| Hotline: 0983.970.780

Nghèo lại hoàn nghèo

Thứ Hai 11/10/2010 , 12:24 (GMT+7)

Thông tin sinh viên, học sinh nghèo (SVHS) không được vay vốn ưu đãi gần đây đã làm đau đầu không ít các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình nông dân chân lấm tay bùn.

Thông tin sinh viên, học sinh nghèo (SVHS) không được vay vốn ưu đãi gần đây đã làm đau đầu không ít các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình nông dân chân lấm tay bùn.

Vốn ngân hàng giờ đã “đóng cửa” đối với HSSV.

Phao cứu sinh...

Suốt mấy ngày hôm nay, ông Tròn (xã Hồng Thái, Việt Yên, Bắc Giang) suy nghĩ lung lắm. Hai thằng con trai học đại học trên Hà Nội, rồi đây chẳng biết lấy gì nuôi chúng ăn học, đóng học phí, chỉ vì mới sớm hôm qua, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện thông báo, gia đình không còn đủ điều kiện vay vốn.

Vắt chân chữ ngũ trên chiếc xe máy Tàu cũ kĩ, ông Tròn đăm chiêu, mắt nhìn xa xăm hệt như cảnh chàng trai thất tình trong phim Hàn Quốc. Cảnh ấy khiến ai cũng lạ. Mấy bà hàng rau, hàng cá ngồi bu xung quanh cứ dáo dác nhìn nhau, chẳng dám buông lời chòng ghẹo như mọi khi. Tính ông Tròn ruột để ngoài ra, suốt ngày nói cười phe phé. Khi rảnh rỗi, ông thường tếu táo đủ thứ chuyện trên trời dưới biển khiến “góc phố dịu dàng” này không bao giờ bặt vắng tiếng cười. “Sống chết có nhau” được mấy năm rồi thế nên một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, góc phố huyện bỗng dưng lặng ngắt.

Theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó TGĐ Ngân hàng CSXH Việt Nam, đến nay, đã có trên 1,9 triệu SVHS của trên 1,7 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay trên 24.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình tín dụng đối với SVHS. Theo kế hoạch trước đây, dự kiến đầu tháng 9/2010 có vốn giải ngân cho năm học này nhưng đến nay chưa có SVHS nào được vay.

Ông Tròn có tâm trạng thật. Nỗi buồn của ông xem ra còn lớn gấp vạn lần cái nỗi thất tình của mấy đứa trên phim Hàn Quốc. Tiền! Nó cứ như con ngoáo ộp, suốt đời bám theo, hù doạ. Đất chiêm chũng Việt Yên (Bắc Giang) quê ông, giờ đã ngút ngàn những khu công nghiệp. Người đi xa về trông thì sướng mắt lắm bởi cứ tưởng là làng quê mình đã đổi thịt thay da, đã rước được ấm no về đầy muôn lối. Nỗi buồn luôn dành cho người ở lại. Ngày trước, chưa có “công nghiệp hoá”, vợ chồng ông sớm tối cấy cấy mà chẳng lo thiếu đói.

Mấy năm nay, làng hoá phố rồi, ruộng vườn người ta lấy cả. Được đền bù chút tiền, ông sửa sang nhà, mua chút đồ dùng và nằm chờ… thần chết. Ông bảo, mình là nông dân, sống ở nông thôn thì biết gì máy với chẳng móc. Hơn nữa, đã quá tuổi để học nghề mới nên không thể như cánh trai làng, xung quân vào làm ở khu công nghiệp được. Vậy là cứ ngồi nhà xem ti vi, hát “ô-kê” mỏi mắt, mỏi mồm. Làng ông hoá “làng vui chơi, làng ca hát” lúc nào chẳng hay. Miệng ăn núi lở, số tiền đền bù trên chẳng mấy chốc mà nhẵn như chùi.

Quẫn càng thêm quẫn khi hai thằng con trai của ông chẳng chịu sống kiếp nông dân, chúng nó ăn ngô ăn sắn mà học hành sáng dạ. Rồi cả hai thằng, năm trước năm sau, đều đỗ đại học. “Nghèo thì vẫn phải cho thằng Tèo đi học”, ở làng ai cũng nói thế. Ừ thì bố mẹ nào lại cấm đoán cái sự học của các con, đành phải “nghiến răng” thôi. Thế nhưng, ngày trước có ruộng, có vườn thì còn có thứ để… nghiến, bây giờ “hai bàn tay trắng còn mơ ước gì!”. Vò đầu bứt chán suốt mấy đêm ròng, rồi có người mách nước đi vay tiền ngân hàng CSXH với lãi suất thấp để nuôi con, ông mừng như bắt được vàng…

Suốt cả 3 năm nay, thằng con trai lớn đã vào năm cuối trường Đại học Công nghệ (Đại học QG Hà Nội), thằng bé thì cũng vừa vặn năm thứ hai. Tương lai các con ông đang phơi phới phía trước. Vậy mà…

...Bị cắt

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Vinh ở Tân Yên, Bắc Giang còn “tấm thảm” hơn. Với 5 sào ruộng, xoay xỏa mãi mà vẫn không đủ sống, lại còn nuôi con trai đang học tại Thái Nguyên, ông Vinh bàn với vợ là ông sẽ đi làm phụ hồ để nuôi con, bà ở nhà cố gắng chăn con gà, lứa lợn để bù đắp những khoản thiếu hụt lớn khi nó “đòi” tiền học phí. “Năm 2008 con tôi thi đậu Trường ĐH Thái Nguyên, được Ngân hàng CSXH duyệt cho vay 32 triệu đồng để đóng học phí trong bốn năm. Ngân hàng đã giải ngân được 16,6 triệu đồng cho tôi gửi con đóng học phí hai năm vừa rồi. Nhưng hôm nọ tôi đến làm thủ tục giải ngân năm thứ ba thì bị ngân hàng từ chối. Lý do là nhà tôi không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo”, ông Vinh than thở.

Nhiều hộ nông dân hết cơ hội vay vốn cho con em ăn học.

Cầm tờ thư của mẹ trên tay, Thu Thủy, SV Trường ĐH Kinh tế (ĐH QGHN) lòng quặn thắt. Thương mẹ, thương em và lo cho chính tương lai của mình khiến cô bé ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” rầu rĩ, nhìn thật tội.

Nhà Thủy ở Quảng Xương, Thanh Hóa, vốn có ba chị em gái, bố lại mất sớm, mẹ thì suốt ngày đầu tắt mặt tối với mấy sào ruộng, ngay từ cuối cấp III, Thủy đã tự nhủ với lòng mình là phải học thật giỏi, sau này kiếm thật nhiều tiền để cho mẹ và em đỡ khổ. Đậu ĐH Kinh tế, cô bé khăn gói quả mướp xuống Hà Nội học. Vừa bước vào năm thứ 3 được vài hôm, thì nhà trường “có trát” yêu cầu đóng học phí, Thủy tức tốc biên thư cho mẹ “chuyển khoản” số tiền vay từ Ngân hàng CSXH Quảng Xương để nộp học. Nhưng 1 tuần sau, khi biết được “hung tin”, thì nỗi sợ hãi, thất vọng của Thủy tăng lên. Và cô bé cũng chưa biết tương lai mình sẽ thế nào, bởi không có tiền đóng học, nhà trường sẽ chẳng cho thi học kỳ.

Còn bạn Nguyễn Văn Trường, SV năm cuối ĐH Bách khoa Hà Nội, quê Nam Trực, Nam Định, cho biết: “Hai năm trước cháu được vay vốn từ chương trình tín dụng đào tạo. Tuần trước, cháu đã gửi giấy xác nhận của trường về cho mẹ liên hệ ngân hàng xin vay vốn tiếp nhưng không được giải quyết nữa”. Không những các SV lo lắng mà áp lực đóng học phí còn đè nặng lên đôi vai các bậc cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn bị từ chối cho vay vốn. “Lát nữa tôi phải đi vay nóng lãi suất khoảng 12% gửi lên cho con đóng học phí chứ hết cách rồi”, ông Vinh buông tiếng thở dài rồi đạp xe ra về “Nếu biết ngân hàng không cho vay vốn như thế này, tôi đã không cho con đi học đại học”. Ngay chiều hôm đó, vợ chồng ông Vinh tức tốc chia nhau đi hỏi vay tiền bên ngoài để gửi lên cho con vì “ngày nào nó cũng gọi điện về xin tiền đóng học phí”.

Cửa đã đóng

Nếu làm một phép so sánh, số tiền 5.000 tỷ đồng để cho hàng trăm nghìn con em gia đình khó khăn được đến trường là quá nhỏ so với 80.000 tỷ đồng mà tập đoàn Vinashin làm ăn thua lỗ. Hơn nữa SV vay để học tập, rồi sẽ hoàn trả số tiền vay sau khi đi làm.

Xin nêu lại ý kiến của Ngân hàng CSXH Việt Nam: Từ năm học 2010-2011, cơ quan này chỉ cho SVHS diện khó khăn vay vốn học tập một lần, tối đa 12 tháng. Những trường hợp đã vay rồi thì không được vay nữa. Lý do những SV thuộc diện khó khăn không được tiếp tục vay vốn là thực hiện theo Công văn số 2287/NHCS-TDSV ngày 16/9 của TGĐ Ngân hàng CSXH Việt Nam. Công văn này hướng dẫn một số điểm theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về chương trình tín dụng đối với HSSV, theo đó sẽ siết chặt hơn đối tượng vay không thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Đã đành, việc siết chặt vốn vay là nhằm bảo toàn đồng vốn Nhà nước, không để thất thoát. Tuy nhiên, trong thu thập tài liệu để hoàn thành bài viết này, tôi có dịp được ngồi tâm sự với một bạn trẻ đã ra trường, và từng là “con nợ” của Ngân hàng CSXH. Bạn trẻ này cho biết đã ra trường được 1 năm và hiện đang công tác ở một DN có vốn đầu tư nước ngoài. Vừa làm vừa học, vừa lo trả nợ nên cuộc sống cũng còn không ít khó khăn. “Năm 2009 tôi ra trường và bắt đầu lo hoàn trả số nợ đã vay. Lúc tôi vay thì không có quy định là hộ nghèo và cận nghèo mới được vay vốn. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng hiểu được hộ cận nghèo là như thế nào? Mẹ tôi bán từng ly sữa đậu nành để nuôi một đứa đang học cao đẳng, một đứa sắp vào đại học. Thế mà nhân viên phụ trách xác nhận gia cảnh của sinh viên lại bảo rằng gia đình tôi không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo?”.

Đúng là cực chẳng đã, những gia đình nông dân mới “gõ cửa” ngân hàng. Trước đây, “cửa” này đã từng mở, giờ thì lại đóng chặt. Công văn của TGĐ Ngân hàng CSXH đã làm cho bao gia đình nông dân lại một lần nữa rơi vào cái vòng luẩn quẩn: vay nóng để đóng học phí cho con và khi không thể lo được nữa thì giải pháp cuối cùng là cho con nghỉ học.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm