai Lúa".

 Quyền Linh tâm sự: Gần 10 năm nay không biết bao nhiêu nông dân đã đến với chương trình "Vượt lên chính mình". Mấy năm trước, chúng tôi đến một làng vùng sâu vùng xa ở Khánh Hòa. Có một gia đình nông dân quá khó khăn, bán hết ruộng đất để chữa bệnh cho người thân mà vẫn mắc nợ. Tham gia chương trình xong, số tiền được nhận chỉ vừa đủ trả nợ. Anh tâm sự với chúng tôi, giá mà có 1 công đất thì anh có thể nuôi sống gia đình.

Chúng tôi quyết định gom tiền trong đoàn, được hơn 30 triệu mua 1 công đất tặng anh. Năm vừa rồi, chúng tôi quay lại làng, đến thăm, và thật xúc động khi biết từ công đất ấy, anh không chỉ đủ nuôi cả gia đình mà còn mua thêm được 7 công đất. Điều đó cho thấy khát vọng và ý chí người nông dân rất mạnh mẽ. Quan trọng là ai sẽ cho họ cơ hội.

 Chính vì vậy, năm 2011 Quyền Linh đã từ chối một số chương trình giải trí (năm 2010, Quyền Linh là gương mặt MC của 16 chương trình truyền hình thực tế) để đảm bảo thời gian nhận 3 chương trình thực tế phục vụ bà con nông dân, đó là: "Vượt lên chính mình", "Vui cùng nhà nông", "Mong đợi một ngày vui"

Tham gia nhiều chương trình, thấy nông dân nhiều nơi còn nghèo, khốn khó quá. Hiện tại, chúng tôi đang làm chương trình “Mong đợi ngày vui”, đối tượng phục vụ cũng là nông dân. Chúng tôi làm và cảm thấy vui khi nhìn thấy giọt nươc mắt hạnh phúc của những phụ nữ khi nhận nhẫn cưới từ tay chồng. Có lứa đôi đã có 2, 3 mặt con hoặc sống với nhau gần 70 tuổi nhưng vì nghèo chưa một lần được mặc áo cưới… Họ hạnh phúc lắm khi được tổ chức cho một ngày được mặc áo cưới, trao cho nhau cặp nhẫn trước sự chứng kiến của những người thân và bạn bè.

Có nhà nghèo đến nỗi các ông chồng tỉ tê nói nhỏ “đám cưới vui được rồi, liệu có thể thay nhẫn bằng phong bì tiền được không?”. Nhưng người phụ nữ dứt khoát: “Không, tôi cần cái nhẫn. Bao năm nay tôi khổ tâm và ao ước mà không được. Tôi vẫn theo ông sống và lo toan mọi bề dù ông không lo được cho tôi cái nhẫn cưới, giờ chương trình giúp tôi có được, ông mà bán là tôi chia tay luôn đó”. Có đi làm chương trình mới hiểu ước mong được lên xe hoa và được trao nhẫn cưới là quyền chính đáng của người phụ nữ. 

“Nghệ sĩ dắt bò” Minh Béo: Nhiều người nhận bò òa khóc vì vui

Năm 2011, Chương trình “Lục lạc vàng” khởi động với gương mặt hài được nhiều người mến mộ - nghệ sĩ Minh Béo. Minh Béo cho biết, với mục tiêu hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho người nông dân, chương trình mang đến địa phương 12 con bò để trao cho 6 gia đình nghèo nhất.

"Lục lạc vàng" không phải là một gameshow nên sẽ tẻ nhạt nếu chỉ có cảnh trao bò. Để chương trình hấp dẫn, Minh Béo không chỉ đại diện BTC dắt bò đến giao cho bà con, mà anh còn làm trò, diễn hài, ca hát, giao lưu cùng khán giả. Nhiều nơi, địa phương không thông báo rõ là chương trình trao bò "Lục lạc vàng" mà chỉ quảng bá chương trình giao lưu với nghệ sĩ hài Minh Béo.

Có nhiều kỷ niệm Minh Béo không thể quên được. Khi đi đến vùng xa vùng sâu như vùng núi Anh Sơn (Nghệ An). Giờ trao bò đã đến mà cả sân trụ sở UBND xã chỉ có 7 người trong đó có 6 người được nhận bò có mặt, ngoài ra chẳng có khán giả nào. Ít khán giả quá chương trình làm sao xôm tụ để…. quay phim? Ủy ban dự tính phải huy động 200 em học sinh trường gần đó nghỉ học ra giao lưu nghệ sĩ Minh Béo. Nào ngờ, 1 tiếng đồng hồ sau, có đến hơn 4.000 khán giả đến tham gia chương trình.

Hỏi ra mới hay, bà con phải đi làm ruộng từ sáng sớm. Đến giờ mới lục tục quay về xem văn nghệ. Đường xá xa xôi, vùng quê nên bị trễ cả giờ là vậy. Cảm động hơn nữa, qua các câu hỏi khi giao lưu, Minh Béo thấy dù ở vùng sâu vùng xa, nhưng bà con ai cũng biết đến các hoạt động của Minh Béo, từ vai anh chồng trong phim "Mẹ chồng nàng dâu", đến khả năng nhảy trong "Bước nhảy hoàn vũ".

"Lục lạc vàng" phát sóng được vài kỳ, chương trình đi đến đâu cũng được bà con chào đón nhiệt liệt. Vừa thấy Minh Béo là mọi người reo lên: "A, nghệ sĩ dắt bò tới rồi". Nghe tin Minh Béo xuống Rạch Giá, chủ khách sạn Gia Thảo - một trong những khách sạn lớn nhất Rạch Giá vốn hâm mộ Minh Béo đã liên lạc và mời cả ê kíp thực hiện chương trình gồm hơn 40 người đến nghỉ tại khách sạn miễn phí. Tiền sinh hoạt được đoàn chuyển sang góp thêm vào kinh phí mua bò cho bà con.

Sau khi phát sóng vài kỳ, lượng khán giả các nơi đến giao lưu tăng dần. Hình tặng khán giả, Minh Béo không rửa kịp mà phải in mới đủ. Có lần, hải quan sân bay yêu cầu lập biên bản đóng tiền quá cước, Minh Béo đứng than: “Em có mang gì cho riêng em đâu, toàn quà tặng bà con "Lục lạc vàng" không hà”. Mở va li kiểm tra, thấy toàn là hình và băng đĩa của Minh Béo đề tặng khán giả, các anh hải quan phì cười, đồng ý cho qua.

Có lần vào Đức Huệ (Long An) phải đi bộ hàng 4, 5 cây số. Lúc đi không sao, lúc về, mệt nhoài lết không nổi. Bà con phải hô hào tìm ghe để đưa anh ra bằng đường sông. Nhiều lúc cực quá, muốn xin nghỉ tham gia nhưng nằm vắt tay lên trán, nhớ cảnh các hộ nông khi nhận bò khóc òa vì mừng vui, có người tội hơn, dắt bò về nhà cột rồi mà mặt ngơ ngẩn chưa tin vào sự thật, có ông vừa cột được bò vào chuồng xong là… xỉu. Minh hiểu, họ cần lắm những con bò này.

NSƯT Kim Xuân: Phụ nữ nông thôn ám ảnh tôi

Năm 2011, Kim Xuân có nhiều vai diễn hay trên sân khấu cũng như màn ảnh nhỏ. Từ vai bà mẹ chồng trong “Cuộc chiến hoa hồng 2”, bà giáo có 4 đứa con trong “Mẹ chồng nàng dâu”… Và, vai phụ nữ tâm thần trong “Một thời ta đuổi bóng” giúp Kim Xuân lại được đề cử giải Mai Vàng.

Hàng trăm vai diễn sân khấu và hàng trăm vai diễn phim truyền hình, không chỉ gương mặt NSƯT Kim Xuân mà cả giọng nói của chị cũng trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả cả nước. Mặc dù Kim Xuân bảo chị không nhớ nổi mình đã thủ bao nhiêu vai diễn từ trước đến giờ nhưng khi hỏi về những vai phụ nữ nông thôn thì Kim Xuân rất say sưa với những kỷ niệm mà chị đã hết lòng với nhân vật.

Chính sự tận tâm ấy của chị mà nhiều người không thể dứt được hình ảnh bà mẹ Bảy Chơn dứt ruột để con mình đi làm công cho nhà người ta trong phim “Dưới cờ đại nghĩa”. Điều khán giả ngạc nhiên nhất là không chỉ tinh tế khi diễn nội tâm mà nghệ sĩ Kim Xuân cũng thể hiện rất giỏi khi phải làm công việc nhà nông của nhân vật. Nhìn mẹ Bảy Chơn gánh lúa trên đồng cứ nghĩ Kim Xuân cả đời gánh lúa; hay nhìn bà mẹ của Vy trong “Mùi ngò gai” chăm sóc và nhặt đậu, cũng ngỡ như chị đã một đời làm rẫy.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng những việc đồng áng không hề xa lạ với chị. Ngay từ bé chị thường xuyên về quê ngoại ở Phú Hòa Đông, Củ Chi, xem các bà các cô vào đồng chặt mía, thu hoạch khi bắp ra trái… nên đời sống phụ nữ nông dân thấm vào chị như tiềm thức khi có dịp là bộc lộ mà thôi. 

Nghệ sĩ Trung Dân: Nông dân không phải là những người khờ khạo

Trung Dân không thể nhớ nổi các vai nông dân mà mình đã diễn. Vai được nhiều khán giả nhớ nhiều là ông Ba Đời trong phim "Hai Lúa" nhưng hỏi tới kỷ niệm vào vai trong phim thì anh lắc đầu quầy quậy: "Thôi, đừng nhắc tới phim đó, đối với tôi, đó là một phim… phản động".

"Phản động" là bởi hình ảnh người nông dân đưa ra trong phim cứ như là những kẻ khờ, ngu, dốt. Làm gì có nông dân nào thời nay mà đến cái máy sấy tóc cũng không biết. Họ có thể ngơ ngáo trước sự nhộp nhịp đường phố thành thị, họ có thể bị lừa khi đi mua xe hơi nhưng mà nó chỉ là chi tiết nhỏ về sự “ngây thơ” của nông dân.

Nông dân Việt Nam ngày nay còn chế ra được máy bay cơ mà. Thử đi về ĐBSCL một vòng đi, ở vùng làm lúa, họ không được học hành bài bản như bác sĩ, kỹ sư nhưng họ biết chế ra máy xịt thuốc trừ sâu, phương tiện gieo gặt, sáng kiến đóng các bè cá như thế nào cho hiệu quả... Còn chuyện bán đất bán đai để tiêu xài, ăn chơi..., tôi không nói là chuyện đó không có nhưng hiếm.

Có rất nhiều nông dân đã biết dùng đồng tiền đó đầu tư vào chuyển đổi sản xuất kinh tế. Thành công có, thất bại cũng nhiều, chúng ta nên phản ảnh cái đó kìa. Nông dân trong tác phẩm của tôi là những người chăm chỉ trong lao động, thông minh, lém lỉnh trong giao tiếp và đôi khi hơi… láu cá.

Với hơn 200 tác phẩm viết về đề tài nông dân, Trung Dân bảo: “Nghệ sĩ nông dân” trở thành thương hiệu của tôi và tôi vui với danh hiệu được bà con phong tặng. Muốn xây dựng chương trình mới về nhà nông, nghề nông, các nhà đài lại gọi Trung Dân đến bàn bạc. Trung Dân lại hăm hở bắt tay vào viết, dựng và kêu gọi anh em nghệ sĩ cùng tham gia. Tuy nhiên, việc “đáp nghĩa” với bà con chẳng hề suôn sẻ. Rất nhiều chương trình viết xong không được sử dụng mà lý do chỉ vì… không có nhà tài trợ.

Khó khăn là vậy nhưng Trung Dân đang bắt tay vào thực hiện bộ phim truyền hình 30 tập “Bìm bịp kêu chiều”, do anh viết và đạo diễn phản ánh rất chân thật cuộc sống của vùng sông nước miền Tây. Anh cũng sẽ làm tiếp một bộ phim về những nông dân trồng hoa xuất khẩu.

Xem thêm
Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho người mẫu tạo bằng trí tuệ nhân tạo

Cuộc thi Nhà sáng tạo AI Thế giới của Fanvue nơi các 'thí sinh' được tạo bằng máy tính sẽ tranh tài dựa trên vẻ đẹp và sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Tứ kết Champions League: Pháo thủ bại trận, vua Man City băng hà

Premier League chính thức sạch bóng các đại diện tại Champions League sau khi Arsenal và Man City thất bại ở loạt trận tứ kết của giải đấu.

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam sau tình huống trọng tài tham khảo và rút thẻ đỏ cho hậu vệ Nguyễn Ngọc Thắng cuối hiệp 1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.