| Hotline: 0983.970.780

Nghệ thuật làm lành

Thứ Bảy 06/10/2018 , 14:50 (GMT+7)

Sau hơn 20 năm làm chuyên gia tư vấn hôn nhân, giải quyết hàng ngàn vụ xung đột vợ chồng, tôi cho rằng vợ chồng dù có hoà hợp đến đâu vẫn không tránh khỏi những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Nhưng không phải tất cả những cặp vợ chồng lục đục đều dẫn đến tan vỡ, bởi vì sau những cơn phóng ba bão táp, biển lại bình yên, không ít ông chồng lại xin lỗi, làm lành. Họ chỉ dẫn nhau ra toà ly hôn khi không thể làm lành được nữa. Chính vì thế để ngăn chặn làn sóng ly hôn đang không ngừng lan rộng, các nhà tâm lý hôn nhân trên thế giới rất quan tâm đến nghệ thuật làm lành.

Ảnh minh họa

Nói chung muốn làm lành với nhau phải có một cuộc “đàm phán hoà bình” giữa hai bên. Các nghiên cứu cho thấy không nên để “chiến tranh lạnh” kéo dài hàng tháng mà nên kết thúc nó bằng một cuộc nói chuyện cởi mở. Hết sức tránh tình trạng nói trống không, bóng gió, cạnh khoé chỉ gây khó chịu cho nhau. Nhưng như thế không có nghĩa là hai người phải có một “cuộc họp” để ngồi đấu lý đấu lẽ. Những “cuộc họp” tay đôi như thế khiến người ta ngại ngùng như đi vào phòng tra tấn. Nhiều khi cố gắng của họ không đi đến đâu mà có khi họp xong lại căng thẳng hơn.
 

Chỉ thương lượng khi cả hai cùng mong muốn

Trước khi đi vào cuộc đàm phán, bạn phải nắm chắc điều cơ bản là không đàm phán khi có một người không muốn. Nếu chưa tạo được bầu không khí như vậy, hai người còn “đằng đằng sát khí” thì không nên đàm phán. Hãy cất ngay vẻ mặt khó đăm đăm của bạn đi và hãy nở nụ cười khi bắt đầu nói chuyện. Sao cho bạn cảm thấy như sắp được làm một việc mà bạn hào hứng. Muốn thế bạn cần thực hiện 3 quy tắc dưới đây :

Thứ nhất. Duy trì sự hào hứng trong suốt quá trình nói chuyện, hãy thẳng thắn thoải mái nêu vấn đề trong tâm trạng vui vẻ. Tất nhiên cuộc “đàm phán” có thể đi đến làm lành nhưng cũng có thể bế tắc. Đối phương bắt đầu cảm thấy lo lắng, cảnh giác. Nếu thấy bầu không khí không sẵn sàng, bạn nên dừng lại để khi khác. Tuyệt đối không nên đã “vào lịch” là dứt khoát phải “họp”, muốn ra sao thì ra.

Thứ hai. Đặt yêu cầu an toàn lên trên hết bởi vì mục đích của làm lành là để khôi phục tình yêu trong hôn nhân, bởi thế không được thô lỗ hay giận dữ trong khi điều đình, dù đối phương tỏ ra thiếu lịch sự hay nóng nảy với bạn. Nếu một trong hai người cảm thấy mình bị xúc phạm, muốn trả đũa là bản năng tự vệ trong họ bắt đầu thức dậy, cuộc thương lượng sẽ biến thành một cuộc khẩu chiến. Nên dừng lại vì chắc chắn sẽ không đi đến đâu.

Thứ ba. Nếu bạn thấy cuộc thương lượng như đi vào ngõ cụt, một trong hai người chỉ đòi hỏi thô lỗ, hoặc đùng đùng giận dữ, thì cách hay nhất là … rút quân. Bởi vì bạn không thể giải quyết vấn đề tại một thời điểm bất lợi như thế không có nghĩa rằng bạn sẽ không tìm thấy một giải pháp thông minh trong tương lai. Hôm sau, bạn sẽ ngạc nhiên về cơ hội làm lành khác mà bạn có thể nghĩ ra. "Rút quân" không chỉ có nghĩa là bỏ đi mà là chuyển đề tài tới cái gì đó thú vị để “đánh trống lảng”.
 

Phải tìm ra cái mà đối phương quan tâm

Bắt đầu đàm phán từ đâu? Trước hết bạn phải đi từ vấn đề mà người kia quan tâm. Muốn thế phải tìm cho ra nguyên nhân chính của sự xung đột và nhất là cần biết đối phương quan tâm tới cái gì  Trong nhiều trường hợp, chính họ cũng không biết thật ra họ muốn gì? Có khi đến lúc hiểu nhau rồi người ta sửng sốt nhận ra "Ôi chao, hoá ra chỉ có thế". Họ tìm ngay ra giải pháp và xung đột được giải quyết. Sẽ dễ hơn nhiều khi ta điều đình với ai mà biết rõ họ muốn gì. Còn không, ta sẽ gạt phăng yêu cầu của họ đi, khiến họ cảm thấy bị coi thường và thế là bùng nổ giận dữ. Trong khi làm lành chúng ta nên sẵn sàng nhượng bộ trước những yêu cầu của đối phương để đi đến một thỏa thuận chung. Trừ phi đó là điều không thể nhượng bộ.
 

Tháo gỡ mâu thuẫn một cách sáng tạo

Bạn đã tìm ra mối quan tâm của người kia, bây giờ bạn hãy sẵn sàng cho phần sáng tạo là tìm ra giải pháp mà bạn nghĩ sẽ làm cho cả hai hạnh phúc. Giải pháp này có thể không liên quan gì đến vấn đề mà các bạn đang mâu thuẫn. Chẳng hạn có một bộ phim hay đang chiếu rạp. Bạn có thể nghĩ ra cách mua đôi vé để vợ chồng cùng đi xem. Trên đường về, trong khi dư âm của bộ phim còn khiến tâm trạng cả hai hứng khởi, bạn có thể kêu khát nước và ngỏ ý muốn vào một quán giải khát nào đó. Biết đâu chính ở đó, cuộc hoà giải được kết thúc một cách hoàn hảo. Thử nhớ lại quá trình yêu nhau trước kia, chắc hẳn các bạn cũng có những phen giận dỗi nhưng hồi ấy sao bạn lắm sáng kiến thế, còn bây giờ bạn chỉ nghĩ đến một cuộc nói chuyện tay đôi thẳng thắn như cuộc họp hoặc như đưa nhau ra toà. Nếu bạn toàn tâm toàn ý với việc làm lành, chắc chắn bạn sẽ nghĩ ra những sáng kiến làm vui lòng cả hai. Bạn hãy sẵn sàng nhượng bộ với ý nghĩ: "Ta để cho họ làm cái mà họ muốn vào lúc này, họ sẽ để cho ta làm cái mà ta muốn lúc khác".

(Kiến thức gia đình số 40)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?