Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Sở dĩ Thủ tướng phải kiên quyết như vậy, vì ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp và quyết định nhiều giải pháp để đảm bảo đủ điện cho cả nước đến sau năm 2020. Bởi nếu để nền kinh tế thiếu điện, thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Thế nhưng tại cuộc họp này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo cáo: Việc không đảm bảo cung cấp đủ than đã dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện than. Cộng thêm các nhà máy thủy điện không tích đủ nước, sản lượng điện khí giảm, vì thế có thể EVN phải cắt điện ngay trong những tháng đầu năm 2019, khả năng thiếu điện trong mùa khô năm tới sẽ rất cao và có thể kéo dài đến hết năm 2019.
Thủy điện không tích đủ nước, sản lượng điện khí giảm. Những chuyện đó, thôi hãy bàn sau. Nhưng mà nhiệt điện thiếu than đến mức phải dừng hoạt động (mà cụ thể là 2 trong 4 tổ máy của nhiệt điện Quảng Ninh đã phải dừng rồi) thì kỳ quặc thật. Việt Nam là đất nước của than đá. Mỗi năm khai thác tới hàng chục triệu tấn, có thừa than để xuất khẩu ra nước ngoài. Thế mà nhiệt điện trong nước lại thiếu than? Dẫu số nhà máy nhiệt điện than không nhiều. Không ai có thể tin được. Thế mà điều đó lại là sự thật.Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo một số chuyên gia kinh tế, sở dĩ có tình trạng đó là vì theo quy định hiện hành, EVN chỉ được mua than từ hai đầu mối là Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc. TKV và Tổng công ty Đông Bắc lại là hai đơn vị được toàn quyền điều phối than sản xuất trong nước, xuất khẩu và nhập khẩu than. Thế nghĩa là ngoài hai đơn vị đó ra, thì các nhà máy nhiệt điện than không còn biết trông vào nguồn nào khác. Cơ chế cung cấp than, như vậy, vẫn hoàn toàn là một cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, cơ chế độc quyền, chứ chưa có bất cứ một sự thay đổi nào, dù đất nước đã “mở cửa” chuyển sang cơ chế thị trường hơn 30 năm. Với một cơ chế như vậy, một khi hai đơn vị này quay lưng, thì nhiệt điện than trở thành đói than, thậm chí phải dừng phát điện, là chuyện hết sức bình thường.
Khi chỉ có hai doanh nghiệp nắm độc quyền chi phối về than, thì đương nhiên sự cạnh tranh bị triệt tiêu, giá cả sẽ không còn là giá thị trường nữa, vì do hai đơn vị đầu mối này quyết định chứ không còn là giá cung- cầu. Các nhà máy nhiệt điện than biết rõ mình cần loại than nào? Chất lượng ra sao? Giá cả và đối tác nào? Nhưng lại đành bó tay.
Vậy, để xóa bỏ tình trạng này, thì điều duy nhất có thể làm, là xóa bỏ độc quyền cung cấp than, tạo ra cơ chế thị trường đối với than và điện. Một khi sự độc quyền được xóa bỏ, thi các nhà máy nhiệt điện than có thể chủ động hoàn toàn về nguồn nguyên liệu.