| Hotline: 0983.970.780

Ngoại tình có phải một bệnh lý?

Chủ Nhật 17/12/2017 , 14:30 (GMT+7)

“Ăn vụng” bao giờ cũng ngon nên “ngoại tình” dường như là căn bệnh khó chữa. Khi trong nhà có người ngoại tình, gia đình bị chao đảo như sau một cơn bão (nặng hay nhẹ tùy mức độ).

Việc xử lý chuyện vợ, hoặc chồng ngoại tình cũng có trăm phương ngàn cách. Nhiều người cương quyết đưa nhau ra tòa để rồi gia đình tan nát. Cũng không ít người chấp nhận tha thứ cho “tội đồ” với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân có giữ được hay không lại là một chuyện khác.

07-39-51_trng_10
Ảnh minh họa

Như đã nói, ngoại tình là căn bệnh khó chữa. Tuy nhiên, Nói “khó” không có nghĩa là không có cách chữa. Theo các chuyện gia tâm lý, nếu chẳng may trong gia đình một người bị “bệnh”, hãy cố gắng “ chạy chữa” theo các hướng dẫn sau:

1. Thu thập chứng cứ: Như bất cứ căn bệnh nào khác, ngoại tình cũng có những triệu chứng mà từ “ chuyên môn” gọi là “ chứng cứ”. Điều này rất quan trọng trong việc tìm ra cách chữa trị. Có nhiều người tỏ ra thiếu kiên nhẫn, vừa chỉ phát hiện một vài dấu hiệu nghi ngờ kẻ kia ngoại tình là lu loa. Sự nóng vội này có thể khiến “xôi hỏng bỏng không” bởi kẻ “tội đồ” sẽ chối bay chối biến hoặc tìm cách “xóa sạch dấu vết” bởi đơn giản là kẻ ăn vụng luôn cố tìm cách chùi mép. Vì vậy, nếu thấy có dấu hiệu đáng ngờ, bạn cần giữ bình tĩnh để tìm hiểu, thu thập chứng cứ thật cụ thể.

2. Nói chuyện: Nói chuyện vừa là cách giúp bạn tìm hiểu suy nghĩ và quyết định của người kia, cũng là lúc bạn thể hiện mong muốn của mình về cuộc hôn nhân này. Sau khi nắm được chứng cứ rõ ràng, nhiều người không giữ được bình tĩnh dẫn tới việc xô xát, cãi cọ hay sỉ nhục đối phương. Việc này chỉ khiến tình thế thêm căng thẳng chứ không giải quyết được vấn đề. Điều nên làm là dùng thái độ mềm mỏng nói chuyện với “nghi can” (chứ chưa phải là “bị can”). Tuyệt đối không cãi nhau, “lấy khẩu cung” hay “ép cung”. Tốt nhất nên hẹn nhau ở một nơi nào đó và bạn cần chuẩn bị trước việc sẽ nói gì với “nửa kia”. Nếu trong cuộc gặp đó, người kia “nhận tội”, xin được khoan hồng hay tha thứ, hãy cương quyết bắt họ cam kết chấm dứt. Có thể soạn sẵn một bản cam kết với những điều khoản cụ thể và hợp lý.

3. Không nhắc lại vấn đề: Dù ngoại tình thường đem lại sự tổn thương lớn lao cho người trong cuộc, nhưng khi đã cùng nhau “giải quyết”, bạn không nên nhắc lại chuyện này một lần nào nữa. Nếu chỉ vì muốn trút bỏ sự đau khổ mà bạn hành hạ đối phương bằng cách liên tục kể lể hoặc rêu rao thì sẽ làm cho không chỉ họ mà cả bạn và con cái cũng xấu hổ. Tha thứ cũng là cách cởi bỏ gánh nặng của chính mình. Mang nó trên vai mỗi ngày chỉ khiến bạn mệt mỏi và bạn sẽ làm lây sự mệt mỏi ấy sang các thành viên khác, làm không khí gia đình càng căng thẳng hơn.

4. Chia sẻ với người thân: Nếu kia không thực hiện cam kết mà vẫn “ngựa quen đường cũ”, bạn hãy tỏ ra cứng rắn hơn. Đầu tiên, bạn hãy chia sẻ với người thân để thêm sự trợ giúp và cảnh tỉnh đối phương. Đừng tự giải quyết mọi việc một mình bởi bạn có rất nhiều người thân sẵn sàng hỗ trợ. Hơn nữa, việc mọi người biết vừa giúp bạn có thêm sự chia sẻ đồng thời nếu sau này xảy ra bất cứ vấn đề gì, họ không thấy quá bất ngờ và bạn cũng không bị lên án hay bị trách móc.

5. Không nên bỏ đi hoặc ly thân: Nên cho bạn và “bị can” một khoảng thời gian để suy nghĩ thêm và quyết định chứ không nên xa nhau trong lúc này vì có thể làm cho tình cảm thêm rạn nứt. Trừ khi bạn ly hôn, còn lại việc bạn ly thân hay ra khỏi nhà không làm cho mọi việc giải quyết ổn thỏa được.

6. Đừng mất thời gian cho kẻ thứ ba: Rất nhiều người oán hận, chửi rủa kẻ thứ ba. Nhưng bạn hãy nhớ một điều: “Một bàn tay không vỗ nên tiếng”. Chính chồng (vợ) của bạn mới là nguyên nhân chính của vấn đề. Bạn chỉ nên can thiệp khi kẻ thứ ba là người gài bẫy hay cố tình dụ dỗ “người của mình”. Hãy quên chuyện “trả đũa” kẻ đó đi mà chỉ tập trung cho việc của gia đình.

7. Điều quan trọng nhất là xác định tình cảm của bạn và “đối tác”, liệu có còn tình yêu với nhau, có muốn quay lại với gia đình không? Có xứng đáng để bạn tha thứ và bắt đầu lại hay không?

(Kiến thức gia đình số 49)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất