| Hotline: 0983.970.780

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu:

Nghị trường không phải showbiz, mong các nhà báo đừng làm 'biến dạng' phát ngôn của chúng tôi

Thứ Năm 21/06/2018 , 15:07 (GMT+7)

Là con trai của GS Nguyễn Lân Dũng (ĐBQH khóa X, XI, XI), ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã ghi dấu ấn trong lòng cử tri, dư luận với những phát biểu thẳng thắn tại nghị trường Quốc hội. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đã dành cho báo Nông nghiệp Việt Nam một cuộc trò truyện thú vị.

Học nhiều điều từ bố - GS Nguyễn Lân Dũng

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, anh có thể chia sẻ về điều mình hài lòng nhất cũng như trăn trở nhất về kỳ họp?

Trên cương vị của một ĐBQH, thì đây mới là kỳ họp thứ 5 tôi tham dự, nhưng tôi đã thấy có cả những điều hài lòng và những điều nuối tiếc.
Điều tôi hài lòng nhất đó là việc Quốc hội quyết tâm cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã khiến cho bầu không khí nghị trường thay đổi theo hướng sôi nổi, thẳng thắn hơn hẳn so với các kỳ họp trước. Tôi mừng vì thấy những tấm biển giơ lên xin tranh luận nhiều hơn, cách trả lời chất vất của các Bộ trưởng cũng đi thẳng vào vấn đề hơn. Điều này cho thấy đó là một hướng đi đúng của Quốc hội.

1-74420123126641
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu

Nhưng điều tôi buồn nhất là đã không đủ thời gian để các đại biểu thể hiện hết chính kiến. Riêng tôi trong kỳ họp này, phải có ít nhất 3 lần đăng ký mà không được phát biểu, hai lần chất vấn nhưng không được trả lời trực tiếp mà chỉ được đọc câu hỏi.  Do đó, tôi nghĩ cần có thêm thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Và nếu được, các phiên thảo luận hội trường nên rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu được tham gia góp ý, thảo luận trong 5 phút thay vì 7 phút như hiện nay. Nếu thời gian ngắn lại, đại biểu sẽ tập trung vào vấn đề chính để Quốc hội dễ tiếp thu cũng như dễ tranh luận hơn.

Nếu nghiệp vụ chuyên môn là bác sĩ, gắn với những ngày tháng trong phòng phẫu thuật thì công việc của một nghị sĩ dường như hoàn toàn khác hẳn… Anh thấy việc nào khó  hơn? Làm sao để vừa làm tốt vai trò của một bác sĩ, người quản lý và là một nghị sĩ?

Cũng may là đây là kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ nên tôi cũng phần nào “thích ứng” với hoàn cảnh. Mỗi khi kỳ họp diễn ra, tôi thường phải dậy từ 5h sáng, đến cơ quan làm việc lúc 5h30. Khám chữa bệnh, phẫu thuật, can thiệp cho bệnh nhân đến 7h30, rồi vội vàng đến hội trường họp. 11h30 quay trở lại cơ quan tiếp tục những công việc còn dang dở đến 13h30.

Hầu như thời gian Quốc hội họp tôi ăn trưa bằng bánh mỳ hay mì ăn liền cho nên đó cũng là căng thẳng đối với tôi giai đoạn đầu.  Nhưng giờ thì quen rồi, tôi đã thu xếp được. 

Nghề của tôi là bác sĩ, với 22 năm gắn bó với những ca phẫu thuật. Thành ra tôi quá quen với công việc của một bác sĩ, đối với tôi vào phòng phẫu thuật như trở về căn phòng thân thuộc, như nhà của mình.

Còn với công việc của một ĐBQH, tôi không tránh khỏi những khó khăn. Bình thường tôi đi giảng bài khắp nơi trên thế giới, không bao giờ tim tôi đập nhanh cả, nhưng phát biểu trước nghị trường, trước 500 con người cộng với máy quay truyền hình, hàng trăm cơ quan báo chí, hàng triệu cử tri đang dõi dõi, những buổi đầu tiên tôi rất hồi hộp. Thậm chí tôi bị nói lắp, nói vấp, giọng run hay nói nhanh quá, chậm quá. Đó cũng là một kinh nghiệm cần có trong cuộc sống. Giờ thì tôi đủ tự tin để tranh luận như những nghị sĩ có thâm niên bởi vì tôi học được rất nhiều từ những người đi trước…

Trong đó có người bố của mình, GS. Nguyễn Lân Dũng?

Tất nhiên rồi. Thực ra tôi ít có thời gian nói chuyện với ông lắm vì hai người đều rất bận. Ông đi suốt và tôi cũng đi suốt. Chỉ có bữa ăn thì thỉnh thoảng bố con mới gặp nhau (chắc tuần 2 lần). Trong hai  bữa ăn ấy lần nào chúng tôi cũng nói chuyện với nhau về những vấn đề xã hội cũng như bình luận về phát biểu của tôi trước Quốc hội cũng như trên báo chí. Ông cũng đóng góp cho tôi nhiều ý kiến và ngược lại, chính tôi cũng cung cấp thêm cho ông thông tin. Nên khi ông được mời đi nói chuyện ở các tỉnh, chính những thông tin ấy lại giúp ông có thêm từ liệu để có thể trình bày cho nhân dân, cử tri.

Ông có bao giờ chỉ trích anh và nhận xét nào của ông khiến anh cho rằng mình cần phải sửa?

Bố chưa bao giờ chỉ trích tôi, ông chỉ nói một câu duy nhất mà tôi luôn nhớ: “Con phải bình tĩnh lắng nghe khi người khác phát biểu. Và cũng phải bình tĩnh quan sát thái độ của họ khi mình phát biểu. Nghị trường chính là một xã hội thu nhỏ, không thể coi Quốc hội là một nhóm người giống hệt nhau về tính cách như trong bệnh viện của con. Vì trong bệnh viện mọi người có cùng trình độ, học vấn nhưng trong Quốc hội là tập hợp của nhiều nghề nghiệp, nhiều trình độ do đó con phải biết lắng nghe”.

35493861-1108137875992938-1708288585892888576-n123129946
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong một lần khám bệnh

Lắng nghe không phải để chúng ta rút lại quan điểm của mình mà lắng nghe để tìm cách diễn giải để người ta thực sự hiểu ý của mình. Ông nói vậy, tôi hiểu ý và cố gắng sửa những điều mà ông, một người đi trước truyền dạy.
 

Nếu không phát ngôn, chúng ta làm ĐBQH để làm gì?

Qua theo dõi các phiên thảo luận, trong số các ý kiến của anh chỉ duy nhất vấn đề về bạo hành nhân viên y tế được Quốc hội ghi nhận sau đó được bổ sung trong Luật hình sự sửa đổi năm 2015. Còn lại hầu hết những ý kiến khác không được ghi nhận? Anh có cảm thấy thất vọng về điều này không, đặc biệt với những ý kiến nằm trong số ít, ngược chiều với phần lớn các ý kiến tại nghị trường…?

Tôi không nghĩ ý kiến của tôi nằm trong số ít, bởi nếu mà số ít thì có rất nhiều người tranh luận với tôi!

Quốc hội cũng cấn có tiếng nói phản biện. Vì có những vấn đề cần tranh luận để tìm ra đúng sai hay cần phải thay đổi thì mới đưa ra bàn bạc. Nếu chúng ta - tất cả đại biểu đều thống nhất thì đâu cần đưa ra Quốc hội thảo luận nữa?

Cho nên, việc những ý kiến của tôi mà theo bạn nói là không được ghi nhận, tôi nghĩ rằng chuyện đó rất bình thường. Bởi ý kiến của tôi đại diện cho một nhóm cử tri nhất định, còn các vị đại biểu khác sẽ đại diện cho nhóm cử tri khác. Rõ ràng số lượng người ủng hộ đông, ý kiến của tôi hợp lý thì mới được đưa vào điều luật. Do đó, với những ý kiến không được “ghi nhận” như bạn nói, tôi cũng không lấy gì làm buồn.

Có những vị đại biểu Quốc hội nói với tôi rằng chỉ cần được mấy chữ trong luật thì cuộc đời nghị sĩ cũng đã có ý nghĩa vô cùng rồi. Thành ra tôi cũng rất trân trọng những ý kiến trái chiều, phản biện với tôi. Và tôi cũng nghĩ mọi người cũng sẻ trân trọng những ý kiến trái chiều của tôi về những dự luật mà chưa được chính thức thông qua.
 

Báo chí, Facebook là kênh thông tin quan trọng đối với nghị sĩ!

Anh vừa nói mình trân trọng những ý kiến trái chiều, vậy anh đã từng nhận được những ý kiến trái chiều nào? Có khi nào, anh gặp phải phiền hà bởi những phát ngôn ấy? Đơn cử như những ngày gần đây ĐB Trương Trọng Nghĩa hay ĐB Nguyễn Thị Minh Hiền cũng bị dư luận xã hội “ném đá”. Anh có lo ngại những phát ngôn của mình một ngày nào đó cũng bị dư luận chỉ trích?

Chẳng phải đâu xa, đôi khi ngay tại nghị trường, tôi vẫn bị phản ứng với những phát ngôn của mình.  Nhưng tôi nghĩ, trách nhiệm của ĐBQH là phải phát ngôn. Nếu không phát ngôn chúng ta làm ĐBQH làm gì? Bởi những phát ngôn đấy không chỉ là phát ngôn cho chính chúng ta mà phát ngôn cho cử tri mà chúng ta đại diện.

Tôi luôn luôn tự nhủ, trách nhiệm của mình là đại diện cho cử tri tỉnh An Giang nơi đã bầu cho tôi đồng thời cử tri ngành y tế nơi tôi công tác và cũng là đại diện Tổng Hội Y dược Việt Nam (nơi tiến cử tôi vào vị trí ĐBQH). Chính vì vậy, mỗi phát ngôn của tôi đều rất cẩn trọng để thể hiện chính kiến của mình nhưng cũng tránh những câu nói gây hiểu lầm làm cho người ta có thể nghĩ được nhiều hướng.

Nhân đây, tôi cũng chia sẻ những tâm tư của ĐBQH. Chúng tôi cũng rất muốn nói chính kiến của mình và rất muốn tiếp xúc với báo chí vì đó là kênh truyền thông rất tốt giúp chúng tôi tới gần hơn với cử tri. Tuy nhiên, hiện nay nhà báo đang dùng các kỹ thuật của ngành báo chí (giật tít, câu view, cắt xén... – PV) làm cho những câu nói của chúng tôi bị “biến dạng”. Trong khi hiện nay cử tri phải tiếp xúc với lượng thông tin khổng lồ do sự phát triển của internet. Nhiều người bây giờ có thói quen chỉ đọc tittle, đọc sapo, rồi có thể suy nghĩ theo hướng mà nhà báo muốn dẫn dắt.

Chúng tôi không thể thanh minh được vì rõ ràng chưa có điều luật nào bảo vệ khi những phát ngôn bị cắt xén, không chính xác do đó qua cuộc phỏng vấn này tôi rất mong, Quốc hội tổ chức các buổi tập huấn để cho ĐBQH học cách tiếp xúc báo chí, làm việc với dư luận xã hội. Đối với các cơ quan báo chí,  cũng phải xem xét lại việc đưa tin đặc biệt về Quốc hội. Vì đây là môi trường rất quan trọng, sự ảnh hưởng rất lớn trong xã hội chứ không phải như showbiz hay các ngôi sao điện ảnh mà đây là những chính trị gia, những câu nói đó có thể gây hiểu lầm, ảnh hưởng rất rất nhiều đối với chính trị, xã hội.

Dường như anh rất e ngại khi tiếp xúc với giới truyền thông?

Đúng vậy, tôi cũng rất ngại. Tôi có nguyên tắc rất rõ ràng không trả lời phỏng vấn hay điện thoại khi tôi chưa biết người điện thoại là ai. Trong kỳ họp lần này, rất nhiều tin nhắn, rất nhiều điên thoại từ khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam nhưng tôi đều từ chối. Bởi nguyên tắc của tôi là chỉ làm việc, trả lời phỏng vấn với người thật, việc thật chứ không phải “người ảo” như trong facebook gọi là nick ảo thì dứt khoát tôi không làm việc.

Ngoài ra khi làm việc tôi cũng trao đổi với nhà báo đó là chúng ta phải rõ ràng với nhau về các thông tin, nên tôi thường xuyên yêu cầu họ gửi lại cho tôi xem trước khi đăng tải, nếu không phải những vấn đề thời sự cấp thiết.

35512166-1108143212659071-4600275922409488384-n123135712
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chụp ảnh với bệnh nhi

Dù khá cẩn trọng với báo chí, nhưng trên trang facebook cá nhân anh lại đăng tải nhiều ý kiến cũng như trao đổi với cử tri và bạn đọc rất thẳng thắn. Vì sao anh sử dụng mạng xã hội như là một phương tiện hữu ích trong công việc của mình? Anh có ủng hộ cán bộ cấp cao sử dụng mạng xã hội, trang tin để xử lý vấn đề khủng hoảng truyền thông của lĩnh vực mình phụ trách, hay những việc liên quan đến cá nhân mình?

Việc tôi sử dụng trang facebook cá nhân để tương tác với cử tri không có nghĩa là tôi đi ngược với nguyên tắc cẩn trọng của mình. Nhưng tôi coi đó là một phương tiện cần thiết và hữu ích để thực hiện nhiệm vụ của một ĐBQH.

Tùy theo hoàn cảnh mỗi đất nước, mỗi xã hội, nghị sĩ, chính trị gia cần truyền tải ý tưởng của mình đối với cử tri, nhân dân thì phải chọn phương tiện gì nhân dân sử dụng nhiều nhất. Ví dụ ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump dùng mạng Twitter - là mạng xã hội mà người Mỹ dùng nhiều; ở Nga thì Tổng thống Puttin dùng mạng của nước Nga, tại Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình dùng Sina, Weibo…thì tại sao ở Việt Nam, chúng ta không nghĩ đơn giản đó là phương tiện để chúng ta truyền đạt thông tin cũng như là chúng ta lắng nghe thông tin từ người dân?

Tôi nghĩ không chỉ mình tôi mà hiện nay rất nhiều ĐBQH dùng mạng facebook. Trong đó có cả các thành viên Chính phủ, chẳng hạn như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng dùng. Trang facebook bà có 50-60.000 người like và theo dõi. Nếu bằng những kênh thông tin này mà chúng ta có thể truyền đạt chính sách và giúp người người dân hiểu rõ những thông tin không chính thống được phát ra từ những nguồn khác trên mạng xã hội, thì tôi thấy không có lý do gì chúng ta lại phải e ngại nó!

Xin cảm ơn anh!

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.