| Hotline: 0983.970.780

Ngoại ô khoe sắc

Thứ Tư 17/09/2014 , 08:15 (GMT+7)

Không được chọn làm xã điểm nhưng với cách làm hay, sáng tạo, xã Hưng Đông (TP. Vinh, Nghệ An) đã nhanh chóng gặt hái quả ngọt, trở thành một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh cán đích NTM.

Thuận lòng dân

Xuất phát điểm ban đầu không có gì nổi trội, nhưng chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, Hưng Đông đã chuyển mình mạnh mẽ trên mọi phương diện. Thế nhưng, thành công có được ngày hôm nay không đến một cách ngẫu nhiên.

“Xây dựng NTM là chương trình dài hơi, đòi hỏi chính quyền địa phương phải rà soát, đánh giá lại tình hình để triển khai theo hướng phù hợp nhất chứ không thể làm dàn trải đến đâu hay đến đó”, ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã khẳng định.

Bước đột phá trong quá trình xây dựng NTM ở Hưng Đông là xây dựng đường GTNT và nâng cấp hạ tầng cở sở. Xác định đây là tiêu chí khó nhằn, cần phải huy động nguồn lực lớn để triển khai nên ngay từ ban đầu, Đảng ủy, UBND và các đoàn thể đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công, đất đai, tiền của.

Nhận thấy chủ trương đúng đắn, mang lại lợi ích hài hòa nên chỉ sau một thời gian phát động, hàng trăm hộ dân đã hưởng ứng mạnh mẽ, tình nguyện hiến tổng cộng 7.500 m2 đất thổ cư, dịch lùi tường bao, bờ giậu.

Đến nay, 100% tuyến đường liên xã, liên thôn và đường trục chính nội đồng ở Hưng Đông đã được cứng hóa theo đúng tiêu chuẩn; hệ thống kênh mương được nâng cấp hoàn chỉnh, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho việc SXNN…

Sau 3 năm, tổng kinh phí xây dựng NTM của địa phương là 339 tỷ đồng, trong đó số tiền do nhân dân đóng góp đã chiếm hơn 70% (225 tỷ đồng).

Tấc đất tấc vàng

Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh được đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Nắm được xu thế đó, UBND xã tích cực vận động bà con đầu tư thêm máy móc, dụng cụ thiết yếu hướng đến việc SX rau sạch công nghệ cao.

“Nhằm khuyến khích người dân tham gia, xã đã triển khai chính sách hỗ trợ trong 3 năm đầu tiên. Năm đầu là 10 triệu đồng/ha (năm 2008), năm tiếp theo là 7 triệu đồng/ha, năm cuối là 5 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ 390 triệu đồng để làm 2.500 m2 nhà lưới kiên cố”, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng ban nông nghiệp xã tiết lộ.

09-44-49_nh-3
Vườn cây cảnh của anh Trần Đức Dinh 

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Đức Dinh, một người trồng cây cảnh ở xóm Trung Mỹ, khẳng định: “Nghề này vất vả, chi phí trồng, chăm sóc tốn kém. Nhưng tựu chung là hiệu quả kinh tế cao, so với trồng lúa thì có khi gấp cả chục lần”.

Nhờ được đầu tư kỹ càng, triển khai bài bản nên hiệu quả của mô hình này rất cao. Những luống rau xanh mơn mởn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở HTX Đông Vinh (20 ha) và HTX Hưng Đông 2 (7-8 ha) luôn trong tình trạng “cháy hàng”, bất kể giá cả cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung.

Được biết, mỗi năm nguồn thu của 2 HTX này lên đến cả tỷ đồng, trừ tất tần tật, mỗi hộ cũng tích góp được 60-70 triệu đồng.

Xóm Trung Thành nghèo khó trước kia đang chuyển mình mạnh mẽ sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình trồng rau sạch, trồng hoa hàng hóa với sự tham gia của gần 200 hộ. Nhiều tấm gương điển hình xuất hiện, một trong số đó là trường hợp của ông Nguyễn Trường Tam.

Thực hiện gieo trồng đúng phương pháp, tích cực chăm bón, theo dõi, kết hợp với việc làm lưới chắn gió, ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh nên những giống rau vốn “khó tính” với khí hậu miền Trung như cải thảo, xà lách tím... vẫn vô tư sống khỏe. Vườn rau vỏn vẹn 500 m2 của ông Tam đều đặn mang lại nguồn thu cả trăm triệu đồng/năm…

Mỗi dịp xuân về, tết đến, không khí ở làng hoa, cây cảnh xóm Trung Mỹ lại nhộn nhịp lạ thường, lúc đó chúng ta mới cảm nhận được hết tiềm năng và lợi thế của vùng ngoại ô xanh.

Xác định đối tượng phục vụ là tầng lớp bình dân nên các hộ chủ yếu trồng hoa cúc, lay ơn… cho dễ tiêu thụ. Có định hướng rõ ràng nên việc kinh doanh ngày một thuận lợi, hộ trồng ít thì lãi dăm ba chục triệu mỗi năm, hộ nào triển khai quy mô thì kiếm bạc trăm, tiền tỷ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm