| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý rừng Đăk Nông

Thứ Sáu 17/12/2010 , 09:58 (GMT+7)

“Lực lượng” lâm tặc tại Đăk Nông nói riêng và các vùng nói chung ngày càng ngông cuồng hung hãn hơn. Vấn đề đặt ra là Đăk Nông làm gì để giữ được rừng?

Hơn 1.000 ha rừng tại tiểu khu 1541, xã Đăk Ngol, huyện Tuy Đức biến thành rẫy mỳ

Đăk Nông, một trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng. Mỗi năm tỉnh này mất ít nhất hơn 200 ha rừng. Riêng trong năm nay, hơn 500 ha rừng bị cạo trọc. Điều đáng lo ngại hơn là “lực lượng” lâm tặc ngày càng ngông cuồng hung hãn hơn. Vấn đề đặt ra là Đăk Nông làm gì để giữ được rừng?

Rừng chỉ còn trên bản đồ

Theo số liệu sơ kết 5 năm (2004- 2009) thực hiện Chỉ thị về việc thực hiện các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng, Đăk Nông có hơn 1.765ha rừng bị “cạo trọc”. Cụ thể lần lượt theo các năm là 176,3ha, 385ha, 326ha, 201ha, 438,8ha và trong 5 tháng đầu năm 2009 là 237,85ha. Còn cho đến nay thì con số ấy phải cộng thêm chừng 1.000ha nữa.

Thế nhưng lãnh đạo ngành này từng thừa nhận đấy cũng chỉ mới là báo cáo. Con số thực còn lớn hơn nhiều. Lực lượng bảo vệ rừng (LLBVR) không giảm đi, các biện pháp giữ rừng vẫn được liên tục triển khai, nhưng thực tế rừng mỗi ngày một mất nhiều hơn. Tại “điểm nóng” Đăk Ngol (huyện Tuy Đức), ông Lê Văn Minh, Chủ tịch xã này, nói thẳng: “Rừng chỉ còn trên bản đồ”.

Mùa khô này được dự báo là một mùa…phá rừng bởi cây sắn được giá. Dự báo đó đã đúng khi mới bước vào mùa khô đã xảy ra hai vụ lâm tặc tấn công LLBVR. Hai vụ việc đều xảy ra ở lâm phần của Cty TNHH MTV Quảng Tín (huyện Đăk R’Lấp, Đăk Nông. Ông Trần Văn Lợi, PGĐ đơn vị này, ngao ngán: “Rừng không giữ được thì cố giữ lấy đất để sau này trồng cao su thôi”.
Năm 2008, tại xã Đăk Ngol có ít nhất 30 Cty thuê đất rừng với những dự án khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng rất hoành tráng…trên giấy. Thực tế rừng chỉ bị mất nhiều hơn. Vài ví dụ như: Cty TNHH Long Sơn để mất 353,3ha, DNTN Phạm Quốc mất 160ha, Cty TNHH Hoàng Thiên mất 157,3ha, Cty CP Kiến Trúc Mới mất 312ha…Tại huyện Cư Jút, 4.427,2ha rừng giao cho 2 dự án trồng cao su, sau 3 năm, hơn 1/3 diện tích ấy thành rẫy.

Theo Sở NN - PTNT tỉnh, trong hơn 16.000 ha rừng giao cho 31 DN trồng, bảo vệ rừng, đã có 1.744,8ha bị tàn phá. Không chỉ thế lâm tặc còn ngang nhiên lộng hành ở rừng đặc dụng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Đăk Ray Sáp sau nhiều lần đổi chủ, người dân đã chiếm 1/3 diện tích. Những cây gỗ có giá trị đã được lâm tặc “tận thu”, cái để lại chỉ là những mảng rừng nghèo.

Người giữ rừng sợ lâm tặc

Ngày 28/7, hơn 50 lâm tặc tấn công LLBVR của Cty TNHH MTV Trường Xuân. Chúng không chỉ đánh người, đập phá xe cộ mà còn trói LLBVR, nhét đất vào mồm, bắt quỳ lạy và đòi tiền chuộc (NNVN đã có bài phản ánh)…Nửa tháng sau, anh Hồ Văn Thuật, một trong số những người bị lâm tặc hành hạ, bị bắt giam đúng 90 ngày vì đã gây thương tích cho lâm tặc 8%. Sau khi được thả, anh Thuật từ chối lời mời về Cty cũ để tiếp tục làm việc vì đã…quá sợ.

“Tôi không thể tiếp tục công việc vì không được bảo vệ”- anh Thuật nói. Trước đó, ngay sau khi anh Thuật bị bắt, 5 đồng nghiệp của anh cũng vì quá lo sợ đã tự động bỏ việc mà không cần chờ nhận lương. Ông Trần Quyết Tâm, giám đốc đơn vị này cho biết, hiện cán bộ gián tiếp của Cty và ngay cả ông cũng phải đi giữ rừng. Tuy nhiên, nếu phát hiện lâm tặc, LLBVR cũng chỉ dám đuổi chứ không dám bắt.

Cuối tháng 11, tại Công ty TNHH MTV Quảng Tín, hơn 50 lâm tặc vây LLBVR đánh đập, đòi cướp súng, bắt họ ăn bùn, phá xe cộ…vì họ dám ngăn cản chúng phá rừng. Một ngày sau đó, cũng trên lâm phần của đơn vị này, khoảng trên 20 lâm tặc lại tiếp tục đuổi đánh 3 cán bộ BVR. Sự việc cũng đã khiến LLBVR ở đó hết sức hoang mang. “Cứ tình trạng này, chúng tôi khó mà giữ được rừng”- ông Lợi nói với chúng tôi.

Đâu là nguyên nhân?

Về vụ việc xảy ra hôm 28/7, ông Nguyễn Hữu Quân- Phó trưởng Công an huyện Đăk Song cho biết, 5 đối tượng “đầu sỏ” trong vụ án hiện vẫn chưa thể bắt. Còn ở Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, ông Thân Văn Hòa, giám đốc Cty cho biết, chỉ trong vòng 2 năm qua, LLBVR đã 7 lần bị lâm tặc chống trả. Nhưng đến nay, đơn vị ông vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào từ phía cơ quan chức năng.

Trong đó có những vụ nổi cộm như vụ hôm 20/11/2008. Hàng chục lâm tặc dùng cưa máy phá hơn 5 ha rừng tại TK 1525. Khi LLBVR phát hiện, thì có 4 đối tượng dùng máy cưa tấn công ngược. Vụ việc khiến anh Ngô Đức Tuấn bị thương nặng ở lồng ngực. Chưa hết, sau khi khống chế được đối tượng này, trên đường dẫn giải về đã bị gần 30 lâm tặc dùng cưa máy, gậy gộc chặn đường tấn công cướp súng, còng và người. Ngoài anh Tuấn, 2 người nữa cũng bị đánh trọng thương. Cũng trong năm 2008, cả Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức, cũng bị lâm tặc tấn công.

Tình trạng di dân tự do và vấn nạn mua bán đất rừng trái phép được chính quyền Đăk Nông xác định là vấn đề mấu chốt của nạn phá rừng. Tỉnh này có chủ trương, đối với những diện tích rừng bị phá trước năm 2004 thì khoanh lại cho dân còn thời điểm sau đó thì rà soát lại. Nếu người dân thật sự thiếu đất thì nghiên cứu cấp còn ngược lại thì phải kiên quyết thu hồi nhưng phải hỗ trợ tiền khai hoang cho dân.

“Nhưng ai rà soát? Dân dựa cớ ấy cứ than thiếu đất. Cuối cùng gánh nặng vẫn đè lên chủ rừng”- ông Lợi bức xúc. Cũng theo ông Lợi, thực tế người dân không thiếu đất mà vì họ đã bán hết đất. Còn ông Tâm cho biết: “Nếu diện tích đất của xã Trường Xuân chia đều cho dân trong xã thì mỗi người có xấp xỉ 10ha”. Nhưng người dân vẫn luôn kêu thiếu đất. Đấy chính là hậu quả của tình trạng buôn bán đất rừng trái phép. Nhưng ai là người đứng ra kiểm soát việc này? Câu trả lời là không ai cả.

Trao đổi với PV,  ông Đỗ Thế Nhữ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông thừa nhận, lâu nay, việc xử lý của cơ quan chức năng chỉ ở phần ngọn. Người bị xử lý có chăng cũng chỉ là vài dân nghèo làm thuê để kiếm chén cơm. Kẻ ném đá giấu tay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Theo ông Nhữ thì tỉnh vẫn biết việc này song do năng lực của công an, kiểm lâm các huyện còn yếu nên không thể lần ra manh mối kẻ đứng sau. “Tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc, điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng đứng sau xúi giục”- ông Nhữ khẳng định.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất