| Hotline: 0983.970.780

Thú vị nhà cổ đất võ

Nghe tiếng thời gian trong từng thớ gỗ

Thứ Năm 27/03/2014 , 09:59 (GMT+7)

Thú chơi nhà cổ ở Bình Định ngày càng rộ đã hình thành nên lớp thợ mộc thời nay chuyên ráp nhà xưa.

Hiện nay, ngoài một số người có ý thức gìn giữ di tích của tổ tiên, còn có không ít người hoặc không đủ điều kiện trùng tu những căn nhà cổ đang hư hỏng, hoặc được trả mua giá cao nên bán nhà xưa để xây nhà tân thời.

Nhà cổ về phố

Bây giờ, hình ảnh những ngôi nhà cổ mọc lên giữa phố xá không còn lạ mắt với người dân thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định). Đặc biệt, nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống ở thành phố này đang có xu hướng “cổ hóa” quán xá của mình để tạo nên nét riêng biệt nhằm thu hút khách.

Một trong những dịch vụ ăn uống tiên phong trong phong trào “cổ hóa” quán xá ở Quy Nhơn là quán cà phê Nhà Cổ ở khu tái định cư Hà Thanh (phường Đống Đa). Một ngôi nhà truyền thống 3 gian 2 chái có tuổi thọ xấp xỉ 150 năm, trước nằm ở huyện Tuy Phước giờ được gia chủ mua về dựng ở cuối nguồn sông Hà Thanh với vai trò mới là quán cà phê.

Sau khi được trùng tu, sửa sang lại, ngôi nhà trông khá nguyên vẹn nét cổ xưa với những cột kèo, trang thờ, liễn đối…

Anh Xuân Định, một khách hàng thường xuyên đến quán cà phê Nhà Cổ, tâm sự: “Không gian mà căn nhà cổ tạo ra rất yên bình, tôi luôn có cảm giác thanh thản khi ngồi uống cà phê ở đây. Đặc biệt, tôi thích sờ tay lên cây cột bóng loáng, mát lạnh để nghe tiếng thời gian trong từng thớ gỗ”.

Cũng để tạo ấn tượng cho thực khách, ông Nguyễn Văn Sinh, chủ quán điểm tâm - cà phê Anh Nhật Gia Viên nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Quy Nhơn) cũng đã trút hầu bao 2 tỉ đồng để mua 2 căn nhà cổ về dựng thành quán Anh Nhật Gia Viên. Ông Sinh nói: “Trong không gian cổ xưa, thực khách sẽ thấy ý vị hơn khi dùng những món ăn truyền thống như bánh canh, bánh xèo, bánh bèo…”.

Không may mắn như ông chủ của 2 ngôi quán nói trên là mua được những căn nhà cổ còn khá nguyên vẹn, ông Nguyễn Tấn Tài ở phường Đập Đá (TX. An Nhơn) phải rong ruổi khắp nơi, mua góp từng phần còn nguyên của nhiều căn nhà đã hư hỏng mới có thể dựng nên quán trà - cà phê Cổ Gia Qúy nằm trên QL1A thuộc địa bàn xã Cát Tân (Phù Cát).

14-31-59_anh-2Những quán cà phê nhà cổ xuất hiện nhiều tại Quy Nhơn

Ông Tài tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi đã thích những căn nhà xưa kiểu nhà lá mái này lắm rồi, nhưng lúc đó làm gì có điều kiện mà thực hiện. Vài năm trở lại đây, kinh tế khá lên một chút, lại mua được miếng đất tương đối rộng, tôi mới bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình. Từ năm 2003, tôi đã cất công đi khắp nơi để lùng mua nhà lá mái. Nghe đồn ở đâu có bán là tôi đến đó ngay, 2 năm sau mới đủ”.

“Hồi đó, tôi mua đến 5 căn nhà lá mái, giá 30-40 triệu đồng/căn, riêng nhà chính giá hơn 60 triệu đồng. Sau khi đem về, chọn ra những cây cột, vì kèo còn nguyên, ráp lại nhưng vẫn còn thiếu. Lại phải cất công đi lùng mua thêm những chi tiết nhỏ mới đủ để làm nên ngôi nhà 5 gian hiện đang mở quán này”, ông Tài nói.

Trong quá trình làm nhà, ông Tài phải “thỉnh” cho được bậc cao thủ trong nghề mộc làm nhà cổ là cụ Bốn Kỉnh, người làng Kiều Quyên ở xã Cát Tân (Phù Cát), một ngôi làng sản sinh nhiều thợ làm nhà lá mái.

Cụ Bốn Kỉnh là một trong số rất ít những thợ mộc xưa còn lại, đã trực tiếp chỉ đạo cánh thợ mộc thời nay lắp ráp nhà cho ông Tài. Chi tiết đã có sẵn, chỉ có lắp ráp phần mộc thôi mà đã ngốn hết gần hai năm trời.

“Tôi làm ngôi quán kiểu nhà cổ để vừa tạo ra không gian thư thái cho mình, vừa chia sẻ không khí yên bình với thực khách, cũng là cách gìn giữ một nét truyền thống của Bình Định đấy chứ. Mà ngẫm lại, tôi thấy mình đổ bấy nhiêu công sức cũng đâu có ăn nhằm gì so với ông bà mình hồi xưa. Lúc tôi đi lùng mua nhà, nhiều ông cụ kể rằng, xưa thợ làm nhà, ăn đu đủ vãi hạt ra, đến ngày hạt mọc lên thành cây, rồi lớn, đậu quả, ăn lần nữa mà nhà vẫn chưa xong. Vậy thì hai năm của mình nhằm nhò gì”, ông Tài chia sẻ.

14-31-59_anh-3
Ông Tài chăm chút nét xưa trong căn nhà cổ

Thợ nay làm nhà xưa

Thú chơi nhà cổ ở Bình Định ngày càng rộ đã hình thành nên lớp thợ mộc thời nay chuyên ráp nhà xưa.

Anh Phạm Văn Sáu ở xã Phước Hòa (Tuy Phước) vốn là thợ mộc tay ngang, từng sở hữu một căn nhà lá mái của tổ tiên để lại, do không chống đỡ nổi sức tàn phá của mối mọt nên căn nhà dần hư hỏng, anh Sáu đành phải bán cho một người mê nhà cổ ở Bình Định, đó là kiến trúc sư Nguyễn Thanh Trì. Sẵn nghề mộc trong tay, anh Sáu nhận luôn công đoạn tháo dỡ và lắp ráp lại căn nhà lá mái theo theo yêu cầu của vị kiến trúc sư.

Năm 1621, khi Christopher Borri đến Quy Nhơn để xây dựng nhà thờ, ông đã kinh ngạc khi được chứng kiến tay nghề điêu luyện của những người thợ bản xứ làm ngôi nhà thờ to lớn theo yêu cầu nghiêm ngặt của ông. Điều này đã được ông kể lại trong cuốn sách “Xứ Đàng Trong năm 1621”.
Kỹ thuật xây nhà mà C.Borri đã chứng kiến chính là loại kỹ thuật mà người ta dùng để làm nhà lá mái. Trong cuốn sách nói trên, ông C. Borri đã tỏ ra nể trọng kiến thức và tinh thần thi công nghiêm cẩn của những người thợ đất võ.

Nhận thấy tay nghề tháo ráp nhà cổ của anh Sáu khá cao, sau đó vài năm, kiến trúc sư Trì đề nghị hợp tác với anh trong công cuộc phục dựng nhà lá mái Bình Định. Ông Trì cho biết: “Tôi đảm nhiệm hướng dẫn chung về mặt kỹ thuật kiến trúc, còn việc phục dựng cụ thể thì hoàn toàn tin tưởng giao cho anh Sáu.

Đến nay, chúng tôi đã dựng được hàng chục căn nhà lá mái Bình Định có tuổi đời từ 80 - 100 năm ở trong và ngoài tỉnh. Một số căn nhà lá mái cổ được dựng lại công phu và có tính nguyên bản cao, như ở quán cà phê Nhà Cổ tại khu vực sông Hà Thanh, quán cà phê SVC trên đường Hùng Vương (Quy Nhơn)".

Những người mê nhà cổ có mục đích và yêu cầu đa dạng. Một số người muốn giữ đúng nguyên bản nhà lá mái xưa của Bình Định, có người muốn cách tân chút ít để phục vụ thú chơi. Có người lại yêu cầu vừa đảm bảo được cơ bản kiến trúc cổ, vừa có sự cách tân phù hợp để kinh doanh dịch vụ. Điều này đòi hỏi thợ làm nhà phải có tay nghề vững vàng, linh hoạt.

Anh Sáu tâm sự: “Sống trong nhà lá mái nhiều năm, tôi nắm bắt được kết cấu xây dựng và nhất là thấm đẫm được phần hồn của nó. Trong quá trình làm nghề, tôi cũng tìm tòi học hỏi thêm và tích lũy dần về kinh nghiệm.

Kỹ thuật xây dựng nhà lá mái Bình Định của cha ông ta độc đáo ở chỗ thoạt nhìn đơn giản, nhưng rất chắc chắn và tinh tế. Người thợ phải nghiêm cẩn trong việc thực hiện từng công đoạn. Trong quá trình tháo dỡ và dựng lại nhà lá mái phải nắm được nguyên tắc bộ phận nào dỡ sau cùng thì lắp lại đầu tiên và ngược lại”.

Anh Nguyễn Hữu Trí (46 tuổi) ở phường Bình Định (TX, An Nhơn), một thợ mộc trẻ, có máu mê làm nhà cổ nên đã có vài năm bỏ mặc xưởng mộc đang ăn nên làm ra của mình để đi theo nghề làm nhà lá mái, tâm sự: “Thợ làm nhà lá mái phải có tính kiên trì, phải giỏi về mực thước, nhất là khi làm mộng ngàm để khi ráp mới được sít sao. Tôi vốn tính nóng nảy, nhờ được trau luyện qua mấy năm làm nhà lá mái mà nay tính tình trở nên điềm đạm hơn”. (Hết)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm