| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/09/2019 , 09:33 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:33 - 26/09/2019

Nghịch lý tỉnh nghèo lại nhiều trạm BOT

UBND tỉnh Bình Phước vừa có văn bản điều chỉnh mức thu phí đối với 4 trạm BOT trên địa bàn.

Trạm BOT Đồng Xoài - Phước Long.

Đó là 2 trạm BOT trên Quốc lộ 13 đoạn từ Tham Rớt đến Bình Long và 2 trạm BOT trên đường ĐT 741 đoạn từ Đồng Xoài đến Phước Long. Mức giảm dao động từ 3 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng, tùy theo từng loại xe. Động thái tích cực của UBND tỉnh Bình Phước tạm thời giải quyết bức xúc của các chủ phương tiện thường xuyên hoạt động ở địa phương này, nhưng lại cho thấy một nghịch lý vẫn đang tồn tại: tỉnh nghèo phải gánh chịu nhiều trạm BOT!

Tách ra từ tỉnh Sông Bé, so với tỉnh Bình Dương thì tỉnh Bình Phước có nền tảng kinh tế chật vật hơn rất nhiều. Thế nhưng, hiện nay toàn tỉnh Bình Phước có tất thảy 7 trạm BOT, và dự kiến sẽ tăng thêm 2 trạm nữa vào đầu năm 2020. Vì sao có thực trạng oái oăm như vậy? Lý do đơn giản nhất để giải thích là hạ tầng giao thông của địa phương có giá trị gần bằng 0, nên phải kêu gọi đầu tư toàn bộ.

Với vòng vây trạm BOT dày đặc với mức giá cao, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước đứng trước nguy cơ khốn đốn vì tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, đã buộc phải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng trung ương. Cũng may, những lời than thở đã được hồi đáp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương rà soát việc thực hiện điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 3291/2019 và số 4139/2018.

Những phương tiện có dịp đi qua tỉnh Bình Phước đều không khỏi ngạc nhiên về sự xuất hiện các trạm BOT nhiều như giăng lưới. Nông sản của tỉnh Bình Phước làm sao đủ sức cạnh tranh trên thị trường, khi chi phí vận chuyển phải cộng thêm bao nhiêu khoản tiền trả cho trạm BOT. Đặc biệt, khoảng cách giữa trạm BOT nọ với trạm BOT kia không tuân thủ giới hạn tối thiểu 70 km như quy định.

Tuyến đường ĐT741 từ thị xã Phước Long về TPHCM có tới 6 trạm thu phí là Bù Nho - Đồng Xoài (có khoảng cách 48 km), Đồng Xoài - Tân Lập (có khoảng cách 29km), Tân Lập - Bố Lá (có khoảng cách 30km), Bố Lá - Suối Giữa (có khoảng cách 58km), Suối Giữa - Lái Thiêu (có khoảng cách 17,2km).

Còn tuyến quốc lộ 13 từ huyện biên giới Lộc Ninh đến ranh giới huyện Bàu Bàng - Bình Dương chỉ dài 70 km nhưng lại có đến 3 trạm thu phí, dù mặt đường từ cầu Tham Rớt đến ngã ba Chiu Riu chất lượng rất kém! Khó hiểu nhất là trạm BOT Suối Giữa thu phí cho dự án mở rộng đường ĐT 744 từ Thủ Dầu Một đi Dầu Tiếng, nhưng lại đặt ngay trên quốc lộ 13 khiến hành trình Bình Phước - TPHCM mất thêm một khoản phí oan uổng!

Nghịch lý tỉnh nghèo lại nhiều trạm BOT không chỉ xảy ra ở Bình Phước. Bởi lẽ, Đắc Nông là tỉnh duy nhất trên cả nước vẫn chưa có thành phố trực thuộc tỉnh, nhưng lại có đến 3 trạm BOT nằm trên Quốc lộ 14 đi qua địa phương. Có lẽ đã đến lúc cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân các tình nghèo khỏi gánh nặng từ những trạm BOT.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm