| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 22/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 22/09/2015

Nghĩ về 'chủ nghĩa lý lịch'

Có một vị giáo sư đã nói “mọi thứ lý đều có thể vượt qua, trừ một thứ lý là không tài nào vượt qua được”. Đó chính là lý lịch.

Sau vụ thí sinh Bùi Kiều Nhi (xã Đức Hòa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đạt 29 điểm nhưng không được vào học tại Học viện Chính trị CAND, chỉ vì cách đây hơn 20 năm, bố của em từng bị TAND huyện Tuyên Hóa kết án 9 tháng tù treo vì tội “chống người thi hành công vụ”, vừa được Bộ Công an “giải cứu”, đồng ý cho nhập học.

Thì lại đến trường hợp Nguyễn Đức Ngà (xóm 9, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cũng đạt 29 điểm, nhưng đang có nguy cơ không được vào học tại Học viện Cảnh sát Nhân dân như nguyện vọng của em, chỉ vì 22 năm trước, bố em từng bị TAND huyện Nam Đàn kết án 9 tháng tù treo vì tội “cố ý gây thương tích”, đã khiến dư luận băn khoăn.

Và “chủ nghĩa lý lịch” lại trở thành một đề tài được xã hội bàn luận.

Lý lịch là gì mà ghê gớm vậy, khi suốt một thời gian dài, nó đã trở thành một “cái gông” đeo trên cổ không biết bao nhiêu người?

Mỗi công dân đều phải có một bản lý lịch, trong đó phải kê khai từ 3 đời: Từ ông nội bà nội; ông ngoại bà ngoại; cha mẹ; cô; chú; bác cho đến anh em ruột của người khai. Tất cả đều phải trả lời những câu hỏi: Trước năm 1945 những người trên làm gì? ở đâu? Trong kháng chiến chống Pháp làm gì? ở đâu? Bất cứ ai trong số những người đó, hễ có một chút gì dính dáng đến chính quyền cũ, là người khai bị ảnh hưởng.

Có một vị giáo sư đã nói “mọi thứ lý đều có thể vượt qua, trừ một thứ lý là không tài nào vượt qua được”. Thứ lý không thể vượt qua được mà vị giáo sư nói ở đây, chính là lý lịch. “Chủ nghĩa lý lịch” đã trở thành một vật cản đối với không biết bao nhiêu nhân tài trên khắp cả nước, dù ngày nay đã không còn quá khắt khe.

Và mặc dù hiến pháp và rất nhiều bộ luật khác đã quy định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Bình đẳng, nghĩa là ai vi phạm pháp luật thì người đó chịu. Những người khác, dù là ruột thịt, cũng không liên quan. Nhưng dường như người ta đã quên béng mất những quy định đó.

Lịch sử từng có những tấm gương dùng người. Trung Quốc có chuyện “giết Cổn dùng Vũ”. Ông Cổn trị thủy có nhiều sai lầm, vua Thuấn đã giết Cổn, nhưng lại dùng con của Cổn là Vũ để tiếp tục trị thủy. Hay trong cuộc Bắc phạt, viên tướng chịu trách nhiệm cung ứng lương thảo cho quân đội là Lý Nghiêm không hoàn thành nhiệm vụ. Tổng chỉ huy quân Thục là Gia Cát Lượng đã cách chức Lý Nghiêm, nhưng lại dùng con của Nghiêm là Lý Phong tiếp tục lo việc lương thảo trong quân. Những cách dùng người trên đều có một mục đích duy nhất là trọng dụng nhân tài, không câu nệ về lý lịch.

Nguyễn Đức Ngà là một học sinh xuất sắc, đã được kết nạp đảng ngay trong trường PTTH, khi đang còn là học sinh. Đây là một trường hợp vô cùng hiếm. Để được kết nạp đảng ngay trong trường, hẳn Nguyễn Đức Ngà đã phải trải qua một quá trình rèn luyện, tu dưỡng vô cùng gian khổ. Và chi bộ nhà trường, khi xét kết nạp em, hẳn đã biết chuyện của bố em 22 năm trước.

Việc Bộ Công an “giải cứu” em Bùi Kiều Nhi là một việc làm đúng, hợp lý hợp tình, hợp lòng dân, được cả xã hội đồng tình và ca ngợi. Mong rằng lần này, quý Bộ hãy tiếp tục xem xét đến trường hợp của đảng viên trẻ Nguyễn Văn Ngà, cho Ngà được nhập học tại Học viện CSND, đúng theo nguyện vọng của em.