| Hotline: 0983.970.780

“Ngơ ngơ đội nón” thi… hoa hậu

Thứ Năm 16/10/2014 , 08:58 (GMT+7)

Thoắt cái, đã 10 năm cuộc thi của các nàng “ngơ ngơ đội nón” trên thảo nguyên xanh Mộc Châu. 10 năm, 10 “vương miện”, và cũng là 10 lần hội mở cho đồng bào các dân tộc nơi đây chung vui./ Hội thi “Hoa hậu bò sữa Mộc Châu” lần thứ 10

Vất vả hơn chăm con mọn

Xin được nói luôn, “ngơ ngơ đội nón” chính là những “cô” bò sữa, những thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu bò sữa, được tổ chức bởi Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La). Cuộc thi này đang gây tranh cãi bởi chính cái tên của nó: “Hoa hậu”. Người thì cho rằng, cuộc thi hoa hậu trên đất nước này chỉ có một, đó là dành cho người, chứ còn “bò thì hoa hậu cái gì!”.

Tuy nhiên, những người am hiểu thì nói, bên Tây, bên Mỹ, họ còn có cả thi hoa hậu cho mèo, cho chó, thậm chí là… cho cá. Chứ còn thi hoa hậu bò ắt là chuyện bình thường. Có gì đâu mà “độc quyền” cái danh “cuộc thi hoa hậu”…

Còn người Mộc Châu, nhất là những người chăn nuôi bò, thì không quan tâm lắm đến việc bàn cãi ấy. Quan trọng nhất đối với họ, cuộc thi chính là ngày hội, là dịp để người ta gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi. Và, là dịp để tôn vinh những nỗ lực, cố gắng của người chăn bò trên cao nguyên nổi tiếng này.

Năm nay, hội thi tổ chức to lắm. Hơn 10.000 “cô” bò ở toàn cao nguyên đã trải qua 3 vòng loại, chọn ra được 135 ứng viên hoa hậu để so găng nhan sắc và “tài năng”. Sự tri ân những con bò cho sữa, cũng như sự tôn vinh những người nuôi bò cái chính là một phần của cuộc thi dành cho các nàng “ngơ ngơ đội nón”.

13-42-32_hhbs-6
Bò đoạt giải “hoa hậu” của gia đình ông Bùi Văn Định trên bục đăng quang

Nhưng, không phải cứ nuôi bò, vắt sữa rồi mang đi thi. Đằng sau cái danh “hoa hậu” ấy là vô số nỗi vất vả, cực nhọc của người nuôi bò. Tỷ như ông Trần Công Chiến, Tổng GĐ Cty, tuy là sếp, song vất vả đâu có kém gì nông dân. Ông Chiến bảo, người nông dân nuôi bò chúng tôi khổ lắm. Tôi là Tổng GĐ mà vẫn tự xưng mình là “Chiến bò”, không xưng thì người ta cũng gọi thân mật như vậy. Lúc đầu là nghề sau rồi nó thành nghiệp.

“Bố tôi “đánh Điện Biên” xong ở lại đây nuôi bò, giờ đến tôi và con tôi. Có khi bò nó húng hắng “ho khan” mấy tiếng, người tỷ phú chăn bò cũng vẫn phải mắc màn ngồi ở ngoài chuồng, canh me cho nó ăn uống ngủ nghỉ thuốc thang tử tế. Đều đặn tắm rửa, lau cọ, chải lông nắn vú cho nó. Nó yên thì mình mới thịnh, mới yên được. Một con bò sữa đẹp, bây giờ giá 80 đến 100 triệu đồng chứ ít đâu. Cái xe ô tô “cỏ” khối người Hà Nội đang diện bây giờ, có khi chỉ bằng giá một con bò sữa quê tôi thôi”, ông Chiến ví von.

Ngay đến tỷ phú như ông Lâm Thanh Trân, ông Nguyễn Văn Quất cũng vẫn là “nông dân một cục”. Ông Trân có 75 con bò sữa, còn ông Quất quản lý đến 125 “ứng viên hoa hậu”. Toàn tiền tỷ cả. Bởi mỗi tháng, những “cô” bò này cho các ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền bán bò. Thôi thì cứ đổ đồng, mỗi “cô” giá 80 triệu đồng, thì số tiền các ông đang sở hữu phải đến cả chục tỷ đồng chứ chả chơi.

Ông Trân vốn là một người kiệm lời, có lẽ người chăn bò nào cũng thế. Ông bảo, bây giờ, 75 con bò và bê của tôi, mỗi ngày cho khoảng 7-8 tạ sữa tươi, tính ra cũng được hơn 10 triệu đồng/ngày. Doanh thu mỗi tháng hơn 300 triệu đồng. Cty còn mua cả bảo hiểm cho bò nữa. Nếu rủi ro con nào ốm chết, thì cứ đem “sổ bảo hiểm” đi mà lĩnh 12 triệu đồng góp phần mua ngay bò mới.

