| Hotline: 0983.970.780

Ngô Quang Châu - 'bồ chữ của dân tộc'

Chủ Nhật 11/08/2019 , 14:30 (GMT+7)

“Bồ chữ của dân tộc” - đó là chữ mà nhà thơ Xuân Diệu giới thiệu về ông Ngô Quang Châu - Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Văn nghệ (nay là Nhà xuất bản Văn học) tại Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (1948) trên Chiến khu Việt Bắc.

Ngô Quang Châu (1919-2003).

Hơn 10 năm trước, khi tôi đến nhà để hỏi về cụ ông, cụ bà Nghiêm Thị Tãnh, bà quả phụ Ngô Quang Châu ngồi trên sập gỗ giữa nhà, mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng buông xuống tấm chăn, trầm ngâm nhìn ra đường hay một khoảng không vô định nào đó của ký ức. Thoáng chút lạnh trong mưa làm dậy lên nỗi nhớ của bà trong những câu chuyện kể về ông cho tôi nghe.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông Ngô Quang Châu tham gia tổ chức thành lập Tổng hội sinh viên ba nước Đông Dương cùng các ông Vũ Quý, Trần Quốc Hương (tức Mười Hương), Dương Đức Hiền. Tiếp đó, tại cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 do Tổng hội viên chức Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức tại Hà Nội, ông Ngô Quang Châu đại diện Việt Minh đã lên chiếm diễn đàn trước sự ngỡ ngàng của các viên chức.

Ông Nguyễn Dực (con trai nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh), là người phụ trách âm thanh, lấy chiếc micrô đưa cho ông Ngô Quang Châu. Nét mặt rắn rỏi, giọng đanh thép, ông Ngô Quang Châu giơ hai nắm tay hùng dũng kêu gọi đồng bào: Ủng hộ Việt Minh, khởi nghĩa giành lấy chính quyền.
 

“Bồ chữ của dân tộc”

Nước nhà độc lập sau hơn 80 năm nô lệ, ông Ngô Quang Châu tham gia hoạt động văn hoá. Trong danh sách Bộ biên tập của Tạp chí Tiên Phong gồm hơn hai mươi nhà văn hoá, trí thức tên tuổi trong cả nước do ông Trần Huy Liệu làm chủ bút, Ngô Quang Châu thường đứng ở hàng thứ tư theo vần A, B, C, sau Tâm Kính, Đào Duy Anh, Nam Cao. Từ số 19, ngày 16/9/1946, Ngô Quang Châu bắt đầu làm nhiệm vụ quản trị Báo Tiên Phong thay cho Đỗ Xuân Giũng.

Ông đã được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam khóa 1946 – 1947, do nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, nhà văn Hoài Thanh làm Tổng Thư ký, nhà thơ Tố Hữu và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Phó Tổng thư ký.

Tại Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, ông Ngô Quang Châu được bầu làm Ủy viên quản trị trong Ban chấp hành gồm 17 Uỷ viên.  Tổng thư ký là nhà văn Nguyễn Tuân; Phó Tổng thư ký là nhà thơ Tố Hữu. Trên Tạp chí Văn nghệ số 4 tháng 8 năm 1948, khi viết bài tường thuật lại “Đại hội Văn nghệ”, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã dành một câu đặc biệt đắt giá: “bạn Ngô Quang Châu, bồ chữ của dân tộc”. 

Tìm trong bộ báo Tiên Phong, cơ quan vận động văn hoá mới trong những năm 1945 – 1946, do Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, mới hiểu vì sao Xuân Diệu ví von ông Ngô Quang Châu là “bồ chữ của dân tộc”. Nhiều bài viết về tiếng Việt của ông xuất hiện: "Phải bạo dùng tiếng Việt" (số 8, ngày 1/4/1946), "Giá trị gợi tả của âm thanh trong tiếng Việt" (số 10, ngày 1/5/1946), "Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ" (số 11, ngày 15/5/1946), "Hợp lý hoá chữ Việt" (số 14, ngày 1/7/1946), "Sức sống của tiếng Việt" (số 20, ngày 1/10/1946)…
 

Của tin còn một chút này

Sau Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ít lâu, ông Ngô Quang Châu được sự tín nhiệm của anh em văn nghệ, đã giữ chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ trong suốt 4 năm cho đến khi ông nghỉ công tác.

Nhà văn Sao Mai, trong hồi ký “Sáng tối mặt người” (2003), đã kể lại kỷ niệm nhà văn Nguyễn Huy Tưởng giao cho Ngô Quang Châu rèn giũa, bồi dưỡng để ông qua lớp cảm tình Đảng. Rồi cũng chính ông Ngô Quang Châu dẫn Sao Mai lên Việt Bắc để kết nạp. Ngược rừng chuyến thứ hai, ba lô, mũ lá, mũ vải mềm, dép cao su quai ngắn chằng sang quai dài đi tắt qua Hòa Bình lên Việt Bắc. “Lão Châu này chăm sóc tôi có nhẽ còn hơn em ruột” – Sao Mai nhận xét.

Nghe tôi đọc xong đoạn về ông trong hồi ký “Sáng tối mặt người”, bà Nghiêm Thị Tãnh nhờ cô con gái Ngô Thị Sao mở tủ lấy những kỷ vật. Những tấm ảnh đã 60 năm có lẻ, bà vẫn chỉ cho tôi một cách tỉ mỉ và rõ ràng. Theo sự phân công của Hội Văn hóa Cứu quốc, ông Ngô Quang Châu làm Trưởng ban tổ chức phòng triển lãm văn hóa tại nhà Khai Trí Tiến Đức khai mạc vào ngày 7/10/1945.

Ngày khai mạc cũng là ngày ông có vinh dự được đón Hồ Chủ tịch cùng các vị cố vấn của Chính phủ, các vị Bộ trưởng tới dự: Ông Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại lúc ấy đã thoái vị), luật sư Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Trần Huy Liệu – Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền; ông Vũ Đình Huỳnh – Bí thư Hồ Chủ Tịch; ông Ngô Quang Châu…

Cả chiều hôm đó, bà kể những kỷ niệm về ông bà. Bà nhắc tên các văn nghệ sĩ, cụ Đặng Thai Mai, ông Nguyễn Tuân, ông Nguyễn Huy Tưởng, ông Xuân Diệu, ông Văn Cao, ông Nguyễn Đình Thi… “Ông Ngô Quang Châu nhà tôi là chơi thân với rất nhiều ông nhà văn, nhà báo, đủ cả. Những tấm ảnh này là ông Nguyễn Bá Khoản tặng làm kỷ vật đấy chú ạ”.

Tác phẩm của ông Ngô Quang Châu.

Sau khi xem lần lại từng kỷ niệm trong album ảnh gia đình, bà Ngô Quang Châu cho tôi xem tiếp những giấy tờ của Hội Văn nghệ. Ý bà phải chăng như một câu Kiều rằng: “Của tin còn một chút này…”. Đó là thẻ hội viên Hội Văn nghệ Việt Nam số 4, ngành Văn học, cấp cho ông Ngô Quang Châu tại Việt Bắc ngày 20/3/1951 do Tổng thư ký Nguyễn Tuân ký; cùng nhiều giấy tờ khác do Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam mời sau ngày về tiếp quản Thủ đô: do  nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà phê bình Hoài Thanh,  nhà thơ Vĩnh Mai… ký.
 

Con đường ngàn dặm

Bà lại nhìn ra ngoài phố trong một khoảng không vô định. Tôi hỏi tiếp bà những kỷ niệm về các văn nghệ sĩ trước đây từng là bạn của gia đình. Người già sống bằng ký ức, phải vậy chăng nên bà bảo những đêm bà ít ngủ, những chuyện về các ông ấy lại trở về… Nhưng kể ra làm gì, bà giữ ở trong lòng. Tôi im lặng cùng bà ngắm phố, ngắm từng dòng người qua lại. Bà bảo cuộc đời như dòng đời đi qua, thoáng vậy mà từ một cô thôn nữ quê gốc Kim Bảng – Hà Nam, sinh trưởng ở làng hoa Ngọc Hà – Hà Nội, lấy chồng theo kháng chiến, bà đi khắp nơi.

Bà lặng nhìn những cơn gió thổi về cuốn theo từng chiếc lá trên hè phố. Dòng người vẫn ngược xuôi qua lại. Tiếng còi xe buổi tan tầm trên con phố đông người qua lại như những nhát kéo cắt câu chuyện thành những mảnh của trò chơi Trí Uẩn bắt người ta phải tìm cách lắp ghép. Bà miên man trong các kỷ niệm.

Giờ đây, khi tôi trở lại ngôi nhà thì bà cũng đã về đoàn tụ với ông dưới suối vàng. Nơi xa xa ấy, ông đã ghi công bà: “Mặc sương nắng, mặc đạn bom/ Khu Tư, Việt Bắc chẳng chồn bước chân/ Nam Cao giặc giết Ý Yên/ Đưa lên văn nghệ con anh an toàn/ Kìa Tam Điệp, nọ Rừng Ngang/ Mã giang thác đổ, Đà giang sóng cồn/ Thao Lô bát ngát mây vờn/ Con đường ngàn dặm sắt son lời thề…”.

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất