| Hotline: 0983.970.780

Ngỡ ngàng Ba Chẽ

Thứ Ba 30/03/2010 , 15:15 (GMT+7)

Người Dao xài ôtô, người Sán Chỉ chơi nhà lầu,…những điều tưởng chừng như không tin nổi ở các vùng cao thì với Ba Chẽ (Quảng Ninh) lại là chuyện rất đỗi bình thường. Tất cả chỉ với một chân lý đơn giản “có đất rừng thì không thể nghèo”.

Người Dao xài ôtô, người Sán Chỉ chơi nhà lầu,…những điều tưởng chừng như không tin nổi ở các vùng cao thì với Ba Chẽ (Quảng Ninh) lại là chuyện rất đỗi bình thường. Tất cả chỉ với một chân lý đơn giản “có đất rừng thì không thể nghèo”.  

Đất khó đẻ tiền

Trước khi lên Ba Chẽ tôi cứ đinh ninh lời mấy đồng nghiệp rằng lên đó chỉ có đói nghèo, u ám với món rượu ba kích đã thành thương hiệu. Dân vãng lai vẫn thường truyền tụng rằng ngày trước để vào được trung tâm Ba Chẽ nhất định phải tẩm qua một lớp bụi. Thậm chí có người còn ngoa ngoắt rằng, vào đến Ba Chẽ người bẩn đến mức không cần hỏi cũng biết không phải người địa phương. Rồi thì vào đây chỉ có uống rượu ba kích tím nhắm với đói nghèo và sự âm u của núi rừng vùng cao.

Quả thực thời ấy Ba Chẽ nghèo đói đến mức mỗi lần nhắc đến vùng cao này người ta luôn kèm theo mệnh đề “nghèo nhất Quảng Ninh”. Cũng chính vì giao thông cách trở nên cứ mỗi đợt lũ lụt, địa phương đầu tiên phải báo cáo thiệt hại đích thị phải là Ba Chẽ. Những lý do để Ba Chẽ nghèo không chỉ có thế, đây còn là vùng đất đông đồng bào dân tộc như Dao, Sán Chỉ, Tày…trình độ sản xuất rất thấp. Đến mức cán bộ điều về Ba Chẽ công tác đều bị xem như một mức án kỷ luật.  

Nhờ trồng rừng, dân Ba Chẽ thoát khỏi án nghèo đeo đẳng bao nhiêu năm

Phải loay hoay rất lâu, ông Trưởng phòng NN- PTNT huyện Ba Chẽ Đàm Minh Sơn lật hết danh sách này, số liệu nọ để thuyết phục tôi tin rằng Ba Chẽ bây giờ đã khác. “Trồng rừng đã thay đổi Ba Chẽ rồi”. Suốt buổi nói chuyện ông say sưa nói về rừng, nhân tố chính để Ba Chẽ không chỉ thoát nghèo mà còn giàu lên. Ông mở đầu bằng một câu mà ít ai ngờ nó phát ra từ miệng một cán bộ nông nghiệp ở vùng cao: “Bây giờ người ta lên Ba Chẽ không phải để cứu trợ gạo cho đồng bào thiếu đói mà là lên để tham quan các mô hình phát triển kinh tế”. Và để chứng minh, ông Sơn chỉ vào hàng loạt bằng khen Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tặng Ba Chẽ mấy năm liền vì công tác trồng và phát triển rừng quá tốt.

Ông Sơn còn bảo, trước đây vùng cao này nghèo vì đồi núi bao nhiêu thì bây giờ lại nhờ chính đồi núi để đi lên. “Mọi chuyện chỉ khác từ khi có Quyết định 1602 hỗ trợ nhân dân 80% giá giống cây lâm nghiệp, và Quyết định 4162 hỗ trợ 1- 2 triệu đồng/ha để trồng rừng”.

Hai quyết định như những cây đũa thần, nhờ đó Ba Chẽ mở rộng diện tích rừng với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính năm 2009 toàn huyện đã trồng mới 3.300 ha rừng, còn tính tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp trong vòng 5 năm qua, Ba Chẽ đạt gần 400 tỷ đồng. 

Ôtô, nhà lầu- chuyện nhỏ

Dọc các con đường bê tông vào các xã Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn...hai bên là những gò đồi gối lên nhau một màu xanh ngắt. Xe tải nườm nượp ra vào chở gỗ nguyên liệu. Cầm xấp tiền lớn vừa bán nửa ha rừng keo đến kỳ thu hoạch, Triệu Văn Sình, người dân tộc Dao ở xã Thanh Lâm- một trong nhiều điển hình trồng rừng miền sơn cước coi đó là chuyện quá bình thường.

Có tiền, nông dân Ba Chẽ lập luôn các xưởng chế biến gỗ nguyên liệu tại địa phương 

Trước đây nhà Sình nghèo rớt mùng tơi. Hai vợ chồng trẻ cùng 3 đứa con làm quần quật vẫn không đủ ăn. Vậy mà không thể ngờ rằng, mấy năm sau họ lại có nhà lầu để ở. Ngay cả khi được giao 5ha rừng và hỗ trợ giống má, tiền mặt thì cũng phải mất một thời gian dài mới hết cảnh chạy ăn.

Vừa kết hợp trồng keo nguyên liệu, thông mã vĩ, Sình vừa làm kinh tế trang trại chăn nuôi bò. Sau gần chục năm bám đất bám rừng, giờ được xem là thời điểm gia đình Sình có thể "ngồi mát ăn bát vàng" bởi rừng đã đẻ tiền. Hàng năm, gia đình Sình thu nhập cả trăm triệu đồng từ rừng và trang trại. Vừa đủ sức xây nhà cửa cho gia đình hai bênh nội ngoại vừa đủ nuôi gần chục công nhân làm trong xưởng mộc. Cảnh chạy ăn trong quá khứ đã trở thành gia vị để trong mỗi câu chuyện Sình đều phải có từ: Nhờ rừng.

Chỉ mới năm ngoái có một nông dân ở tận đỉnh Đèo Giăng của xã Lương Mông dám vượt mặt mấy đại gia ở thị trấn mua đám đất gần cả tỷ đồng ở mặt tiền chợ huyện. Tài sản của ông này đâu chừng hơn trăm con bò với gần chục ha rừng và một trang trại nuôi nhím, lợn rừng hằng năm cho thu nhập không tính bằng tiền triệu.Hỏi ông tiền đâu lắm thế, cũng giống Sình ông bảo: Nhờ rừng.

Nhờ rừng, gia đình Sình đổi đời, hàng ngàn hộ dân ở các xã vùng cao Ba Chẽ cũng đổi đời. Thế mới biết lời ông Sơn bảo rằng bây giờ người ta lên Ba Chẽ để tìm hiểu về các mô hình phát triển kinh tế là thực. Càng "choáng" hơn khi nghe ở miền sơn cước này bây giờ các chủ rừng chỉ thích…chơi ôtô. Nhẩm tính một lúc, ông Sơn chắc nịch rằng toàn huyện không dưới 10 chiếc xe con đời mới của các hộ trồng rừng sắm được. Còn chuyện nhà lầu thì ông không thể đếm xuể vì nhiều quá.

Xã hội hoá nghề rừng

Sau bao năm trồng rừng, giờ đây nông dân ở Ba Chẽ có thể mạnh miệng rằng: “Có đất rừng, làm thuê cũng đủ sống”. Để thẩm định kết luận nghe chừng hơi quá này tôi đã mò vào bản Khe Mén, nơi xa nhất của xã Thanh Lâm. Không điện, không đường, đất nông nghiệp cực ít nhưng có điều lạ là gần 40 hộ dân ở Khe Mén không bao giờ đói. Đơn giản một điều là các lao động trong bản chỉ cần đi bộ ra khỏi bìa rừng cắt gỗ nguyên liệu thuê cho mấy công ty kinh doanh lâm nghiệp và các chủ rừng cũng thừa sức mua gạo nuôi cả gia đình. Dân trông rừng chỉ việc chăm sóc cây lớn đã có người đến dạm mua mà chẳng cần quan tâm đến đầu ra thế nào.

Đất rừng Ba Chẽ vẫn còn thừa mứa. Dù đã giao cho 2.722 lượt hộ với 26.368 ha nhưng Ba Chẽ vẫn còn hơn 50 % diện tích đất lâm nghiệp làm vốn. Số này sẽ tiếp tục được giao trong các chương trình xã hội hoá nghề rừng.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.