| Hotline: 0983.970.780

Nghi án đạo văn - trước nhất tác giả phải tự chứng minh

Thứ Sáu 23/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Nhà thơ Phạm Khải thẳng thắn chia sẻ: Khi gặp tình huống đạo văn thì trước tiên chúng ta phải trên tinh thần “trọng chứng hơn trọng cung”./ Đạo thơ phải ứng xử thế nào

NGHI ÁN ĐẠO VĂN - TRƯỚC NHẤT TÁC GIẢ PHẢI TỰ CHỨNG MINH

Nhà thơ Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân cho rằng, trước nhất, tác giả phải tự chứng minh được căn cước tác phẩm của mình khi bị nghi đạo văn. Mọi chứng cứ trước nhất phải được khẳng định bằng văn bản tác phẩm.

Nhà thơ Phạm Khải kể lại một kỷ niệm, khoảng năm 2002, trên Tạp chí Non Nước có đăng chùm thơ của một tác giả cao niên cũng họ Phạm.

Giữa hai bài thơ theo lối cổ của người cao tuổi là bài thơ “Kim giờ kim giây” hết sức trẻ trung của anh: “Kim giờ làm khổ kim giây/ Em đi một bước, anh quay trăm vòng/ Muốn làm kim phút cho xong/ E khi giáp mặt, chuông lòng lại kêu”, nhưng lại đề tên bậc trưởng lão kia.

Anh liền điện thoại cho nhà thơ Thanh Quế khi đó phụ trách Tạp chí Non Nước, đề nghị xem lại qui trình chọn thơ thế nào mà lại để xảy chuyện nhầm lẫn tác giả như vậy (bài thơ nói trên của Phạm Khải được in lần đầu trên Báo Tiền phong vào năm 1988). Số sau, Tạp chí Non Nước có gửi lời xin lỗi và đính chính tác giả bài thơ đó là nhà thơ Phạm Khải.

Trò chuyện với Phạm Khải giữa lúc văn đàn đang ồn ào chuyện đạo thơ, tôi có đùa rằng, biết đâu một ngày đẹp trời, có một ai đó cũng thú sưu tầm như tôi, vô tình đọc được bài thơ “Kim giờ kim giây” trên Tạp chí Non Nước mà không kịp đọc số đính chính sau đó và vội vã tung ngay lên facebook “tố cáo” nhà thơ Phạm Khải đạo thơ thì anh xử lý thế nào? Tất nhiên, nhà thơ Phạm Khải không thể lấy lý do mình là tác giả thành danh trong văn chương để át vía một cụ già thôn quê. Còn nếu cứ thuận theo tuổi tác mà nói, chắc chả hiếm trường hợp nhiều người sẽ ngả theo hướng bênh vực bậc lão niên kia mới chính là tác giả.

Nhà thơ Phạm Khải thẳng thắn chia sẻ: Khi gặp tình huống đạo văn thì trước tiên chúng ta phải trên tinh thần “trọng chứng hơn trọng cung”.

Bài thơ “Kim giờ kim giây” của anh viết ngày 31/10/1987, đã đăng báo từ năm 1988. Từ đó đến nay đã được in lại tới cả trăm lần, được đưa vào nhiều tập tuyển thơ, tự việc đó đã nói lên tất cả.

Vấn đề là khi phát hiện thấy sự việc “bất thường”, các nhà báo nếu muốn lên tiếng hãy liên hệ với người “trong cuộc” (tức người có liên quan) để họ cung cấp bằng chứng, rồi sau đó muốn suy xét gì thì suy xét.

Anh không tán thành ý kiến khi cho rằng có bản thảo để ở đâu đó đã thất lạc hoặc có ai đó là nhân chứng đã nhớ rằng bài thơ đó được đọc hay được chép lại. Bởi vậy, dưới mỗi tác phẩm của mình, dù là thơ hay phê bình, tiểu luận, thậm chí cả các bài báo, khi được in thành sách hầu như bao giờ anh cũng đề rõ ngày viết cũng như tên tờ báo đã đăng và ngày ra báo.

Một khía cạnh khác cũng được anh chia sẻ, đó là các tác giả nên đăng ký bản quyền với các đơn vị chức năng của Nhà nước để được bảo hộ khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tác phẩm đó đã được xuất bản thành văn, khi đó, người có công sinh thành thực sự tác phẩm mới không phải gặp cảnh trớ trêu là cầm dao đằng lưỡi!

Liên quan đến câu chuyện thời sự văn chương đang diễn ra, ngày 21/10/2015, nhà thơ Phan Huyền Thư đã viết thư gửi đến nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan với lời xin lỗi, đồng thời khẳng định chính thức tiêu hủy bài thơ "Bạch lộ" trong các lần ấn bản, tái bản sau này, “để từ nay trong gia tài văn học Việt Nam chỉ còn tồn tại một bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan đã từng xuất bản trong tập thơ “Đếm Cát” năm 2003 mà thôi”.

Nhà thơ Phan Huyền Thư cũng khẳng định đây là lời xin lỗi dành riêng cho nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Lý do được tác giả tập thơ “Sẹo độc lập” đưa ra là: “Vì tôi hiểu chị vẫn cảm thấy bị tổn thương khi đọc lời xin lỗi đó, tôi thừa nhận “Bạch lộ” là bài thơ ra đời sau bài thơ “Buổi sáng” của chị”.

Theo nhà thơ Phạm Khải, lời xin lỗi của nhà thơ Phan Huyền Thư vẫn có điều gì đó gờn gợn, chưa ổn, vẫn tạo cảm giác Phan Huyền Thư “gặp nạn” vì bài thơ của chị ra đời sau bài thơ của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Và chỉ như vậy mà thôi.

“Chúng ta đều biết, sáng tạo nghệ thuật là dấu ấn cá nhân của mỗi tác giả. Các nhà thơ có thể trùng nhau ở những câu thơ mang tính thông tin, hoặc thể hiện nguyện ước thông thường nào đó của mình (ví như trường hợp câu thơ của Phan Huyền Thư giống câu thơ của Du Tử Lê mà dư luận mổ xẻ cách đây ít hôm), nhưng sự giống nhau ấy cùng lắm chỉ là một câu thôi chứ như trong trường hợp bài “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan và bài “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư thì không thể chấp nhận được. Trong thực tế không bao giờ có sự vô tình trùng lặp đến như thế”, nhà thơ Phạm Khải nhận định.

“Nhà thơ Phan Huyền Thư một khi đã lên tiếng xin lỗi thì phải xin lỗi thực lòng, không phải chỉ là để tránh búa rìu dư luận. Nghĩa là mình đạo văn thì phải nhận là đạo văn, đừng quanh co, dùng cách nói uốn éo để che lấp sự thật. 

Tất nhiên, đây là một điều cực chẳng đã đối với một người viết, bởi thừa nhận mình đạo văn tức là thừa nhận cả phần khuyết thiếu về tài năng lẫn tư cách đạo đức nghề nghiệp. Nhưng biết làm sao một khi tự mình gây họa cho mình. 

Việc nhà thơ Phan Huyền Thư xin lỗi thực lòng, trong bối cảnh hiện nay sẽ làm “gọn” vấn đề hơn, chí ít là nếu nó không “được” hơn cho Phan Huyền Thư thì cũng tránh gây cho đồng nghiệp của mình - cụ thể ở đây là nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan một sự tổn thương không cần thiết. Phan Huyền Thư rất nên làm điều đó và phải có trách nhiệm làm điều đó”, nhà thơ Phạm Khải. 

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất