| Hotline: 0983.970.780

Nghi vấn Grab trốn thuế trong điệp khúc lỗ: 'Ông trùm' Grab Việt Nam là ai?

Thứ Hai 30/12/2019 , 15:03 (GMT+7)

Liên tục báo lỗ một cách bất ngờ, Grab Việt Nam tiếp tục bị đặt nghi vấn về thuế. 

Đánh chiếm xong nhưng Grab Việt Nam liên tục báo lỗ.

Năm 2017, trong một buổi làm việc với câu lạc bộ LBC với chủ đề công nghệ 4.0, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch của Grab Việt Nam khẳng định “chúng tôi đã xong trận đánh giành thị phần”.

Thực tế là sau“trận đánh” đó Grab Việt Nam đã khiến taxi, xe ôm truyền thống, Uber tan tác. Không có số liệu thống kê về xe ôm truyền thống nhưng hiện tượng rất nhiều tài xế bỏ thói quen đứng ở góc phố để khoác áo Grab cho thấy xe ôm truyền thống thất thế trước Grab như thế nào. Lượng tài xế giảm nhưng những tài xế truyền thống còn lại vẫn không ngừng than phiền lượng khách sụt giảm càng chứng minh xe ôm truyền thống bị đè bẹp.

Về mảng taxi cũng rất dễ nhìn thấy thảm cảnh sau cuộc đổ bộ của Grab. Nhiều hãng nhỏ không có cách nào khác phải sáp nhập với nhau để tìm đường sống, còn hai “đại gia” lớn nhất là Mai Linh và Vinasun cũng lâm cảnh khó khăn.

Theo thống kê, kể từ khi Grab “tham chiến”, lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Vinasun lao dốc từ 312 tỷ đồng xuống chỉ còn 191 tỷ đồng.  Có thời điểm Vinasun gây sốc vì sa thải tới 10.000 người lao động, đỉnh điểm “cuộc chiến” là việc Vinasun kiện Grab ra tòa.

Tương tự là “ông vua” một thời, taxi Mai Linh còn thê thảm hơn. Năm 2017, kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh do âm vốn lưu động gần 1.300 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho rằng, thảm cảnh đó là do nguyên nhân đến từ cuộc cạnh tranh với Grab.

Grab dần bá chủ thị phần, nhưng điều đáng quan tâm là doanh nghiệp này lại liên tục báo lỗ. Kể từ năm 2014, năm bắt đầu hoạt động cho đến nay, Grab thông báo mỗi năm lại lỗ thêm một chút, khoản lỗ năm sau liên tục cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2014, Grab thua lỗ 51,7 tỷ đồng. Năm 2015, số lỗ vọt lên 442 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ  445 tỷ đồng. Năm 2017, Grab có bước nhảy vọt thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế âm 789 tỷ đồng. Đến năm 2018, khoản lỗ tăng lên 885 tỷ đồng.

Nên nhớ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Grab Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018 liên tục tăng vọt,  lần lượt là 1,47 tỷ đồng, 32,3 tỷ đồng, 187,9 tỷ đồng, 758,8 tỷ đồng và 2.194,5 tỷ đồng.

Chính vì vậy, nghi vấn Grab trốn thuế được đặt ra. Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế tiến hành thanh tra Grab và xử lý, truy thu gần 3 tỷ tiền thuế và giảm lỗ công ty này 56,6 tỷ đồng.

Kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, Grab gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Tuấn Anh, người được tôn vinh như một startup (khởi nghiệp) xuất sắc.

Ông Nguyễn Tuấn Anh tốt nghiệp tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS), nổi danh khi từng là Giám đốc sản phẩm của Yahoo! tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ông tham gia một số dự án khởi nghiệp công nghệ như Geeky, Metis hay Trường Xưa.

Ở Yahoo!, ông Nguyễn Tuấn Anh chưa thực sự được cộng đồng mạng biết tới nhiều, nhưng năm 2011, ông Nguyễn Tuấn Anh ghi dấu ấn bằng chiến lược marketing rầm rộ cho truongxua.vn.

Nhờ chiến lược marketing phù hợp, mạng xã hội này đã thu hút 2 triệu thành viên tham gia. Trong tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu USD cho dự án này, chi phí dành cho quảng cáo được dự đoán xấp xỉ 200.000 USD. Đáng tiếc, dù có chiến lược marketing, Trường Xưa lại không thành công. Ông có tham gia nhiều dự án khác nhưng cho đến nay chưa dự án nào được biết đến như Grab.

Ông Nguyễn Tuấn Anh trở thành Giám đốc Grab Việt Nam năm 2014 và được đánh giá là người có đóng góp rất nhiều cho Grab trong những ngày đầu thành lập. Từ việc lo thủ tục, mở rộng thị trường, sau đó nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam và hiện tại đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Grab. 

Trong cộng đồng startup, ông Nguyễn Tuấn Anh được đánh giá là một “khởi nghiệp” xuất sắc, mặc dù Grab Việt Nam liên tục thua lỗ nhưng bản thân ông Tuấn Anh được tôn vinh nhờ các “trận đánh” giúp Grab chiếm thị phần. Chỉ sau 1 năm đưa Grab vào Việt Nam, tới năm 2015, ông Nguyễn Tuấn Anh là một trong những doanh nhân thuộc Top 100 doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc do Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam và CLB Sao Đỏ bình chọn.

Nhiều vấn đề tài chính ở Grab Việt Nam cần phải được minh bạch

Hiện tại, ông Nguyễn Tuấn Anh đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam). Trong Hội đồng thành viên, bên cạnh ông Tuấn Anh, chỉ có thêm 1 thành viên duy nhất là ông Anthony Tan Ping Yeow. Người giữ chức vụ Giám đốc Grab là ông Lim Yen Hock. Nhiều người nghĩ ông Nguyễn Tuấn Anh là "trùm" Grab ở Việt Nam nhưng thực tế có vẻ không phải vậy.

Các công bố chính thức của Grab không thể hiện rõ vai trò thực sự của ông Nguyễn Tuấn Anh nên ông Tuấn Anh được mặc định là người “khai sinh” Grab Việt Nam hoặc hiểu đơn giản với Grab, ông Tuấn Anh là “khởi nghiệp”. Thế nhưng, nếu xem xét các khoản mục phụ trong báo cáo tài chính năm 2018 của Grab, có thể thấy, tại Grab, ông Tuấn Anh chỉ là “nhà đầu tư”.

Cụ thể, ở phần “Phải thu về cho vay ngắn hạn”, Grab thể hiện: “Phải thu về cho vay ngắn hạn thể hiện khoản vay cho ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư, với số tiền là 10.200 triệu đồng”.

Việc ông Tuấn Anh chỉ là “nhà đầu tư”, không phải “chủ” hay “nhà sáng lập” hay “khởi nghiệp” tại Grab Việt Nam còn thể hiện ở chỗ Grab Inc. đổ rất nhiều tiền cho Grab Việt Nam. Số tiền mà Grab Inc. rót vào Grab Việt Nam cao hơn rất nhiều vốn góp chủ sở hữu của Grab Việt Nam.

Tại thời điểm 31/12/2018, vốn góp chủ sở hữu của Grab Việt Nam chỉ là 20 tỷ đồng. Thế nhưng nợ phải trả lên đến 3.537 tỷ đồng, cao gấp… 177 vốn góp chủ sở hữu. Đa số nợ phải trả đến từ những khoản vay Grab Inc. dành cho Grab Việt Nam.

Grab Việt Nam không cần vất vả vay ngân hàng mặc dù tổng nợ vay lên đến 2.706 tỷ đồng cao gấp 177 lần vốn góp chủ sở hữu. Tất cả số tiền này đều đến từ Grab Inc. và GrabTaxi Holdings Pte Ltd.

Cụ thể, về vay ngắn hạn, số tiền mà GrabTaxi Holdings Pte Ltd. và Grab Inc. cho Grab Việt Nam vay lần lượt là 860 tỷ đồng và 465 tỷ đồng. Về vay dài hạn, hai công ty này lần lượt cho Grab Việt Nam vay 512 tỷ đồng và 869 tỷ đồng.

Giá trị các khoản vay này tăng mạnh so với hồi đầu năm nay. USD là đồng tiền dùng để giao dịch cho các khoản vay. Điều đáng nói, phần lớn các khoản vay đều được hưởng lãi suất 0%.

Có thể thấy, GrabTaxi Holdings Pte Ltd. và Grab Inc. đã rót rất nhiều tiền, kèm theo lãi suất 0% cho Grab Việt Nam. 

Đây có thể mới chính là "ông trùm" thực sự của Grab Việt Nam.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm