| Hotline: 0983.970.780

Nghi vấn 'bảo kê' máy gặt ở TT.Lâm Thao: Muốn gặt lúa, phải chi tiền cho cán bộ

Thứ Hai 08/10/2018 , 08:41 (GMT+7)

Những khuất tất liên quan đến nghi vấn “bảo kê” máy gặt ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã “hạ màn”, sau khi UBND thị trấn cung cấp bản hợp đồng thoả thoả thuận thu hoạch lúa giữa chính quyền và các chủ máy.

Đồng tiền chui túi… cán bộ?

Báo NNVN có bài viết: “Ai bảo kê máy gặt ở thị trấn Lâm Thao khiến nông dân phẫn nộ?”. Theo đó, chủ máy gặt muốn đưa máy xuống ruộng thì phải ký hợp đồng thoả thuận với xã, đồng thời chi cho một đối tượng số tiền từ 4 – 5 triệu đồng. Vậy ai là người đã nhận những khoản tiền này?

Người phụ nữ giới thiệu là thành viên của tổ khuyến nông cơ sở đứng ra dẫn mối, nhận tiền của chủ máy gặt ở thị trấn Lâm Thao

Theo hợp đồng của thị trấn Lâm Thao ký kết với các chủ máy gặt, “Bên B (đại diện chủ máy gặt) có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho cán bộ khu dân cư: Trưởng khu, chi hội trưởng chi hội nông dân, chi hội trưởng phụ nữ, cán bộ khuyến nông cơ sở”. Ban công an có trách nhiệm bảo đảm công tác an ninh trật tự và có biện pháp xử lý đối với các chủ máy gặt tham gia gặt lúa trên địa bàn mà không thực hiện việc ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại các xứ đồng, tổ khuyến nông xếp lịch gặt lúa đối với từng xứ đồng để Ban chỉ đạo (Trong đó, cán bộ xã gồm có: Ông Nguyễn Đình Cung - Phó chủ tịch UBND thị trấn Lâm Thao; Ông Nguyễn Thanh Tân - Trưởng Công an thị trấn Lâm Thao; Bà Triệu Thị Thanh - Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Lâm Thao; Bà Nguyễn Thị Thái - Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Lâm Thao; Ông Triệu Văn Hoà - Giám đốc HTX nông nghiệp thị trấn Lâm Thao; Ông Triệu Anh Hùng - Công chức địa chính; Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Tổ trưởng tổ khuyến nông thị trấn Lâm Thao. Đại diện các khu dân cư gồm: Trưởng, phó khu dân cư; Chi hội trưởng hội nông dân, phụ nữ; khuyến nông viên cơ sở) điều hành máy gặt.

Được biết, tổng diện tích thu hoạch lúa vụ mùa năm 2018 cho bà con nhân dân thị trấn Lâm Thao là 91ha. Nếu quy đổi theo giá gặt lúa được UBND thị trấn Lâm Thao thống nhất với các chủ gặt lúa là 140.000 đồng/sào Bắc bộ, thì tổng tiền tổ máy gặt thu được khoảng gần 350 triệu đồng.

Nội dung bản hợp đồng giữa UBND thị trấn Lâm Thao và chủ máy gặt nêu rõ: “Bên B (chủ máy gặt) có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho cán bộ khu dân cư”

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn phóng viên về việc chủ máy gặt phải hỗ trợ kinh phí cho khu dân cư (được ghi trong hợp đồng thoả thuận giữa UBND thị trấn với chủ máy gặt), ông Nguyễn Đình Cung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lâm Thao, lý giải: “Ghi nhầm đấy, trong quá trình soạn thảo văn bản nó bị sai. Trong nội dung chỉ đạo không đưa cái từ này, nhưng soạn thảo thì nó gây mắc ở cái cụm từ này”.
 

Cán bộ giám sát, nông dân vẫn bị chèn ép giá

Theo UBND thị trấn Lâm Thao, vụ mùa trước trên địa bàn xuất hiện tình trạng máy gặt hoạt động gây phá vỡ kênh mương, chỉ gặt ruộng phẳng, dễ đi còn các ruộng sâu, lầy thì không gặt hoặc ép giá người dân. Năm nay UBND tiến hành ký hợp đồng với 7 chủ máy gặt, yêu cầu họ phải cam kết gặt cho người dân cả ruộng dễ cũng như ruộng khó, và thống nhất mức giá là 140.000 đồng/1 sào ruộng, đặc biệt họ phải đảm bảo an toàn cho giao thông, thuỷ lợi nội đồng; gặt cuốn chiếu lần lượt cho các hộ dân không bỏ sót, từ ruộng xa đến ruộng gần, từ ruộng lầy đến ruộng cao.

Vì bị lực lượng công an xã cấm cản không cho máy gặt xuống đồng, bà Yên, một chủ máy gặt ở xã Hợp Hải (huyện Lâm Thao) phải đưa máy đến địa phương khác để làm dịch vụ

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nông dân ở thị trấn Lâm Thao, họ bị các chủ máy gặt (đã ký hợp đồng với UBND thị trấn) chèn ép giá một cách trắng trợn. Nếu tự thuê máy ở bên ngoài (chưa ký hợp đồng với thị trấn) thì sẽ bị lực lượng công an cản trở quyết liệt. Như vậy, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả phí dịch vụ cao ngất ngưởng cho các chủ máy hiện có trên đồng (nếu không muốn phải gặt tay).

Bà Nguyễn Thị Thu, người dân thị trấn Lâm Thao, bức xúc: “Nhà tôi có 10 thước ruộng mà chủ máy lấy 200.000 đồng, nghĩa là gần 300.000 đồng/sào (đắt gấp đôi so với giá mà chủ máy gặt cam kết với chính quyền thị trấn - PV). Vụ lúa mùa năm nay hỏng, chúng tôi chỉ mong thuê máy gặt giá rẻ đồng nào hay đồng đấy, nhưng bây giờ phải thuê đắt như thế coi như chúng tôi lỗ “tận xương tận tuỷ” luôn, chẳng còn gì để ăn cả”.

Bà Nguyễn Thị Thu, người dân thị trấn Lâm Thao, bức xúc khi chia sẻ với nhóm PV

Bà Hoàng Thị Xuân, một người dân ở trong địa phương cũng than thở: “Một sào ba ruộng hết 260.000 đồng. Sao mà đắt thế. Có mùa người ta gặt lúa rồi chở  lên tận bờ hết 150.000, có mùa hết 130.000 đồng thôi. Tôi hỏi sao mà đắt thế, cô chủ máy trả lời là gặt thì gặt mà không gặt thì thôi”.

“Nếu chủ máy nào tự đến gặt thì công an thị trấn đến can thiệp không ho máy gặt, coi như là cưỡng ép rồi còn gì nữa. Dân chỉ được dùng máy mà xã ký hợp đồng”, bà Bùi Thị Hải, ở thôn Lâm Nghĩa, thị trấn Lâm Thao, nói.

Theo lãnh đạo thị trấn Lâm Thao, UBND Thị trấn đã nhận được thông tin phản ánh về việc người dân bị chèn ép giá gặt lúa. Thế nhưng, hiện tại, khi những cánh đồng của địa phương này chỉ còn trơ gốc rạ, các chủ máy gặt đã chuyển đi nơi khác, thì chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra ai là người lạm thu dịch vụ thu hoạch lúa. Lý giải này liệu có hợp lý không, khi mà thị trấn Lâm Thao đã lập hẳn một ban chỉ đạo gồm hàng chục chức danh để giám sát, quản lý, điều hành trong xuất quá trình tổ máy gặt hoạt động.

Một thành viên Tổ khuyến nông thị trấn Lâm Thao thừa nhận: “Năm nay các anh (chủ máy gặt) bảo tình nguyện đưa tôi mỗi người 5 triệu đồng. Tôi bảo ừ được rồi, tôi cầm của anh. Gọi điện lên xã thì cô Thanh – (Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lâm Thao? – PV) bảo ừ cứ cầm, những chắc cô hỏi UBND xã (thị trấn), chắc là không đồng ý thì tôi trả luôn”.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.