| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý bản nghèo

Thứ Năm 14/03/2013 , 13:33 (GMT+7)

Nằm lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn, bản Ka Lô (huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, Lào) được biết đến với tên gọi là bản… xe máy. Dù nghèo đói quanh năm, sống nhờ vào nương rẫy, thế nhưng, nhờ cơn lốc đào đãi vàng sa khoáng, cả bản có 64 hộ dân thì hộ nào cũng có xe máy cả.

Nằm lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn, bản Ka Lô (huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, Lào) được biết đến với tên gọi là bản… xe máy. Dù nghèo đói quanh năm, sống nhờ vào nương rẫy, thế nhưng, nhờ cơn lốc đào đãi vàng sa khoáng, cả bản có 64 hộ dân thì hộ nào cũng có xe máy cả, có gia đình mua cả 3-4 chiếc xe trong nhà.

Đói cũng phải tậu xe xịn

Sau hơn 2 giờ đồng hồ “nẹt bô” từ cửa khẩu Tà Vang, qua những cơn dốc dựng đứng, những ổ gà ổ voi sâu hun hút đến nhức cả mắt, bản làng Ka Lô hiện ra với những mái nhà lợp tôn xanh lẫn với những căn nhà mái tranh vừa mới xây dựng. Từ xa, tiếng gà rừng gáy te te như gợi về một vùng núi còn hoang sơ, nguyên bản.

Tới Ka Lô đã quá giờ trưa, con đường đất vào bản màu đỏ quạnh, bụi tung mịt mù bởi những “quái xế” vừa tậu xe máy mới về mang ra… chạy thử. Tuy bản Ka Lô là của nước bạn nhưng đa phần cư dân ở đây là người Pa Cô, Tà Ôi xưa kia sống sát biên giới, nên họ vẫn nói được dù lơ lớ tiếng Kinh, tiếng Lào. Gặp chúng tôi, hỏi về đời sống của bà con, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Ka Lô Soong Choang chép miệng: “Chắc nhà bảo (nhà báo-PV) chưa thấy nơi mô lạ lùng như ri, từ sau khi mấy Cty đem đến đây mấy cái máy đào vàng, trai trẻ trong làng đổ xô xuống suối Pà Lê xin làm thuê mót vàng. Mỗi ngày tiền công được cả trăm nghìn tiền Lào, được đồng nào mang về mua xe máy hết. Nhà ít thì một chiếc, nhà nhiều cả 3-4 chiếc, tiền xăng thì cứ bán khoai sắn, ra chợ A Đớt gùi vào mà chạy”.


Nhiều hộ gia đình ở Ka Lô dù cơm không có ăn vẫn tậu 4-5 chiếc xe

Nói đoạn, ông dẫn chúng tôi đi dạo quanh bản, từ trên những căn nhà sàn, nhiều đám thanh đầu xanh đầu đỏ đang bày tiệc rượu, chúc tụng nhau inh ỏi, hàng chục xe máy bỏ tràn ra cả sân. Chỉ tay vào chiếc xe Wave@ còn mới cóng, Soong Choang bảo: “Đó, con xe này thằng Hồ Văn Giơ mới tậu đầu tuần trước, nó làm thuê vàng được mấy chục triệu, liền ra thị trấn A Lưới (TT- Huế) mua xe mang vào ngay. Ngày chạy xe vào, đường đầy bùn đất, ngã vỡ cả mang xe. Hôm sau nó mang xe ra thị trấn thay mang, “độ” luôn lốp sau lại cho răng bánh thật dày, phù hợp với đường đi của bản”.

Thấy như đang “bàn luận” về chiếc xe máy của mình, Giơ từ trên nhà sàn bước xuống, mặt đỏ gay, người nồng nặc hơi men. Giơ nói như phân trần: “Thấy trai bản ai cũng mua xe nên miềng cũng đi mua một chiếc. Tiền miềng đi làm vàng mấy tháng nay đó, mua vừa đủ chiếc xe, số tiền dư còn lại miềng chở luôn bon xăng ngoài đó vào vì đường ở đây ra ngoài đó xa lắm, gần 20 cây số đường rừng mà trong bản không ai bán xăng cả".

Nhà của Giơ rất nghèo, chỉ được mấy sào sắn trồng trên đồi A Mớ không đủ… nấu rượu. Trước đây, nhà Giơ lợp bằng mái tranh nền đất, nhờ cán bộ biên phòng Đồn cửa khẩu A Đớt (Việt Nam) sang mua tôn dựng nhà gỗ giúp. Theo “thống kê” của trưởng thôn Soong Choang, trong đầu năm 2013 đã có hơn chục thanh niên trong bản ra A Lưới tậu xe máy về như trường hợp Hồ Văn De mua xe Jupiter 26 triệu đồng, Hồ Văn Nhạo mua mua xe Sirius 24 triệu đồng…


Trai bản Ka Lô sắm xe máy mới chạy rầm rập

Hầu hết các hộ dân mua xe đều có hoàn cảnh rất khó khăn, có hộ còn đói đứt bữa. Như gia đình Hồ Văn De, bố De mất sớm, mẹ bệnh tật quanh năm, trong nhà có nương rẫy nhưng cũng chẳng có ai chí thú làm ăn, trồng trọt. Hôm chúng tôi đến, trong căn nhà tuềnh toàng, De dắt chiếc xe máy ra giữa sân lau chùi bụi. Cả tháng nay không có tiền ra A Đớt mua xăng nên đành bỏ xó xe ở nhà. De nói như tiếc rẻ: “Bữa trước mình làm vàng mua được xe tay ga, nhưng về đường bản xấu quá không chạy được. Giờ mua xe này bên chủ vàng chưa trả tiền nên không có tiền mua xăng mà chạy nữa”.

Chuyện thanh niên mua xe máy về, chạy chưa quen nên ngã nhiều như cơm bữa ở Ka Lô. “Tháng trước, thằng Hồ Ếch ở đầu bản, ra A Lưới mua xe mới về chưa kịp chạy vô bản đã bị tai nạn gãy cả chân giờ đang nằm viện", trưởng ban Soong Chang nói buồn buồn.

Vừa học vừa uống rượu

Từ bản Ka Lô phóng tầm mắt về dòng sông Trôn, rồi suối Pà Lê, đồi A Mớ, đâu đâu đều thấy núi rừng tan hoang bởi nạn đào đãi vàng. Cùng với đó là việc bà con Ka Lô đốt nương làm rẫy, đã làm nhiều cánh rừng bị thiêu rụi. Cơn lốc vàng không mang đến cuộc đổi đời cho cư dân bản Ka Lô nhưng lại mang lại nhiều tai ương, hệ lụy. Anh Langchangphen, công an huyện Ka Lum phụ trách địa bàn này, cho biết: “Bà con ở đây đời sống còn rất khó khăn bởi từ xưa đến nay chủ yếu dựa vào nương rẫy là chính. Khi Cty mở “công trường vàng” trên các triền đồi, khe suối, mỗi hộ dân được đền bù bình quân 4-5 triệu đồng tiền Lào. Số tiền trên bà con không đầu tư vô sản xuất mà mang ra mua xe máy, sắm sang giàn karaoke, mua rượu bia gùi vào nhậu nhẹt liên miên suốt ngày. Bởi bà con dân bản cứ ỷ lại, thiếu gạo thì có cán bộ lo, nhà thì do cán bộ biên phòng làm cho".


Bản nghèo nhưng mỗi nhà có vài chiếc xe máy là chuyện bình thường

Nghe những lời tâm sự của anh Langchangphen, mới biết hết những nỗi lòng của người cán bộ nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Nương rẫy của bà con chủ yếu trồng sắn và trồng mía, cây lúa rẫy mùa được mùa mất theo từng con nắng nên nhiều hộ dân phải chạy ăn từng bữa. Diện tích đất trồng ít ỏi, đã thế phải nhượng đất trồng cây thuốc lá, hút phì phèo quanh năm. Thế nhưng, từ đầu bản đã thấy 5 nồi nấu rượu khói lên nghi ngút được đặt bên triền đồi. Hỏi ra mới biết là lò nấu rượu của gia đình bà Hồ Thị Oi, nơi cung ứng rượu duy nhất cho thanh niên trong bản. Lượng rượu do thanh niên tiêu thụ trong bản nói như anh Langchangphen nhanh đến… chóng mặt.

Rượu bia cũng là vấn nạn với những câu chuyện nhiều khi cười ra nước mắt ở Ka Lô. Không chỉ là các cuộc rượu của thanh niên, những người lớn tuổi trong bản cũng giết thời gian trong men rượu. Những lớp “bình dân học vụ” thời bình vào ban đêm của cư dân Ka Lô cũng được bày ra trên…tiệc rượu. Thầy chưa dạy được chữ nào đã hoa cả mắt vì rượu sắn của dân bản, đành lủi thủi ra về.

Theo anh Langchangphen, tình trạng trai bản không có giấy phép lại xe, thường xuyên nhậu nhẹt, chạy xe phóng nhanh vượt ẩu diễn ra thường xuyên ở bản. Mặc dù trưởng thôn, công an nhắc nhở nhiều nhưng bà con lại đưa ra “cái lý”: “Phải mua xe về mới biết chạy chứ không có xe, không biết chạy sao lại lấy được bằng lái?”. Nghe dân bản nói cũng “có lý”, nên cũng đành chịu!

Cơn lốc vàng cũng cuốn nhiều học sinh rời bỏ lớp học, lên với núi rừng. Ở Ka Lô có 2 thầy cô giáo cắm bản phụ trách chừng 60 học sinh là con em trong bản. Thế nhưng, thời gian thầy cô lên rẫy thuyết phục học sinh trở về lớp học nhiều hơn thời gian trên bục giảng. Nhiều trường hợp thầy giáo phải đến từng nhà, chỉ cho từng con chữ, con số, thế mà số học sinh vẫn cứ vơi dần. “Ở đây học sinh thích thì đi học, không thích thì nghỉ, lên rừng bẻ măng, mình phải đi vận động mất thời gian lắm. Nhiều gia đình không cho con em đến trường, với lý do... ngồi mỏi lưng, mình phải lên tới rẫy, nài nỉ từng em mới đủ con số học", thầy giáo Hồ Văn Xơi tâm sự. 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất