| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 17/08/2015 , 08:00 (GMT+7)

08:00 - 17/08/2015

Nghĩ về một câu nói thẳng

Đó là lời nói đùa của một số chuyên gia World Bank với bà Phạm Chi Lan. Theo đó, Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất trên thế giới khi... không chịu phát triển.

Tại hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã phát biểu: “Một số chuyên gia World Bank đã nói đùa với tôi rằng Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển. Nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển. Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua, con số ODA là 90 tỷ USD), nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển”.

Câu nói này được xã hội bàn tán suốt mấy ngày qua. Ai cũng cho rằng đó là một lời nói thẳng. “Trung ngôn nghịch nhĩ (lời nói thẳng thì khó nghe)”, tuy khó nghe nhưng đã phơi bày một sự thực khiến ai cũng phải giật mình, suy gẫm.

Thực ra, lời nói thẳng đó của vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng này, tuy là dẫn một câu “đùa” của những chuyên gia World Bank nói với bà, nhưng lại hoàn toàn có căn cứ. Dẫn theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì so với 10 năm trước đây, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ còn một nửa. Nói như một đại diện của cơ quan này, thì đó là hiện tượng “li ti hóa” các doanh nghiệp.

Lạ thật. Theo lẽ thông thường, đã là doanh nghiệp thì phải càng ngày càng lớn lên, cả về quy mô lẫn tầm vóc. Đầu tiên là doanh nghiệp nhỏ, sau đó phát triển lên thành doanh nghiệp vừa, và sau cùng là doanh nghiệp lớn. Đầu tiên chỉ kinh doanh trong nước, rồi sau đó là phát triển kinh doanh ra nước ngoài, chứ sao lại càng ngày càng teo tóp đi về quy mô?

Vẫn theo lời của chuyên gia Phạm Chi Lan: Theo một điều tra cho thấy, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”.  Vậy là đã rõ. Cứ 1 đồng lợi nhuận làm ra, thì doanh nghiệp bị  mất 1,02 đồng.

Số tiền 1,02 đồng đó, đáng lẽ doanh nghiệp được dùng để đầu tư, phát triển thêm cho sản xuất, từ đó mở rộng quy mô của doanh nghiệp, thì rút cuộc lại chui vào túi của tham nhũng. Làm ra được một đồng lãi thì phải mất hơn một đồng, chả trách quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi.

Tham nhũng ở Việt Nam có mặt ở khắp nơi. Ngoài những “đại án” tham nhũng, làm thất thoát những khối tài sản khổng lồ của Nhà nước như vụ Vinashin, Vinalines..., thì thứ tham nhũng buộc các doanh nghiệp phải “bôi trơn”, chính là thứ tham nhũng phổ biến nhất, nhiều nhất, có mặt ở mọi ngóc ngách của các cơ quan công quyền, và chính thứ tham nhũng này đã gặm mòn sức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất.

Truy nguyên lại, thì mọi thứ đều do tham nhũng. Không chống được tham nhũng, cũng đồng nghĩa với… không chịu phát triển.