| Hotline: 0983.970.780

Nghĩ về Đại tướng kính yêu

Thứ Năm 10/10/2013 , 09:42 (GMT+7)

Vẫn biết, trong những năm qua Đại tướng đã yếu nhiều nhưng không ai muốn tin rằng Đại tướng đã ra đi. Cái cảm giác này ở mỗi người giống như thời nghe tin Bác Hồ mất. Thế là người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng cùng Bác.

Mấy ngày đầu tháng, tôi lên trao đổi chuyện làm ăn với bà con các xã ở vùng cao huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Trên đường về, bỗng nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Bọn tôi hốt hoảng, dừng xe vào vệ đường, vặn to radio, chăm chú lắng nghe từng lời của cô phát thanh viên trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh em cả xe lặng người. Nỗi đau như lan tỏa cho nhau. Cái tin xót xa ấy thấm vào trong ta rồi lặng lẽ gặm nhấm tâm hồn.

Vẫn biết, trong những năm qua Đại tướng đã yếu nhiều nhưng không ai muốn tin rằng Đại tướng đã ra đi. Cái cảm giác này ở mỗi người giống như thời nghe tin Bác Hồ mất. Thế là người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng cùng Bác.

Ai ai trong chúng ta cũng luôn ghi nhớ hình ảnh của Đại tướng. Ông là vị Tổng tư lệnh tối cao đã dẫn dắt quân và dân ta vượt qua biết bao chặng đường gian khổ, đánh tan bao kẻ thù để giành lấy độc lập, tự do cho đất nước.

Tôi có nhiều dịp được gặp Đại tướng. Thời sinh viên, vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Bác Hồ và Đại tướng có vào thăm trường đại học của chúng tôi. Sau ngày hòa bình, Đại tướng cũng đã vào thăm lại trường một vài lần. Như thường lệ, những tràng pháo tay lại rền vang, không ngớt mỗi khi Đại tướng xuất hiện tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu. Đại tướng phải vẫy tay nhiều lần thì mọi người mới chịu ngừng. Chúng tôi sống trong những giây phút ấy và hiểu rằng, Đại tướng là thần tượng vĩ đại của giới trí thức Việt Nam cũng như của nhân dân Việt Nam.


Tác giả Nguyễn Lân Hùng giới thiệu Báo NNVN với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chia sẻ những vấn đề về nông dân - nông thôn (ảnh chụp năm 2007)

Sau này, trong nhiều hội nghị khoa học, chúng tôi cũng đã được nghe Đại tướng phát biểu chỉ đạo. Tôi nhớ có một lần, Đại tướng khuyên chúng tôi nên nghiên cứu để phát triển mạnh việc trồng mít trên những vùng đất đai khô hạn, cằn cỗi, ông đưa ra nhiều tài liệu của thế giới về cây này. Rất tiếc, lúc đó chúng ta chưa nhận thức được nên chỉ làm hời hợt, hiệu quả không rõ. Tới nay, điều khuyên bảo của Đại tướng mới được thực hiện. Cty Vinamit đã nâng giá trị quả mít của chúng ta lên tầng cao mới. Sản phẩm mít sấy khô của Việt Nam được bán đi khắp thế giới. Khi tôi đưa Tổng giám đốc Cty Vinamit Nguyễn Lâm Viên vào báo cáo kết quả với Đại tướng, Đại tướng rất hài lòng. Ông còn nói vui: “Mít thì rất nên phát triển nhưng việc học hành của các cháu nhỏ thì không được mít đặc đâu nhé!”. Chúng tôi nhớ mãi câu chuyện đó.

Vào các dịp tết, Đại tướng hay đến thăm cha tôi (GS, NGND Nguyễn Lân). Họ cùng dạy học với nhau ở trường Thăng Long thời trai trẻ. Tuy ở cương vị cao nhưng Đại tướng rất chân thành và cởi mở. Hai người thường ôn lại những kỷ niệm xưa, điểm lại những người bạn cũ và trao đổi với nhau về tình hình giáo dục của nước nhà. Họ còn bàn luận về cách tập luyện và giữ gìn sức khỏe. Cha tôi thọ 98 tuổi và Đại tướng thọ 103 tuổi.

Cùng với nhân dân cả nước, chúng tôi luôn coi Đại tướng như người cha thân yêu của mình. Dù sóng gió có lúc ngả nghiêng nhưng tấm lòng của nhân dân ta với Đại tướng vẫn luôn luôn tràn đầy tin yêu, ngưỡng mộ và kính trọng.

Cuối tháng 9/2007, tôi đến thăm Đại tướng. Lúc đó, Đại tướng đã 97 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn.

Tôi tặng Đại tướng bộ sách dạy nghề cho nông dân mà anh chị em chúng tôi đang viết. Đại tướng khen ngợi và động viên chúng tôi hãy tiếp tục giúp cho nông dân. Đại tướng nhắc tới những khó khăn mà bà con ta đang gặp và mong chúng tôi kiên trì trên mặt trận này. Đại tướng nói: “Bộ đội đa phần từ nông dân mà ra. Họ đã hy sinh quá nhiều cho đất nước. Phải tìm mọi cách giúp đỡ nông dân…”.

Tôi có cảm tưởng, gặp Đại tướng giống như những lần tôi được gặp Bác Hồ. Cả Bác và Đại tướng đều luôn luôn nghĩ tới nhân dân.

Khi ra về, tôi bỗng nẩy ý định phải viết một bài hát để ca ngợi công ơn của Đại tướng. Tôi nung nấu suốt mấy năm. Nhân dịp Đại tướng tròn 100 tuổi tôi mới hoàn thành bài hát này với nhan đề “Đại tướng của chúng ta”. Trong bài hát, tôi cố gắng nêu ra được những mốc son chính mà Đại tướng đã trải qua: Từ chiến thắng Phay Khắt tới Việt Bắc, Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bài hát được NSƯT Hoàng Lương phối khí và dàn dựng với giọng ca của ca sĩ Ngọc Quy và hợp ca nam nữ của Đài Tiếng nói Việt Nam hát nền.

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh và một số tờ báo đã phát hoặc đăng tải bài hát này khi nghe tin Đại tướng đã ra đi. Tôi rất hài lòng với bài hát đó và coi nó là một nhành hoa gộp vào với cả rừng hoa của đất nước để dâng lên cho hương hồn của Đại tướng.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.