“Chăm con mọn đã vất, nhưng đúng như các cụ nói: nuôi bò sữa còn vất vả hơn chăm con mọn nhiều. Nghề nào thì cũng có ngày nghỉ 30 Tết. Song, riêng nghề nuôi bò sữa, sáng mùng Một hay đêm Ba mươi, vẫn cứ phải day vú bò như thường. Nếu có máy thì cũng phải ra ngắm bò rồi lắp máy vắt sữa, thậm chí mùng Một Tết cũng mắc màn chăm sóc “cô ta” như… ba trăm sáu tư ngày còn lại trong năm.

“Chỉ cần vắt sữa sai giờ, là bò cho sữa sai sản lượng ngay, sai cả phản xạ cho sữa nữa, thành ra thiệt thòi cả năm, có khi hỏng cả các bầu vú, hỏng cả cô bò quý”, ông Trân nói.

Nét đẹp cao nguyên

Hôm qua, 135 nàng bò lại cùng nhau đọ dáng để tranh “vương miện”. Hàng chục nghìn người, chủ yếu là bà con các dân tộc của huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ… đã kéo đến hội thi ngay từ sáng sớm.

13-42-32_dsc_0108
Nuôi bò sữa vất vả, nhưng mang lại thu nhập cao và ổn định 

Hơn 60 hộ chăn nuôi bò sữa và 135 "cô" bò được tuyển chọn từ hơn 500 hộ và gần 16.000 cô bò sữa đã gấp rút tập luyện để tham dự chung kết cuộc thi. Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay có tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng dành cho 5 hạng mục tham gia là: Bò vắt sữa, Bò cạn sữa, Bò hậu bị, Bê cai sữa và Bê ăn sữa. Tất cả các “cô" bò được vào chung kết đều được nhận giải thưởng tiền mặt là 3 triệu đồng.

Đến 12h ngày 15/10, “Hoa hậu” bò mang số hiệu 2771 của gia đình ông Dương Văn Nội ở tiểu khu Vườn Đào 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu, đã chính thức trở thành cựu “hoa hậu”. Thay vào đó, “thí sinh” bò mang số hiệu 1386 của hộ ông Bùi Văn Định ở tiểu khu Sao Đỏ đã “soán ngôi”. Tổng giá trị giải thưởng cho tân “Hoa hậu” 1386 là hơn 55 triệu đồng.

Từ năm 2004, cuộc thi “Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu” được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 14 và 15 tháng 10 hằng năm nhằm khuyến khích, động viên họ tạo ra những dòng bò không những đẹp về ngoại hình mà còn có khả năng SX cao.

Lần đầu tiên vào năm 2004 với chỉ có 28 hộ và 32 “cô" bò sữa tham gia, đến nay, quy mô cuộc thi đã được mở rộng ra khá lớn với số lượng tăng lên mỗi năm. Sau 10 năm tổ chức, đã có 500 hộ chăn nuôi với hơn 800 con bò, bê sữa tham gia cuộc thi từ vòng sơ loại. Đây cũng là cơ hội để người chăn nuôi có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau, với các nhà khoa học và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, những công nghệ chăn nuôi tiên tiến vào việc chăn nuôi bò sữa, trở thành một ngành chăn nuôi công nghệ cao.

Với ý nghĩa tôn vinh những người chăn nuôi bò sữa trên thảo nguyên Mộc Châu, cuộc thi đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân, cho xã hội từ những đóng góp thiết thực cho địa phương, giúp ổn định an sinh xã hội tạo ra nhiều tỷ phú từ chính nghề chăn nuôi bò sữa.

Qua từng năm thi, cuộc thi hoa hậu bò sữa đã trở thành một là nét đẹp văn hoá của những người chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu, trở thành một ngày hội văn hóa với người Mộc Châu nói riêng và điểm đến thú vị với khách du lịch thập phương. Như đã nói, quan trọng nhất, cuộc thi nhằm tôn vinh những người chăn bò, để cho họ tự hào rằng, chính họ đang làm giàu cho quê hương, một cách chân chính, lương thiện.

Nói như ông Trân: Thôi, dẫu có vất vả, dẫu lên ông lên bà cả rồi, dẫu tiền nhiều, xứng danh là các “tỷ phú chân đất” rồi, nhưng nghiệp nuôi bò vẫn luôn đeo đẳng họ. Hoặc, như ông Chiến “bò” nói, có quyền tự hào về cái nghề chăn bò của mình lắm chứ.

Việc tổ chức cuộc thi cũng là lời cảm ơn cánh đồng và thảo nguyên, tri ân sâu sắc những cỗ máy SX sữa mang tên con bò.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất