| Hotline: 0983.970.780

Nghị định 210 - Kỳ vọng nhiều, hiệu quả rất thấp!

Thứ Tư 06/09/2017 , 07:25 (GMT+7)

Mục đích tốt đẹp, tuy nhiên sau gần 4 năm có hiệu lực, Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210) gần như không tạo được hiệu quả đáng kể nào.

18-21-47_nh_1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì hội thảo

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ KH-ĐT đã được Chính phủ giao lấy ý kiến để trình Chính phủ sửa đổi nghị định này trong tháng 9/2017. Nhằm có thêm đóng góp để dự thảo sửa đổi nghị định sát hơn với thực tiễn, ngay 5/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội thảo cùng đông đảo các nhà quản lí, nhà hoạch định chính sách và các DN cùng đánh giá những tồn tại, đưa ra các quan điểm, chính sách cụ thể để sớm có nghị định mới thay thế Nghị định 210.
 

Muốn tiếp cận, phải qua 16 bước, 40 văn bản liên quan

Đánh giá về tình hình triển khai Nghị định 210, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng, nhưng nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thực tiễn của quá trình triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói riêng và cơ cấu lại nền kinh tế nói chung.

Qua gần 4 năm có hiệu lực, đến nay, cả nước mới chỉ có 64 dự án tại 23 địa phương nhận được hỗ trợ từ nghị định. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đều thống nhất chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến nghị định này không đi được vào cuộc sống, đó là cơ chế bố trí nguồn vốn ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách thấp và giải ngân chậm.

Cụ thể, nghị định tập trung vào hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư, phần lớn hỗ trợ cơ sở hạ tầng 3 - 5 tỷ đồng/dự án. Giai đoạn 2015 - 2017, ngân sách Trung ương chỉ có thể cân đối hỗ trợ 379,5 tỷ đồng cho 64 dự án tại 23 địa phương (gồm 24 dự án dự án chăn nuôi; 40 dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản) với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng (tỷ lệ vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 5,9%).

Trong khi đó về nguồn vốn ngân sách địa phương, theo báo cáo đến hết ngày 30/9/2016, các địa phương đã cam kết hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều địa phương tổ chức thực hiện chậm, thiếu quyết liệt, chưa dành ngân sách để thực hiện chính sách.

"Chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp phải tạo được môi trường để thúc đẩy chứ không thể lấy đâu ra ngân sách nhà nước để cho DN. Cả nước hiện có tới gần 5.000 DN trong nông nghiệp, mỗi DN chỉ cần một dự án đầu tư thôi, nhà nước hỗ trợ 3 - 5 tỉ đồng/DN thì cần tới 25.000 tỉ đồng. Thử hỏi ngân sách ấy lấy đâu ra? Thay vì cách hỗ trợ thiếu thực tế này, chỉ cần miễn thuế cho các DN khi đầu tư vào nông nghiệp là được rồi. DN nông nghiệp bây giờ cũng phải nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, rồi cả thuế thu nhập cá nhân, họ lấy sức đâu ra để phát triển?" - Ông Trần Mạnh Báo, TGĐ Cty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình.

Bên cạnh đó, đối tượng, điều kiện được thụ hưởng chính sách hạn hẹp khắt khe; thủ tục hành chính quá rườm rà được xem là những nguyên nhân khiến nghị định này gần như thất bại hoàn toàn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký thay mặt Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Qua rà soát ở các địa phương, DN phải thực hiện tới khoảng 16 bước, với gồm khoảng 40 văn bản có liên quan mới triển khai được dự án đầu tư và nhận được hỗ trợ theo chính sách của Nghị định 210. Trong đó, khó khăn nhất là thủ tục hành chính (xây dựng, đất đai, môi trường, hỗ trợ đầu tư…), như xin chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng…, và đặc biệt là các “giấy phép con”.

Cũng theo ông Ngọc, điều kiện được thụ hưởng chính sách của nghị định khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên DN khó tiếp cận chính sách.

Ví dụ, để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; phải sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương…

Trên thực tế, hầu hết các dự án rất khó đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên 2 lần; DN phải sử dụng cả nguyên liệu của các địa phương khác và lao động tại địa phương chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chuyên môn, tay nghề để làm việc.
 

Thay đổi tư duy để tránh “vết xe đổ”

Tại hội thảo, nhiều đại biểu là các DN cho rằng, quá trình sửa đổi Nghị định 210, phải thay đổi cách tư duy trong chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp để tránh lặp lại sai lầm của Nghị định 210.

Nhất là gắn được cơ chế, chính sách về vốn và đất đai để tạo hành lang pháp lí cho không chỉ DN mà còn cả các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào nông nghiệp.

18-21-47_dscf3391
Việc sửa đổi Nghị định 210 được kỳ vọng sẽ tiếp thêm luồng gió mới cho DN đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới

Đồng tình với đề xuất của Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng GĐ Tập đoàn FAN cho rằng, sở dĩ Nghị định 210 không thể đi vào cuộc sống, có nguyên nhân chính từ cách tiếp cận. Theo đó, Nhà nước chỉ nên kiến tạo nguồn lực là chính, nhất là ưu tiên về chính sách ưu đãi thuế chứ không nên đi vào hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách. Theo đó, việc hỗ trợ bằng tiền mặt chỉ nên thực hiện đối với các DN nhỏ, DN mới khởi nghiệp hoặc đa dạng hơn các thành phần được hưởng lợi, bao gồm cả các hộ SX chứ không chỉ mỗi DN.

“Việc hỗ trợ cho các DN nhỏ, DN khởi nghiệp cần phải hết sức đơn giản về thủ tục và điều kiện. Đối với các DN, tập đoàn đầu tư lớn, việc nhận hỗ trợ đầu tư 3 - 5 tỉ đồng như Nghị định 210 trước đây chẳng bõ bèn gì, trong khi thủ tục hành chính quá trời”, vị này nêu ý kiến.

Cũng theo ông Hải, muốn thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, chính sách đất đai phải được đi kèm khi sửa đổi Nghị định 210. Theo đó, phải có chính sách cụ thể để đẩy mạnh việc tích tụ và tập trung đất đai, nhất là tạo điều kiện “đất sạch” cho DN trên cơ sở các hình thức liên kết với nông dân và các HTX. Bên cạnh đó, phải hình thành được thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp và DN phải được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gồm cả đất lúa. Đồng thời, nên xóa bỏ hạn điền, thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất.

Tới dự và kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực đầu tư của các DN vào nông nghiệp trong thời gian qua. Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thu thập các ý kiến đóng góp sau hội thảo để hoàn thiện nội dung trước khi trình Chính phủ thông qua để Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 210 thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống.

“DN vẫn được xác định là chủ thể dẫn dắt trong liên kết giá trị chuỗi trong nông nghiệp Việt Nam. Nghị định sửa đổi cho Nghị định 210 phải tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế. Trong đó, nút thắt nhất là cách tiếp cận cơ chế về tín dụng và chính sách đất đai. Đó là tích tụ ruộng đất, tài sản trên đất. Đồng thời, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, nhất là về thủ tục hành chính không gây khó khăn phiền hà. Đồng thời, sẽ tiếp tục phân cấp và minh bạch không để trục lợi về chính sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng về chính sách đất đai, cần tập trung đất đai theo hình thức các hộ dân tự liên kết trong tổ hợp tác, hay HTX; DN liên kết với nông dân và với HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại; Nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho DN thuê đất.

Để hạn chế mặt tiêu cực của tích tụ, tập trung đất đai, Nhà nước cần đề ra các điều kiện để chọn được các DN có nhu cầu thật sự, có tiềm lực kinh tế, nhằm tránh hiện tượng “tích tụ, tập trung trá hình”, khi tích tụ đất thì đưa ra mục đích làm nông nghiệp nhưng sau một thời gian thì chuyển mục đích sử dụng sang làm thương mại…

Theo đó, phải tuân thủ quy hoạch sử dụng đất một cách triệt để. Đất đã dành cho nông nghiệp thì không được chuyển sang mục đích khác. Vì vậy, phải tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế thấp nhất các tiêu cực.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm