| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý “cao, thấp” ngành mía đường

Thứ Tư 24/08/2011 , 10:10 (GMT+7)

Những yếu tố cần cao như năng suất và chữ đường thì ở ta lại quá thấp, ngược lại tỷ lệ tiêu hao mía/đường thì lại quá cao so với khu vực và thế giới.

Những yếu tố cần cao như năng suất và chữ đường thì ở ta lại quá thấp, ngược lại tỷ lệ tiêu hao mía/đường thì lại quá cao so với khu vực và thế giới. Điều này đã khiến cho ngành mía đường Việt Nam thời gian qua hoạt động rất ì ạch. Đó là những nghịch lý được các đại biểu đưa ra mổ xẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Sản xuất và tiêu thụ mía” do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia vừa tổ chức tại Hậu Giang.

Mở đầu diễn đàn, ThS. Tô Văn Huấn (Cục Trồng trọt) đã làm nóng hội trường có sức chứa gần 400 người của Thành ủy Vị Thanh bằng việc chỉ ra rất nhiều bất cập trong sản suất mía hiện nay. Theo ông Huấn, niên vụ 2010-2011, diện tích mía của cả nước là 271.400 ha, tăng 6.348 ha so với vụ trước. Diện tích tăng thêm chủ yếu là ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong khi đó ở Miền Bắc và khu vực ĐBSCL diện tích cây mía lại giảm.

Năng suất mía bình quân của cả nước đạt 60,5 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 16,4 triệu tấn, tăng 2,9 triệu tấn so với niên vụ trước. Mặc dù sản lượng tăng nhưng cũng chỉ đáp ứng 74% công suất thiết kế của các nhà máy, trong đó thấp nhất là miền Bắc chỉ đạt 53,7%, miền Trung – Tây Nguyên 74,8%, miền Nam 90,3%.

Mặc dù những năm qua Việt Nam đã nhập nội và chọn tạo trong nước được một số giống mới có năng suất và chất lượng tốt như: MEX 105, K88-65, VN84-1427, VN84-422, VD93-159, QD94-119, Liễu Thành 00-236, Việt Đường 55… Tuy nhiên, do hệ số nhân giống thấp và thiếu nguồn nhân lực nên đến nay diện tích canh tác các giống mía này còn rất khiêm tốn.

 Ông Huấn cho rằng: “Ngành mía đường Việt Nam thời gian qua phát triển ì ạch là do công tác chuyển đổi giống mía quá chậm. Hiện các giống mía có năng suất, chữ đường thấp còn chiếm tỷ lệ rất lớn, lên đến trên 60% diện tích. Ngoài ra, công tác thu mua, chế biến chưa thật sự hợp lý cũng là rào cản không nhỏ”.

Cũng cùng quan điểm này, TS. Cao Anh Đương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Mía đường cho rằng, phần lớn nông dân hiện nay chưa quan tâm nhiều đến công tác đổi mới giống mía. Nhiều hộ vẫn lấy mía thịt làm mía giống dẫn đến dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất, chất lượng không cao.

“Mà năng suất, chất lượng mía thấp thì đương nhiên năng suất đường sẽ thấp. Việt Nam hiện chỉ đạt 4,24 tấn đường/ha (mục tiêu đặt ra là 5 tấn/ha), trong khi các nước trong khu vực và thế giới đạt từ 6-7 tấn/ha. Hệ số tiêu hao mía/đường của thế giới chỉ 8-9 mía/1 đường, còn của ta hiện nay lên đến 11 mía/1 đường. Chính đều này khiến ngành mía đường Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với bên ngoài”, TS. Đương nhấn mạnh. Ngoài ra, phương pháp thu hoạch mía của nông dân hiện nay như: chặt gốc cao và không róc lá cũng làm cho mía hao hụt nhiều. Trong khi đó, phần gốc mới chính là nơi có chữ đường cao nhất.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Cty Mía đường Cần Thơ- CASUCO, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của ngành hiện nay. Theo ông Long thì bất cập lớn nhất là ở khâu tiêu thụ. Việc tranh giành vùng nguyên liệu giữa các nhà máy, ép mía non, quá lứa… đã làm cho cây mía bị giảm chất lượng rất nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay cây mía vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng tầm, nhiều nơi cây mía đang bị dồn vào những khu vực sỏi đá, để nhường chỗ cho cây cao su, khoai mì… Người nông dân thì thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, giá mía lại bấp bênh. Việc liên kết giữa nông dân và các NM cũng chưa thật sự tốt, có khi mía từ nơi thu hoạch đến khi đưa vào chế biến mất cả tuần.

Ông Phạm Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, để cây mía phát triển bền vững, khắc phục được những bất cập hiện nay thì các cơ quan chức năng cần phải quan tâm đẩy mạnh khâu nghiên cứu giống, nhanh chóng đưa các giống mới vào sản xuất.

Ông Long cho rằng, để cây mía phát triển được thì phải nhìn nhận đúng vai trò của nó. Vì cây mía không chỉ là cây lương thực mà còn là cây năng lượng (sản xuất xăng sinh học). Hiện nay, Việt Nam đang có 2 triệu nông dân sống bằng nghề trồng mía. Và chính nông dân mới là người quyết định làm ra đường chứ không phải NM. Vì vậy, cần phải làm tốt khâu liên kết giữa nông dân, tổ chức thu mua và NM chế biến.

Tại Diễn đàn, những nông dân trồng mía đã đặt ra câu hỏi cho các nhà khoa học: Cần làm gì để có được ruộng mía vừa đạt sản lượng cao vừa có chữ đường cao. Theo các nhà khoa học thì rất khó có thể đạt được cả hai yếu tố này. Trên thực tế, những vùng sản xuất mía có sản lượng cao như ĐBSCL thì thường chữ đường thấp và ngược lại (như miền Bắc). Vì vậy, nông dân cần nắm vững yếu tố này để quyết định chọn giống mía cho phù hợp. Những vùng chữ đường thấp thì nên chọn loại cho sản lượng cao để bù lại. Còn vùng nào sản lượng thấp thì phải chọn giống có chữ đường cao. Làm sao đảm bảo được năng suất đường trên diện tích cao là được.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.