| Hotline: 0983.970.780

Nghĩ về “tái cấu trúc” từ vụ lúa đông xuân 2014 - 2015

Thứ Sáu 13/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức cuộc họp (2/3/2015) với các nhà quản lý, nhà khoa học để bàn về các giải pháp xử lý canh tác khi diễn biến thời tiết vụ đông xuân 2014 – 2015 là ấm. 

Trong lúc đó, nông dân một số nơi vẫn làm theo tập quán cũ gieo cấy một bộ phận giống ngắn ngày sớm lên 5 – 7 ngày so với lịch chỉ đạo vì năm 2014 nhuận 2 tháng 9.

Thời tiết vụ đông xuân nhiều biến động

Như chúng ta đã biết thời tiết vụ ĐX ở các tỉnh miền Bắc diễn ra biến động không năm nào giống năm nào. Theo tổng kết của chúng tôi thì trong 50 năm qua khí hậu miền Bắc thuộc dạng lạnh nhiệt đới không điển hình vì có mùa đông lạnh, kiểu chí tuyến, có một tối đa, một tối thiểu (miền Nam thuộc dạng xích đạo).

Tính dao động của thời tiết miền Bắc là một quy luật, các chỉ số trung bình chỉ có ý nghĩa tương đối vì phụ thuộc vào cao áp Xibia, đặc biệt trong xu thế biến đổi khí hậu hiện nay. Gần đây Tổ chức khí tượng thế giới đánh giá 5 – 7 năm ấm nhất từ trước đến nay đều thuộc về thế kỷ 21 và năm ấm nhất trong số đó là 2014 (VnExpress 14/2/2015).

Theo dõi số liệu trạm khí tượng Bala, Láng, Hải Phòng (1960 – 2007) chỉ rõ khoảng 60% tháng lạnh nhất rơi vào tháng giêng, 30% vào tháng 2 và 10% vào tháng 12; khoảng trên 30% số năm rét đậm (tổng tích ôn 3 tháng 12+1+2 khoảng 1.300 độ C) trên 20% số năm là ấm (tổng tích ôn khoảng 1.700 độ C) và trên 40% số năm là lạnh trung bình (tổng tích ôn khoảng 1.500 độ C).

Diễn biến năng suất lúa ĐX tương ứng là năm trung bình bội thu, năm rét đậm được mùa, năm ấm năng suất không cao; đặc biệt số liệu 10 năm ấm sản lượng lúa ở các tỉnh phía Bắc giảm từ 100.000 tấn đến 1.000.000 tấn thóc (1991) so với năm bình thường.

Nguyên nhân giảm năng suất lúa là các giống lúa cấy vụ ĐX đều là giống cảm ôn, mạ bị già ống khi thời tiết ấm và năm ấm lúa thường trỗ gặp rét, mưa (đừng thấy lúa trỗ tháng 2 (âm lịch) mà mừng) hoặc lúa trỗ gặp gió nóng đều bị bông bạc.

“Tái cấu trúc” là một quá trình

Vụ lúa chiêm xuân hình thành trong lịch sử dài 7 – 8 tháng (tháng 11 - tháng 6) với các giống lúa chiêm dài ngày, năng suất thấp, nhiều sâu bệnh; là nguyên nhân gây ra nạn đói kém triền miên của nông dân Bắc bộ.

Do địa hình địa mạo miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ khác nhau và thời tiết mùa đông kết thúc chậm dần lên phía Bắc thường là chậm 5 ngày cho một vĩ độ và 5 ngày lên độ cao 100 m nên thời vụ ở 3 tiểu vùng này khác nhau.

Thập kỷ 50, 60 chúng ta nhập thêm các giống lúa Trung Quốc ngắn ngày hơn. Thập kỷ 70 chúng ta nhập giống Nông nghiệp 8 (Thần Nông 8), rồi sau đó có các giống C70, C71, VN10, 13/2, DT10... tiếp đến CR203, Khang dân 18, Q5, lúa lai, lúa chất lượng ngắn ngày... nên cơ cấu các trà lúa theo tỉ lệ sớm + chính vụ/muộn được cơ cấu lại sau mấy chục năm giảm trà sớm, chính vụ theo tỉ lệ 5/5, 4/6, 3/7, 2/8 và nay là 1/9 (2014) nghĩa là trà lúa xuân muộn chiếm 90% diện tích, trà sớm, chính vụ chỉ còn khoảng 10% diện tích ở một số địa phương đặc thù.

Thời vụ trà lúa sớm gieo vào tháng 11, trà chính vụ gieo vào tháng 12 (năm trước) trà muộn gieo cuối tháng giêng đầu tháng 2 (năm sau). Khi ta lấy cây chỉ thị là cây “xoan chân chó” thì trà xuân muộn gieo xung quanh Lập xuân (5/2) cấy sau Tết âm lịch là thời vụ an toàn nhất, lúa ngắn ngày (khoảng 140 ngày vụ xuân) sẽ trỗ an toàn từ Lập hạ (5/5) đến Tiểu mãn (21/5). Riêng vùng Bắc Trung Bộ lúa trỗ an toàn từ Cốc vũ (21/4) đến Lập hạ (5/5) tránh gió nóng phía tây và kịp làm lúa hè thu gặt trước 15 tháng 9.

Năm 1988 chúng ta đạt 18 triệu tấn thóc cả nước và trước đó nạn đói xuất hiện trên diện rộng. Sau khi có Nghị quyết 10 (khoán 10/5-4-1988) năm 1989 chúng ta đạt trên 19 triệu tấn thóc và bắt đầu thừa gạo xuất khẩu (lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu 1 triệu tấn gạo được giá 300 triệu USD) bất kể thời tiết các năm 1987, 1988, 1989 là các năm ấm trên trung bình.

Như vậy nhìn từ vụ ĐX cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo là quá trình thay đổi lại cơ cấu trà lúa, thay đổi cơ cấu giống lúa, thay đổi cơ cấu mùa vụ, tổ chức lại các vụ lúa theo thị trường (trong, ngoài nước) kể cả ở miền Bắc và miền Nam, miền Trung.

Đó chính là “tái cấu trúc” ngành hàng lúa gạo, ngành hàng quan trọng nhất trong nông nghiệp nước ta (chiếm 55% diện tích, 47% lao động, hơn 30% GDP nông nghiệp). Mô hình ngành hàng lúa gạo của nước ta là sản xuất nông hộ và thương mại nhỏ nên việc cấu trúc lại chính sách sở hữu và đầu tư là một nguyên nhân quan trọng hàng đầu trong “tái cấu trúc” thành công.

Kết quả là 25 năm (1990 – 2014) chúng ta thừa gạo, liên tục xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm; giá xuất khẩu thực tăng 6,7%/năm; năng suất lúa đạt 5,6 tấn/ha, thuộc loại cao nhất Đông Nam Á với tốc độ tăng 2,5%/năm, sản lượng lúa gạo tăng 3,8%/năm trong lúc diện tích lúa ổn định từ năm 2000 (OECD – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế 2014).

Tiếp tục “tái cấu trúc”

Vụ lúa ĐX ở miền Bắc dù rằng vẫn là vụ lúa có năng suất cao nhất, dù rằng trà xuân muộn chiếm 90% diện tích nhưng vẫn là vụ lúa khó khăn nhất bởi thời tiết biến động rét, ấm, ẩm, hạn, lũ... nên giá thành cao, hiệu quả thấp, nông dân vất vả (Bầm ra ruộng cấy Bầm run/ Mưa bao nhiêu hạt thương Bầm bấy nhiêu -1948 Tố Hữu).

Cần tiếp tục tổ chức lại vụ lúa đông xuân miền Bắc bao gồm cả lúa và màu, chăn nuôi, thủy sản, bỏ trà sớm, bỏ trà chính vụ, chuyển giảm lúa sang làm rau, màu, quả; chuyển sang làm thủy sản, chăn nuôi, trồng cỏ chăn nuôi (trồng cỏ nuôi bò hiệu quả gấp 3 - 4 lần lúa) ở những nơi thiếu nước, úng trũng, địa hình khó khăn...

Khoa học công nghệ và quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để xác định, khẳng định chỉ làm vụ lúa xuân hè (gieo tháng 2 gặt tháng 6) trong một năm. Đó là vụ lúa nhẹ nhàng, đỡ vất vả cho nông dân, thuận với trời đất, chi phí ít tốn kém, hiệu quả cao, né tránh sự biến động nhất của thời tiết trong 3 tháng 12, 1, 2 ảnh hưởng lớn đến cây lúa và những hệ lụy về nước (hạn) sâu bệnh, lũ, gió nóng v.v.

Tiếp tục “tái cấu trúc” thị trường với 4 nhóm giống lúa: chất lượng cao, nhóm giống thơm, nhóm đặc sản, nhóm giống đáp ứng yêu cầu chống chịu sâu bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày nay thị trường 5 phân khúc: lớp trẻ, trung lưu, thượng lưu, bình dân, xuất khẩu... đều yêu cầu giống lúa có 10 chữ: gạo đẹp, cơm mềm, vị đậm, mùi thơm, thương hiệu vì bữa ăn số lượng gạo giảm dần (nông thôn 120 kg, đô thị 90 kg/người/năm – OECD 2014).

Từng bước đổi mới khoa học công nghệ và chính sách, đầu tư phải ngày càng đáp ứng yêu cầu của “tái cấu trúc”: Lai tạo, nhập nội giống tốt phù hợp thị trường; phổ cập chuyển giao công nghệ phù hợp với phương thức tổ chức sản suất mới tập trung vào hai khâu cấy và sau thu hoạch: Mạ khay, máy cấy, gieo sạ 3G3T; ứng dụng phân bón công nghệ cao, phân bón tổng hợp; xây dựng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, Nông – Lộ - Phơi; phổ cập hệ thống canh tác giảm thiểu khí các bon (hiện nay sản xuất lúa đang sử dụng khoảng 10.000 m3 nước, 700 kg phân hóa học và 100 kg thuốc trừ sâu bệnh/ha/năm là thừa, không hợp lý, giá thành cao, thải nhiều CO2); khuyến khích đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy sấy, công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm, ẩm thực; khuyến khích mở rộng diện tích dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn, cánh đồng công nghệ cao, vùng nguyên liệu lớn và xây dựng tổ chức hợp tác nông dân theo Luật hợp tác xã mới cùng với 2 lực lượng chủ lực là doanh nông và nông gia; tổ chức lại hệ thống thương mại, thay đổi cách tiếp cận từ lúa sang gạo, lựa chọn mô hình tổ chức sản xuất lúa gạo phù hợp với các vùng sinh thái.

Thực chất “tái cấu trúc” là một quá trình và “tái cấu trúc” bao gồm nhiều tuyến: tuyến cấu trúc thị trường (phân khúc, hiệu quả...), tuyến cấu trúc sản phẩm (nhiệt đới, tiêu chuẩn...), tuyến cấu trúc chuỗi lợi ích (công bằng, chia sẻ...), tuyến cấu trúc sản xuất (quy mô, lợi thế...), tuyến cấu trúc lao động (chuyển dịch, chuyên nghiệp...).

Mục tiêu an ninh an toàn lương thực, thực phẩm phải gắn liền với ứng phó biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ nông nghiệp cacbon thấp là các nội hàm hữu cơ của “tái cấu trúc” nông nghiệp hiện nay.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm