| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu chăn nuôi - không thể 'quanh vòng'

Thứ Ba 15/01/2019 , 09:24 (GMT+7)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Viện Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, công tác nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi thời gian tới phải thay đổi căn bản tư duy trên tinh thần bứt phá, không nên giữ nếp cũ trong vùng an toàn kiểu "quanh vòng".

13-33-28_hun-chuong-lo-dong-hng-b
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng 3 cho ông Nguyễn Quý Khiêm và Phạm Tất Thắng

Ghi nhận những thành tích của Viện Chăn nuôi trong năm 2018 vừa qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, không nên lấy hoàn cảnh hiện tại của Viện Chăn nuôi hiện nay so với một số khối viện nghiên cứu khác trong Bộ, là khá hơn nhiều, khi vẫn có thu nhập để “quanh vòng” trong vùng an toàn.

Có đại diện Bộ KH-CN, Vụ KH-CN và Môi trường (Bộ NN-PTNT) tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, từ những năm tiếp theo trong công tác xét duyệt đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ cần chọn cách tiếp cận đổi mới, những đề tài nào ra tấm ra món, có trọng tâm trọng điểm nên ưu tiên và có kế hoạch duy trì trong trung, dài hạn, những đề tài, dự án lặt vặt nên thôi.

Theo Thứ trưởng, khoa học phải luôn đi trước đón đầu thực tiễn, thúc đẩy sản xuất nên cần phải có cơ sở. Cơ sở ở đây chính là thị trường là đầu ra cho các công trình nghiên cứu sau khi hoàn thành. Muốn đạt được mục tiêu đó chẳng có con đường nào khác phải có kế hoạch hành động rõ ràng, cụ thể, bám sát nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường, điển hình là các doanh nghiệp tư nhân đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây, như Dabaco, Minh Dư, CP, Masan…

“Dù có đề tài, công trình nghiên cứu đã và đang mang lại hiệu quả tốt, song cũng phải thừa nhận vẫn còn tồn tại những đề tài sáng họp tại hội đồng nghiệm thu vỗ tay ầm ầm, chiều họp tiểu ban vắng hoe vắng hoắt, bởi làm gì có doanh nghiệp đồng hành và sẵn sàng chuyển giao sản phẩm ra thực tiễn đâu. Do đó, nhất định trong năm 2019 và các năm tiếp theo Viện Chăn nuôi phải thay đổi căn bản mang tính bứt phá trong nhiệm vụ này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo TS. Phạm Công Thiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chăn nuôi, năm 2018 Viện Chăn nuôi đã triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ KH-CN cấp Nhà nước và 45 nhiệm vụ cấp Bộ, tham gia chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu cho 48 nhiệm vụ KH-CN với các doanh nghiệp và địa phương.

13-33-28_vit-bien-15-di-xuyen
Năm 2018 Viện Chăn nuôi có 9 tiến bộ KHKT được Bộ NN-PTNT công nhận
"Áp lực hội nhập và thị trường hiện vô cùng lớn, đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự có trách nhiệm, có tâm huyết và hơn hết phải có tư duy vượt thời gian, bứt phá khỏi vùng an toàn theo lối mòn bao năm qua”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Trong năm 2018, Viện Chăn nuôi tạo dấu ấn lớn khi tổ chức thành công hội nghị KH-CN chuyên ngành chăn nuôi thú y toàn quốc tháng 8/2018. Có 6 sản phẩm KH-CN của Viện đã được Bộ NN-PTNT trao giải thưởng Bông lúa vàng, 3 sản phẩm KH-CN được trao tặng giải thưởng Sản phẩm vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Năm 2019, Viện Chăn nuôi thực hiện 10 nhiệm vụ cấp Nhà nước, trong đó 2 nhiệm vụ mới và 8 nhiệm vụ chuyển tiếp, 38 nhiệm vụ cấp Bộ, 35 nhiệm vụ hợp tác trong nước, 36 nhiệm vụ thường xuyên. Viện cũng tiến hành thay đổi công tác tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát thực địa việc thực hiện đề tài, dự án nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, sử dụng tài sản, phát huy tiềm năng lợi thế và chủ động hơn nữa trong việc liên doanh liên kết với doanh nghiệp, địa phương để tăng ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm vào đời sống thực tiễn sản xuất.

Cũng tại hội nghị tổng kết Viện Chăn nuôi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương Nguyễn Quý Khiêm và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển heo Bình Thắng Phạm Tất Thắng vinh dự được Chủ tịch nước tăng Huân chương Lao động hạng Ba; 6 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng và 2 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Trong năm 2018, Viện Chăn nuôi có 9 tiến bộ kỹ thuật được Bộ NN-PTNT công nhận, đó là: Dòng vịt V52, V57 và con lai thương phẩm VSM6; Gà lai ¾ Lương Phượng và ¼ VCN-Z15 (VBT1); Gà thương phẩm RiTN (Ri lai lai với gà TN3), gà thương phẩm RiTP (Gà Ri lai với gà TP1); Gà thương phẩm CLV (Gà chọi lai với gà LV2); Vịt thương phẩm SHST53 (Vịt SM SH1 lai với vịt Star 53); Quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu bằng tinh đông lạnh dạng cọng ra hiệu quả đạt tỷ lệ có chửa của đàn trâu cái trên 50%; Quy trình phòng, trị bệnh viêm vú bò sữa bằng kem nano bạc chitosan; Quy trình phòng, trị bệnh viêm móng bò sữa bằng dung dịch bà kem nano bạc.

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.