| Hotline: 0983.970.780

Nghệ sĩ ưu tú Đức Long: Nghệ thuật không phải xiêm áo đẹp đẽ trên sân khấu

Chủ Nhật 24/12/2017 , 08:45 (GMT+7)

Từ đầu một con ngõ trên phố Lê Duẩn - Hà Nội tìm vào nhà Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long, chúng tôi đã nghe một giọng hát nữ cao trên nền một tác phẩm giao hưởng thính phòng kinh điển. Hỏi thăm một bác hàng xóm đang ngồi trước cửa nhà, bác bảo, tìm nhà của Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long, thì cứ theo tiếng hát là tới.

Quả thật, ngõ nhỏ phố nhỏ nhưng không khó tìm. Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long đang thị phạm cho một học trò sắp sửa thi tốt nghiệp cao học khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long

@ Anh Đức Long này, hàng xóm nhà anh có khi nào tỏ ra khó chịu về việc anh dạy học trò chơi đàn, luyện thanh hàng ngày trong một không gian hẹp, lại không có cách âm như vậy không và nếu có, anh ứng xử với họ như thế nào?

Đức Long: Thực sự mà nói thì tôi sống ở đây rất lâu rồi nên hàng xóm có lẽ cũng quá quen với việc trong ngõ có một ông nghệ sĩ nhà lúc nào cũng nườm nượp người vào ra, tiếng đàn tiếng hát không dứt. 

Quen đến nỗi có khi không có âm thanh này trong ngõ mọi người lại thấy nhớ ấy chứ. Nói vui vậy thôi chứ bà con láng giềng hiểu công việc của một người nghệ sĩ thầy giáo như tôi, là cống hiến làm đẹp cho đời, giúp ích cho các thế hệ trẻ, nên họ dành cho tôi tình cảm mến thương đặc biệt lắm, không thấy phiền.

@ Vừa rồi có mấy câu chuyện lình xình trên truyền thông liên quan đến các nghệ sĩ như Thanh Lam, Tùng Dương về nhạc bolero, về sự học của ca sĩ, anh có theo dõi không và anh có quan điểm gì xung quanh câu chuyện này?

Đức Long: Tôi chẳng thấy Tùng Dương, Thanh Lam nói gì là không đúng cả. Họ là những nhân vật số 1 trong đời sống biểu diễn âm nhạc hiện nay và họ phát ngôn hoàn toàn bằng cái tâm sáng, và bằng tinh thần phát triển nghệ thuật đấy chứ. 

Nếu có gì đáng trách thì trách những người viết bài báo đã giật tít câu like, câu view, kích động một số nghệ sĩ, hướng công chúng đến một cuộc tranh cãi mà vấn đề khi đó đã sai lệch sang những cách hiểu khác không thiện chí. Tôi không ủng hộ cách làm đó của một số nhà báo, một số tờ báo mạng hiện nay.

@ Có phải anh hạn chế tiếp xúc với báo chí là vì vậy?

Đức Long: Quả là từ lâu tôi có chút ngại ngần với báo chí. Nếu không phải là những người hiểu nghệ sĩ, thiện chí với công việc của nghệ sĩ thì tôi xin phép từ chối. Vì chúng tôi làm nghề chỉ mong được cống hiến hết mình cho nghề, không thích những nỗi phiền kiểu như vậy từ truyền thông. 

Một vài câu nói lúc trà dư tửu hậu có khi rất bình thường thôi, nhưng khi người ta mang lên báo thành quan điểm này nọ thì lợi bất cập hại lắm. Nghệ sĩ thì vốn hồn nhiên, đâu phải lúc nào cũng giỏi che chắn, rào đón câu từ.

@ Tôi có nghe kể là anh từng từ chối ngồi ghế nóng Ban giám khảo một cuộc thi âm nhạc lớn trên truyền hình, có phải vì lý do anh không giỏi "che chắn, rào đón ngôn từ"?

Đức Long: Nói thế nào nhỉ, tôi thấy mình không đủ "miệng lưỡi" để ngồi vào vị trí một ghế nóng trên truyền hình. Tôi không đủ hoạt ngôn, dù tôi biết có thể người ta mời tôi là để xếp tôi vào cái vai không hoạt ngôn đó. Tôi cũng hiểu rằng với một chương trình giải trí trên truyền hình như vậy thì Ban tổ chức bị chi phối rất nhiều bởi các nhãn hàng. 

Người giám khảo phải chấm thí sinh theo một cách thức nào đó, và có kịch bản cho cách thức đó. Tóm lại phải có chiêu. Đôi khi không hẳn mình được nói theo ý mình, theo suy nghĩ của mình. Và phút nói thật có khi còn ăn gạch đá từ dư luận. Tôi là người làm việc đặt chuyên môn lên hàng đầu, nên tôi vẫn quay về với chuyên môn của tôi là thích nhất.

@ Nhân nói về các cuộc thi trên truyền hình, muốn hỏi anh câu này liên quan đến các ca sĩ trẻ, những người mới bắt đầu vào nghề. Hiện nay có rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình, thu hút nhiều bạn trẻ đang ngồi ghế giảng đường các trường đào tạo nghệ thuật tham gia. Một số bạn để theo đuổi một cuộc thi dài ngày có khi phải nghỉ học rất lâu. Rồi có bạn kiếm được giải thưởng rồi thì nghỉ học, làm nghệ sĩ luôn, làm người của công chúng luôn. Từ góc nhìn của một người thầy giáo, anh có thấy yên tâm với những câu chuyện như vậy?

Đức Long: Tôi cũng xin nói thật là tôi không yên tâm. Ngày hôm nay, với sự hỗ trợ rộng mở của công nghệ, của truyền thông, mọi thứ dễ dàng hơn dẫn đến sự ảo tưởng của không ít người bắt đầu theo đuổi giấc mơ nghệ thuật. Các em nghĩ rằng việc nổi tiếng dễ lắm. Chỉ cần tham gia một cuộc thi và được giải là có thể ung dung làm nghệ sĩ. Xin thưa, một cuộc thi hay vài cuộc thi, được giải đi nữa cũng không nói lên điều gì. Bởi nghệ thuật đích thực nó là một quá trình gian khổ, không giống như lúc xiêm áo đẹp đẽ đứng trên sân khấu. 

Nghệ thuật là lao động, là học mỗi ngày. Các em trẻ mải mê theo đuổi các cuộc thi trên truyền hình bỏ bê việc học tôi thấy lợi bất cập hại. Những chiêu thức của một số cuộc thi hiện nay trên truyền hình thậm chí làm hỏng tư duy của các em. Các em chỉ thu lượm được cái nhất thời mà bỏ qua cái nền tảng, cái lâu dài. Dĩ nhiên tôi không cực đoan bảo các em đừng đi thi, vì sự va chạm thực tế cũng có thể giúp cho các em nhiều kinh nghiệm trong làm nghề. Nhưng tôi mong rằng, các em đừng đánh giá thấp việc học chuyên môn, và phải cân nhắc tỉnh táo về những đánh đổi của mình khi quyết định tham gia một cuộc thi nào đó.

@ Anh Đức Long, khi bắt đầu nhận học sinh nào đó làm học trò và bỏ công đào tạo các bạn theo con đường nghệ thuật, bài học đầu tiên anh dạy các bạn ấy là gì?

Đức Long: Tôi dạy bài học đầu tiên là về đạo đức nghề nghiệp. Em giỏi giang đến đâu, tài năng thế nào tôi chưa cần biết. Em phải suy ngẫm đầu tiên về đạo đức của người làm nghề, cái nghề mà em định theo đuổi. Nghệ thuật là món ăn tinh thần cho mọi người, nó sang trọng chứ không tầm thường. 

Nghệ thuật là khó khăn, chông gai lắm, không hào nhoáng như bề ngoài ta nhìn, cũng không đơn giản như một số công việc khác. Một người công nhân hay nông dân sau một ngày lao động mệt nhọc họ về ngủ ngay và ngủ ngon không vướng bận. Nhưng người làm nghệ thuật thì mang trong mình nhiều trăn trở. Lao động nghệ thuật cũng có mồ hôi, nước mắt, nhưng quan trọng hơn là tiếng nói cất lên từ trái tim đam mê, từ tinh thần cống hiến, mang cái đẹp đến cho đời. Em phải hiểu về sứ mệnh của người nghệ sĩ rồi hãy học để trở thành một người nghệ sĩ đúng nghĩa của từ này.

@ Tôi thấy anh nhận nhiều kiểu học trò. Có những học trò là tài năng lớn, rồi trở thành những tên tuổi, và có không ít học trò là những người bình thường mê âm nhạc. Học trò nào anh cũng say sưa, hết lòng truyền đạt kiến thức. Riêng điều này thì anh hơi khác với một số thầy giáo âm nhạc khác mà tôi đã gặp...

Đức Long: Nói thế này cho tổng quát đi, tôi dạy học từ thánh đường đến nhà tranh, không nề hà. Nghĩa là người học đến với tôi, đầu tiên tôi cần nhìn thấy ở họ là tình yêu, lòng đam mê nghệ thuật đã. Nếu đó là một học trò tài năng, tôi mang tâm huyết của mình đồng cam cộng khổ, dìu dắt em đi theo con đường chuyên nghiệp, hướng cho em những điều phù hợp nhất với sở trường của em.

Nếu đó là học trò bình thường, đến với nghệ thuật không phải để trở thành một nghệ sĩ, đơn giản chỉ là học hỏi để nhận biết, để có thể sử dụng âm nhạc như một niềm vui, một sự giải tỏa trong đời sống của mình, thì tôi dạy họ những kỹ năng cơ bản để họ có thể sống trong nghệ thuật theo cách của họ.

@ Hiện nay anh không chỉ dạy âm nhạc trong nước mà còn dành một khoảng thời gian khá lớn trong năm để đến với đồng bào mình ở châu Âu, truyền dạy kiến thức âm nhạc cho bà con kiều bào ở đây. Anh có thể chia sẻ về công việc này?

Đức Long: Riêng trong năm 2017 tôi đã dạy tới 7 lớp ở các vùng trên nước Đức. Học viên của tôi là những người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Mỗi người một nghề nghiệp, một hoàn cảnh sống, nhưng có chung đam mê là âm nhạc, muốn tìm niềm vui trong âm nhạc. Có người là công chức, có người làm đầu bếp, có người bán tạp hóa, có người là chủ cửa hàng thực phẩm... 

Sau những bận rộn đó, họ đến với âm nhạc, hiểu về âm nhạc nhiều hơn, có thể hát đúng, hát hay những bài hát mình yêu thích, lại có thêm kỹ năng biểu diễn trên sân khấu vào mỗi dịp kỷ niệm của cộng đồng kiều bào. Tôi cảm thấy mang đến niềm vui cho những kiều bào là một hạnh phúc lớn của mình, không hề có sự phân biệt nào cả. Nghệ thuật đối với ai cao siêu thế nào tôi không biết, với riêng tôi, nghệ thuật là đời sống, nó gần gũi với mỗi người bình thường xung quanh. Giống như khi biểu diễn, dù ở sân khấu lớn tầm quốc gia hay phòng trà nhỏ, tôi đều hát bằng tất cả trái tim mình, như con tằm rút ruột nhả tơ.

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Chiêm ngưỡng màn trình diễn đổ bánh xèo khổng lồ

CẦN THƠ Người dân háo hức chiêm ngưỡng 15 nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ, đường kính 3m phục vụ 1.000 khách tham quan tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm