| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 14/11/2012 , 10:03 (GMT+7)

10:03 - 14/11/2012

Nghị trường và những câu hỏi khó

Cả hai ngày nay, hầu hết cử tri cả nước đều chăm chú theo dõi những phiên chất vấn của ĐB Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Cả hai ngày nay, hầu hết cử tri cả nước đều chăm chú theo dõi những phiên chất vấn của ĐB Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ. Cũng phải thôi, không chỉ quan tâm chuyện cơm áo gạo tiền, mà ngay cả những cử tri bình dân nhất cũng quan tâm xem các bộ trưởng nói gì, làm gì, bởi nó liên quan mật thiết đến quốc kế dân sinh, đến bát cơm của họ.

Sau hàng loạt các câu hỏi khó của ĐB Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng xung quanh câu chuyện điều hành giá xăng dầu, hàng tồn kho, cơ sở khoa học của các dự án thủy điện…, và nhận được câu trả lời kiểu “còn nghiên cứu, đang tính toán, sẽ triển khai” với hạn định “trong thời gian tới”, thì chính vị “tư lệnh ngành” này cũng phải “xin hoãn” việc lý giải với các ĐB về lương “khủng” của lãnh đạo Petrolimex cho đến khi nhận được báo cáo từ Kiểm toán.

Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, người lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, cũng khiến hội trường một phen cười nghiêng ngả khi trả lời câu hỏi về sự thất thoát vốn và sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua, về “ngành xây dựng hiện có bao nhiêu DN làm ăn thua lỗ, thất thoát như Tập đoàn Sông Đà?”: “…câu hỏi của ĐB chúng tôi đã có đầy đủ nhưng để ở nhà. Rất mong muốn ĐB sang Bộ, chúng tôi sẽ báo cáo…”.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình thì “nguy” hơn bởi một loạt câu hỏi rất… nhạy cảm, buộc ông không chỉ hôm qua, phải đứng lên giải trình trước Quốc hội. Đó là những câu hỏi thế nào được coi là nợ xấu? Thực trạng là bao nhiêu? Bao giờ thì hết nợ xấu? Rồi có hay không lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng? ĐB Trần Du Lịch còn đặt câu hỏi: “Thống đốc có nói rằng khi giá vàng chênh với thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên sẽ có biện pháp bình ổn. Vậy tại sao nay lại không can thiệp?”. Trước câu hỏi khó này, ông Bình đành... xin phép trả lời dịp khác!

Cách đây không lâu, việc chất vấn các vị nắm giữ “đồng tiền, bát gạo” quốc gia ngầm được hiểu như “vùng nhạy cảm”. Ít có ĐB nào “động chạm” bởi chỉ cần “khác ý” là biết đâu lại chẳng ảnh hưởng đến ngân sách của ngành mình, địa phương mình…

Thế nhưng giờ đây, hình như mọi chuyện đã thay đổi. Nhiều và ngày càng nhiều ĐB vượt qua e ngại, thẳng thắn đối thoại với các vị đứng đầu các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thống đốc NHNN… Một không khí dân chủ đã và đang phát huy mạnh mẽ trong nghị trường.

Và vì nắm “bát cơm manh áo” nên giờ đây, chính các bộ ngành này lại chịu nhiều áp lực nhất.

Đây là điểm mấu chốt mà nhân dân, cử tri trong cả nước mong chờ. Còn vui mừng hơn nếu những câu hỏi khó sẽ được trả lời, và được thực hiện tốt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm