| Hotline: 0983.970.780

Nghĩ mình phương diện quốc gia: Chuyện tóc tai của tổng thống Mỹ

Thứ Hai 03/11/2014 , 08:20 (GMT+7)

Nguyên thủ là bộ mặt của quốc gia, nên ngoài chuyện đi lại, phát ngôn, gặp gỡ chính trị, vấn đề ăn mặc, tóc tai… cũng được xem trọng không kém. Và nhiều rắc rối cũng tư đây phát sinh.

Hồi năm 2012, báo chí đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn thường xuyên cho gọi thợ cắt tóc riêng của mình từ Chicago về thủ đô Washington (cách đó khoảng 1.000km theo đường chim bay) hai tuần một lần để cắt tóc cho ông. 

Theo một đài phát thanh của Đức, Zariff, thợ cắt tóc cho ông Obama trong 17 năm phải bay tới Washington D.C và thêm một lượt bay về, vé khứ hồi có giá 300 USD và số tiền cả năm là 7.200 USD.

imge001142707902
Obama và anh thợ Zariff

“Đệ nhất phó cạo”

Báo MailOnline của Anh đã phỏng vấn Zariff, người không xác nhận cũng không bác bỏ chuyện cắt tóc cho tổng thống hay ngài tổng thống tự bỏ tiền ra trả vé máy bay hay lấy tiền thuế của dân để thanh toán. “Chúng tôi đảm bảo rằng ông ấy (Obama) luôn có vẻ ngoài hoàn hảo”, Zariff nói với MailOnline.

"Tổng thống trả tôi 21USD mỗi lần cắt tóc, như mọi người”, Zariff nói. “Chúng tôi không quan tâm anh là ai, anh nổi tiếng thế nào. Mọi người đều có giá như nhau”.

Zariff nói với đài phát thanh Tagesschau (Đức) rằng máy bay của tổng thống đưa ông từ Chicago lên thủ đô, cứ khoảng 10 hay 14 ngày/lần.

Zariff không nói tổng thống có hay ghé thăm cửa hàng của ông không nhưng nói có nhiều khách hàng muốn tổng thống làm thế. “Trong ca-ta-lo của cửa hàng, có cả “kiểu đầu Obama” để khách lựa chọn”.

Ông thợ cắt tóc lưu giữ chiếc ghế mà Obama từng ngồi cắt trong tủ kính chống đạn. 17 năm trước, một người Mỹ da đen đầy tham vọng bước vào một cửa hiệu cắt tóc, tìm người đàn ông lớn tuổi hơn từng cắt tóc cho anh và được biết ông đã nghỉ hưu. Người thợ thay thế ông già ngồi trên ghế đọc báo. Anh thanh niên hỏi: “Này, ông có bận gì không?”. Và từ đó bắt đầu mối quen biết giữa Obama và anh thợ cắt tóc, nay có biệt danh “Đệ nhất phó cạo”, kiểu như “Đệ nhất phu nhân” vậy.

Vẫn cư trú ở Chicago, Zariff tiếp tục phục vụ tại hiệu cắt tóc, sửa sang sắc đẹp cho khoảng 100 người mỗi ngày gồm cả đàn bà lẫn đàn ông. Mặc dù không thể tiết lộ khi nào ông ta cắt tóc cho tổng thống hoặc tần suất ra sao vì đó là vấn đề an ninh quốc gia, Zariff nói với phóng viên tạp chí Essence về chuyện đời sống của mình thay đổi như thế nào kể từ khi ông khách nổi tiếng nhất chuyển đến Washington D.C làm tổng thống.

“Năm 2004, một hôm ông Obama đến cửa hiệu cắt tóc của tôi (lúc này Obama là thành viên thượng viện bang Illinois - PV) và nói sẽ diễn thuyết tại Đại hội của đảng Dân chủ vào tối hôm đó”, Zariff kể. “Tôi phải làm sao để ông ấy có vẻ ngoài sắc sảo. Thời điểm đó tóc ông Obama dài hơn và hơi xoăn. Tôi cắt ngắn bớt, chỉnh sửa các chi tiết của hai bên mai, gáy và cổ. Tôi muốn chúng trông tự nhiên hơn”.

Zariff là một trong số những người chứng kiến ông Obama từ lúc gần như vô danh trở thành nổi tiếng khắp thế giới và vẫn giữ được mối quan hệ cũ. “Bây giờ, khi tôi gặp ngài tổng thống, câu chuyện giữa chúng tôi cũng giống như câu chuyện bao người đàn ông bình thường vẫn nói với nhau”.

Dù vậy, chuyện tóc tai của ông Obama cũng trở thành đề tài đàm tiếu của nhiều tờ báo bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn mà chi tiền cho thợ cắt tóc bay cả ngàn cây số. Thêm vào đó, nhiều nguồn thông tin cho rằng chi phí đi lại của Zariff được tính vào “chi phí của tổng thống”, có nghĩa là tiền thuế của dân. Nhà trắng không bác bỏ điều này khiến nhiều người tin đó là thật.

Đóng cửa sân bay đợi thợ cắt tóc

Không chỉ ông Obama rắc rối với tóc tai, hồi còn làm tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton cũng gặp chuyện tương tự. Báo New York Times một tả việc xảy ra năm 1993 là “lần cắt tóc đắt giá nhất lịch sử”.

Lần đó, hai trong bốn đường băng của sân bay quốc tế Los Angeles phải đóng cửa trong gần một giờ, một số chuyến bay bị trễ trong khi Không lực một - chiếc Boeing 747 màu xanh quen thuộc của tổng thống Mỹ vẫn đậu trên đường băng, máy vẫn đang nổ. Tất cả chỉ để đợi thợ làm tóc của tổng thống là Cristophe, đến kịp và sửa sang tóc tai cho ông Clinton trước khi ông bay đi Washington. Cristophe nổi tiếng ở Hollywood, chuyên làm tóc cho các diễn viên hàng đầu.

Và trong buổi họp báo sau đó do Nhà Trắng tổ chức, tràn ngập các câu hỏi liên quan đến chuyện cắt tóc vừa kể. Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng George Stephanopoulos đã phải cố công giải thích vì sao ngài tổng thống lại phải cho đóng cửa một trong những sân bay nhộn nhịp nhất nước chỉ để cắt tóc cho mình.

Các phát ngôn viên của Ủy ban hàng không liên bang, được hãng AP trích thuật, nói trong khi Không lực một còn trên đường băng để tổng thống cắt tóc, nhiều máy bay đã phải bay lòng vòng trên trời bởi hai đường băng bị đóng. Nhà Trắng chống chế rằng mật vụ đã không yêu cầu phải đóng đường băng. “Ai chẳng phải cắt tóc”, giám đốc truyền thông Stephanopoulos nói. “Tôi nghĩ tổng thống thường cắt tóc vào thời điểm nào đó trong tuần. Việc này diễn ra ở nhiều nơi. Các bạn biết đó, tổng thống có lịch làm việc rất dày và ông ấy chỉ muốn tranh thủ thời gian. Đó là lúc chúng tôi có thể bố trí cho tổng thống cắt tóc”.

Vậy ai trả tiền cắt tóc? “Tổng thống và gia đình có hợp đồng cá nhân với thợ cắt tóc Cristophe để chi trả những thứ này”, Stephanopoulos nói. “Họ trả tiền cho cả nhà”.

Tuy nhiên, một phóng viên hỏi ngay: “Với vụ cắt tóc đắt giá này, liệu ông Clinton có còn là tổng thống của dân thường nữa không”. “Hoàn toàn còn”, Stephanopoulos trả lời. “Nếu anh xem xét các gói chính sách kinh tế của tổng thống, có một gói được thiết kế để thực sự đem lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu chiếm đa số ở Mỹ. Và đó là điều quan trọng”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất